Giọng ca miền núi chinh phục Thủ đô
Phần thi của Thùy Liên tại đêm chung kết Giọng hát hay Hà Nội nổi bật hẳn lên. Không ai biết cô đang bị sốt virus, sáng hôm đó còn phải truyền 2 chai nước trước khi chạy đến Cung Văn hóa Hữu nghị tổng duyệt cho đêm chung kết. Một giám khảo cho biết, BGK vòng loại rất mừng sau khi thử giọng Thùy Liên. Vì trước đó đã có những nhân tố khá, nhưng chưa có ứng viên thực sự mạnh cho danh vị quán quân. Rất may là Thùy Liên và Giọng hát hay Hà Nội 2018 đã không lỡ hẹn nhau. Vì tuổi 26 với một ca sĩ nhạc nhẹ kể cũng vừa đủ chín.
Cảm xúc sau khi đoạt giải của Liên có vẻ không giống ai: “Vài ngày sau khi thi xong, tôi cứ cảm thấy buồn. Buồn vì thương mình, thỉnh thoảng tôi lại ngồi khóc. Cảm xúc không giống mọi người, vì tôi trải qua quá nhiều cuộc thi, mãi tới hôm nay mới đạt những gì mình từng mơ…” Và rồi khi cuộc sống trở nên bận rộn hơn, Liên vui trở lại vì cảm thấy mình “có ích”.
Giữa năm, một đồng nghiệp thân thiết nhắn cho Liên về Giọng hát hay Hà Nội. Cô nhắn lại: “Không, em không đi thi nữa. Trượt nhiều quá rồi…”. Sau mỗi lần “thất bại” (thực ra tại Hội diễn Chuyên nghiệp Toàn quốc, Liên từng dành Huy chương Bạc), Liên sợ đến mức không dám lên sân khấu hát.
Nhưng một đồng nghiệp khác giúp Liên “đổi đời” bằng việc xem… tai cô, rồi phán: “Em ơi, bóng em sáng lắm rồi. Đi thi đi, em sắp nổi tiếng!”. Đó là một diễn viên Đoàn nghệ thuật Phòng không Không quân - nơi Liên đang cộng tác. Bùi tai, Liên bèn đổi ý. May nữa là Giọng hát hay Hà Nội tự nhiên lại lùi thời gian tổ chức. Dù sao lúc đấy cũng khá gấp, nên Liên phải cầu viện cô giáo Hà Thủy giúp chọn bài, dựng bài.
Ở tỉnh, dòng nhạc đầu tiên Liên được tiếp xúc là của Anh Thơ. Liên cũng hát kiểu thính phòng dân gian. Về Hà Nội, mới biết thế nào là nhạc nhẹ, Liên tập luyện rất nhiều để đổi dòng: “Có khi 4h sáng, tôi vẫn trong phòng thu để tập và nghe xem cách hát của mình thế nào. Cách tôi hát bây giờ chưa là gì so với các bạn trẻ, nhưng cũng là cả một sự cố gắng”.
Không để ai làm mẹ khổ…
Khi Liên học hết lớp 9, trường Cao đẳng Nghệ thuật tỉnh Yên Bái gửi công văn xuống trường Liên học để chiêu sinh. Mẹ và cô giáo chủ nhiệm khuyến khích Liên đi thi và trúng tuyển. Học xong trung cấp, Liên về công tác tại đoàn nghệ thuật của tỉnh. Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc chính là cơ hội để cô được tiếp xúc với đàn anh đàn chị. Nhờ đó, Liên gặp nhạc sĩ An Hiếu và được khuyên: “Em phải xuống Hà Nội học! Không thì rất phí”.
Thùy Liên quê ở huyện Trấn Yên, có một cậu em trai sinh đôi. Bố mất vì ung thư khi hai chị em mới 15 tuổi. Khi đó, mẹ Liên mới ngoài 30. “Hầu như cả thanh xuân của mẹ dành hết cho hai chị em tôi”, Liên kể. “Nhà nhỏ, không phòng riêng nên khi bố mất, chúng tôi luôn chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ”. Hai chị em vẫn nói với mẹ: “Bọn con không bao giờ ích kỷ nếu có người đàn ông nào đến với mẹ và mẹ ưng. Bọn con đồng ý nếu người đó thực sự tốt với mẹ. Bởi mẹ đã khổ nhiều rồi, bọn con không để cho ai làm mẹ khổ nữa...”.
Nhà Liên ở trên đồi, bìa rừng. Khi còn bé, có khi cả tuần hai chị em không nhìn thấy bố mẹ. Vì họ phải vào rừng kiếm củi, kiếm măng để bán. Hai chị em hồi nhỏ chủ yếu sống với bà ngoại. Cũng vì lao lực mà mẹ Liên bị thoái hóa đốt sống. Sau khi chồng qua đời, một mình bà không thể tiếp tục làm nông, đi rừng. Vì thế, cách đây 5 năm, bà sang Trung Quốc làm công nhân ở nhà máy sản xuất ô. Ba mẹ con thường xuyên trò chuyện qua mạng. Gần đây Liên muốn mẹ về, nhưng bà nói: “Mẹ chỉ sợ về không có bằng cấp, không kiếm được việc, nếu có thì lương cũng thấp, không lo nổi cho hai đứa. Bắt đầu từ năm sau, tết nhất mẹ sẽ về. Rồi vài năm nữa, kiếm một số vốn nhất định rồi, mẹ sẽ về hẳn với hai đứa…”.
“Vì thế, lúc nào tôi cũng phải cố gắng. Không chỉ vì tôi. Tôi muốn trở thành niềm tự hào của mẹ”, Liên nghẹn ngào. Kế hoạch năm tới của Liên là sau khi tốt nghiệp ĐH Nghệ thuật Quân đội, phải đón mẹ về ở cùng. Cô cũng không muốn tương lai em trai gắn với nghề lái taxi. Năm lớp 10, em Liên nghỉ học giữa chừng, cũng vì nhường suất học hành cho chị…
Mẹ thường nói với Liên: “Mẹ không biết gì về nghề của con, nên không thể khuyên nhủ gì về chuyên môn. Chỉ biết rằng con muốn làm gì hãy cứ nói, dù không giàu nhưng mẹ sẽ không tiếc một cái gì, miễn con thành công trong nghề”. Mẹ cũng nhắc Liên phải trau dồi học tập, chú ý các mối quan hệ để “không bị đưa đẩy vào những con đường không nên đi”… Khi làm nghề rồi, Liên nhận thấy có những “cám dỗ” như mẹ cảnh báo. Nhưng cô khẳng định: “Tránh được cám dỗ hay không, tùy vào bản thân mình. Tôi làm nghề luôn rất nghiêm túc, nên sẽ không ai có thể cám dỗ được tôi, trừ khi tôi thích (cười). Bởi tôi cũng rất cá tính, nếu không muốn nói có phần nam tính, các anh nhìn thấy chắc là cũng không muốn cám dỗ đâu!”.
Bên ngoài, Liên rất nữ tính. Cô muốn hướng theo dòng ballad trữ tình với sản phẩm sắp ra mắt. “Vẫn giữ độ điên trước đây nhưng tiết chế hơn” là ý định của cô. Liên cũng cân nhắc khả năng tái chinh phục đấu trường Sao Mai 2019. Tại cuộc này kỳ trước, Liên từng tạm dừng ở top 9 toàn quốc, bảng nhạc nhẹ.
“Vì thế, lúc nào tôi cũng phải cố gắng. Không chỉ vì tôi. Tôi muốn trở thành niềm tự hào của mẹ”, Liên nghẹn ngào. Kế hoạch năm tới của Liên là sau khi tốt nghiệp ÐH Nghệ thuật Quân đội, phải đón mẹ về ở cùng. Cô cũng không muốn tương lai em trai gắn với nghề lái taxi. Năm lớp 10, em Liên nghỉ học giữa chừng, cũng vì nhường suất học hành cho chị…