Quản lý trật tự đô thị nhưng… không biết đọc bản vẽ

Quản lý trật tự đô thị nhưng… không biết đọc bản vẽ
TP - "Tuy làm công tác QLTTĐT ở địa phương, nhưng anh em đọc bản vẽ không rành, lại không am hiểu pháp luật...", ông Nguyễn Văn Hiệp- Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, trao đổi về những vấn đề xung quanh sự cố khu nhà bị sập dây chuyền.
Quản lý trật tự đô thị nhưng… không biết đọc bản vẽ ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Hiệp

Đề cập đến sự cố căn nhà 4 tầng  số 46/46 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh bị sập ngày 9/1 làm 4 căn nhà bên cạnh sụp đổ theo, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết:

Việc cấp phép xây dựng cao ốc từ 10 tầng trở xuống, thành phố đã phân cấp cho các quận, huyện. Để xảy ra sự việc nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương.

Chỉ có cấp phường mới am hiểu những việc trong địa phương mình thông qua các tổ dân phố, khu phố và tổ quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT). Cấp phường, xã ở cả 24 quận - huyện đều có lực lượng QLTTĐT tổng cộng trên 1.200 người.

Ngoài ra, các quận, huyện đều không làm theo hướng dẫn của Sở Xây dựng. Từ năm 2004, chúng tôi phát hành những tập hướng dẫn cho các chủ đầu tư về hợp đồng, chọn nhà thầu, thiết kế, khảo sát, thi công, giám sát, an toàn lao động, che chắn công trình, hướng dẫn thi công thế nào không làm ảnh hưởng đến móng nhà bên cạnh; đụng ống cống chung phải xử lý ra sao… và gửi xuống yêu cầu các quận, huyện đính kèm giấy phép xây dựng khi cấp cho các tư nhân. Thế nhưng, hầu hết các phòng quản lý đô thị khi cấp phép lại không đưa cho người dân.

Là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực xây dựng, khi sự cố xảy ra, không lẽ Sở Xây dựng vô can?

Không phải chúng tôi chối bỏ trách nhiệm nhưng lực lượng thanh tra của Sở Xây dựng chỉ có 12 người, chia thành 2 tổ mà phải quản lý cả thành phố thì đúng là quá sức.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở đã tiến hành kiểm tra nhưng chỉ làm theo xác suất thôi, sao kiểm tra hết được. Chỉ có cách nâng cao trình độ, trách nhiệm của các tổ, đội QLTTĐT. Anh được Nhà nước tuyển vào  làm công ăn lương, được truyền đạt hết về nghiệp vụ, cái gì ngoài tầm phải hỏi cấp trên. Nếu không, anh tự chịu trách nhiệm hoặc đừng làm.

Chỉ trong vòng mấy tháng, TPHCM đã xảy ra ít nhất hai vụ sập nhà đang thi công gây hậu quả nghiêm trọng. Phải chăng, công tác quản lý - cụ thể là phân cấp trong lĩnh vực xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập ?

Ngoài vụ sập nhà ở quận Tân Phú (làm 3 người chết – PV) vừa rồi thành phố đã xảy ra mấy vụ ở số 205 bến Chương Dương (quận 1), ở quận 8, ở Trung tâm lưu trữ Sở TN-MT…

Theo tôi, việc phân cấp là đúng, thậm chí cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Vấn đề nằm ở chỗ tuy làm công tác QLTTĐT ở địa phương nhưng anh em hầu hết là bộ đội xuất ngũ, nhiều người thậm chí học chưa hết lớp 12, đọc bản vẽ không rành lại không am hiểu pháp luật nên xử lý tình huống rất chậm, trong khi khối lượng cấp phép xây dựng bây giờ rộ lên ở các quận, huyện. Số đầu việc xây dựng càng nhiều càng dễ xảy ra bất cập...

Vừa rồi tôi đã hướng dẫn cho 7 lớp với khoảng trên 1.000 người là nhân viên của tổ quản lý trật tự đô thị. Toàn nhân viên mới trình độ lớp 12. Tuyển nhân viên trình độ trung cấp, cao đẳng trở lên vào làm thì không chuẩn bị kịp mà làm như hiện nay thì nhà nước phải cử đi học.

Học xong có nguy cơ anh em sẽ… không làm nữa. Nên chăng, tiền lương hiện nay cao thêm một chút để có thể tuyển được những người có trình độ, biết đọc bản vẽ và nhiệt tình. Nhiều người chắt chiu cả đời mới làm được nhà nhưng lại thích cái rẻ nên thấy ông cai, ông thợ hồ nào có vẻ tin cậy được là ngã giá thỏa thuận.

Chủ nhà không định nghĩa được thế nào là năng lực chủ thầu, không lường được mức độ nguy hiểm, thấy mấy ông “thần đèn” làm, cứ tưởng ông này ông kia đăng báo thì cũng làm được nên mới xảy ra sự thể. Nếu địa phương làm hết trách nhiệm thì ổn nhưng thường là không xử lý đến nơi đến chốn, không loại trừ có việc cả nể, thậm chí tiêu cực.

Mặt khác, Quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo Nghị định 126 có nhiều điểm bất cập và chúng tôi đang trình Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng sửa đổi theo hướng không phân biệt phạt chính (phạt tiền) hay phụ (tháo dỡ công trình vi phạm) vì người thừa hành thường nghĩ, hình phạt chính là phải làm, còn bổ sung làm hay không cũng chẳng sao nên không có tính răn đe. Người bị phạt vẫn vui vẻ xin đóng tiền liền. Còn hình thức bổ sung thì không ai chịu làm.

Đối với vụ sập nhà ở phường 17, quận Bình Thạnh, Sở sẽ xem xét xử lý chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn thiết kế. chúng tôi sẽ xem xét hợp đồng thi công có giao kèo phần việc về thiết kế phương án chống nghiêng và nhà thầu có đủ năng lực hay không từ đó sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề. Theo quy định, không phải cứ có chứng chỉ hành nghề là được làm mọi việc.

MỚI - NÓNG