Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả:

Quản lý thị trường, hải quan 'có vấn đề'

Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Quản lý thị trường, hải quan được xác định là lực lượng nòng cốt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, thông tin từ buổi tổng kết năm của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia sáng 16/12 cho thấy, bộ máy của 2 cơ quan này tồn tại không ít vấn đề.

Chỉ làm được những vụ lẻ tẻ

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về vai trò lực lượng quản lý thị trường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), ông Đỗ Thanh Lam, thừa nhận, vấn đề con người đang rất cấp bách, cần thay đổi ở cơ quan này. Ông đưa ra câu chuyện làm việc với một lãnh đạo cấp Chính phủ cách đây hơn thập kỷ và được yêu cầu lực lượng quản lý thị trường thay đổi, nhưng đến nay, dường như giậm chân tại chỗ.

Tính đến ngày 15/11, các lực lượng đã bắt giữ, xử lý 186.989 vụ việc vi phạm (tăng 6,47% so với năm trước); thu nộp ngân sách ước đạt hơn 11.535 tỷ đồng (tăng 5,75%); khởi tố 1.123 vụ đối với 1.281 đối tượng. 

Con số tổng kết của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, thực trạng lực lượng quản lý thị trường chỉ làm được những vụ lẻ tẻ. Mỗi năm xử lý hàng trăm nghìn vụ, số thu 400 tỷ đồng, tính trung bình mỗi vụ chỉ xử phạt  400.000 đồng. “Con số này phản ánh đúng chức năng, nhiệm vụ lực lượng quản lý thị trường. Lãnh đạo Bộ yêu cầu xử lý những vụ việc lớn hơn, nhưng rất khó”, ông Lam nói. Ông Lam đưa ra nhiều lý do, như: Luật pháp không cho phép; không có trinh sát đặc thù chuyên sâu; phương thức thủ đoạn, đường dây ổ nhóm ngày càng tinh vi…

Cách đây ít ngày, tại cuộc họp ở Văn Phòng Chính phủ về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính các chất độc hại dùng trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trịnh Văn Ngọc giãi bày rằng, anh em “né”, không dám bắt chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, vì không biết đưa về đâu xử lý. “Không có kho, không có kinh phí bảo quản tang vật”, ông Ngọc nói. Khi đó, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Nguyễn Văn Cẩn cắt lời, khẳng định: “Cứ bắt đi, chúng tôi sẵn kho để chứa hàng vi phạm”.

Quản lý thị trường, hải quan 'có vấn đề' ảnh 1

Con người vẫn là vấn đề cốt lõi trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: Đức Huy.

Xử lý nghiêm cán bộ hải quan tiếp tay

Vấn đề con người trong công tác chống buôn lậu của lực lượng hải quan cũng được đề cập trong buổi tổng kết. Với tư cách Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn nói: “Quan điểm làm tốt khen thưởng, làm chưa tốt xem xét kỷ luật, luân chuyển”.

Khi được hỏi về các vụ việc cán bộ hải quan bị bắt giữ gần đây tại hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái; Chi cục Hải quan ở An Giang, ông Cẩn nói: “Quan điểm cơ quan hải quan là không bao che, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho buôn lậu”.

Ông Cẩn cho biết: Năm 2015, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều diễn biến mới. Các đối tượng hoạt động tinh vi hơn, thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động để vi phạm, chủ yếu là hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Cũng theo ông Cẩn, có nhiều địa bàn biên giới là điểm nóng buôn lậu, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, An Giang, TPHCM, Kiên Giang… Trong khi đó, tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng có giá trị kinh tế lớn vẫn còn xảy ra.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xác định, các địa bàn trọng điểm, gồm: Kho hàng nội địa Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chuyển phát nhanh Fedex, DHL, Bưu điện trung tâm TPHCM; trạm trả hàng Fedex - Hà Nội, ICD Mỹ Đình, nhà ga Sân bay quốc tế Nội Bài;… Đây sẽ là những nơi mà Ban Chỉ đạo 389 lưu tâm chỉ đạo các lực lượng liên ngành liên tục kiểm tra trong năm tới.

Còn nhớ hồi cuối năm 2013, lực lượng hải quan tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất từng để “lọt” 600 bánh heroin. Chỉ khi phía nước ngoài bắt giữ, vụ việc mới vỡ lở. Sau đó, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM nói đã làm đúng quy trình, hàng thuộc “luồng xanh”, nên không kiểm tra.

MỚI - NÓNG