Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đang hoàn tất việc nghiên cứu đề tài Khoa học “Tình hình và kết quả thực hiện đấu tranh chống quan liêu, lãng phí trong Đảng và trong xã hội ta hiện nay” do Viện này thực hiện theo đơn đặt hàng của Ban chỉ đạo TW 6 ( 2).
Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hữu Nghị - Nghiên cứu viên Viện NNPL.
Nhà máy đường Quảng Nam được đầu tư gần 150 tỷ đồng, nay đang bị bỏ hoang |
Nhiều quan chức chỉ thích có dự án để làm
Ông Nghị nói: “Việc Việt Nam chậm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo tôi cũng là một lãng phí rất lớn, đó là lãng phí về cơ hội hội nhập kinh tế thế giới.
Đất nước đã tụt hậu lắm rồi, nếu không chuyển đổi nhanh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội thì chúng ta đang có lỗi với thế hệ mai sau”.
Đề tài nghiên cứu đã đề cập một lĩnh vực lãng phí khá mới, là lãng phí do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?
Lâu nay Nhà nước đã ban hành quá nhiều văn bản về tái cơ cấu DNNN nhưng thực tế kết quả thu được là không tương xứng, và do đây là lĩnh vực mới nên chưa ai đánh giá xem thất thoát, lãng phí là bao nhiêu.
Việc thành lập khá nhiều các Tổng Cty 90, Tổng Cty 91 cũng phát sinh rất nhiều vấn đề. Tổng Cty gần như là một cấp hành chính trung gian, tăng số lượng các đại diện chủ sở hữu đối với Cty nhà nước.
Cổ phần hóa (CPH) khép kín đã biến thành việc “chia phần hoá”. Do không đưa giá trị quyền sử dụng (QSD) đất vào giá trị của DN nên đã gây thất thu cho ngân sách ít nhất là 8 lần giá trị CP đã bán ra bên ngoài Nhà nước, bằng chứng là người lao động mua CP mệnh giá là 100.000 đồng sau đó bán trao tay lên 5-10 lần.
Như vậy, nếu giá trị 4,5% vốn Nhà nước đã bán ra là 9 ngàn tỷ đồng thì Nhà nước đã thất thoát khoảng 72 ngàn tỷ đồng.
Để minh họa cho sự thiệt hại này, xin lấy ví dụ: Khách sạn Phú Gia tọa lạc trước Tháp Rùa Hồ Gươm (Hà Nội) định giá CPH có 3,5 tỷ đồng, nhưng trên thực tế nếu chỉ tính riêng giá trị 6000 m2 đất x 10 cây vàng/1m2 = 6000 cây vàng, đã là 50 tỷ đồng.
Việc chuyển DNNN thành Cty TNHH một thành viên cũng gây nên lãng phí qua việc định giá, chi phí thời gian và làm các thủ tục chuyển đổi. Thực ra DNNN và Cty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn là không khác nhau về bản chất.
Có thể kể thêm lãng phí về thời gian: Thời gian trung bình chuyển một DNNN thành Cty CP là 500 ngày, trong suốt thời gian này không ai nghĩ đến việc kinh doanh và phát triển mà chỉ lo việc thực hiện CPH…
Còn chuyện thất thoát, lãng phí trong đầu tư XDCB thì sao, thưa ông?
Đây cũng là vấn đề nổi cộm. Ngay như ở Hà Nội tại sao chúng ta không làm một hệ thống tàu điện ngầm cho Hà Nội, mà cứ phải chạy theo những chắp vá trong các dự án về giao thông gây tốn kém?
Dường như, còn có những quan chức thích có nhiều dự án để làm… Lâu nay, chúng ta vẫn thường nói đến lãng phí trong sử dụng xe công, điện thoại…, nhưng so với lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản thì không thấm vào đâu.
Rất tiếc đến thời điểm hiện nay chúng ta vẫn chưa có Luật chung về quy hoạch, Luật Đất đai đề cập về quy hoạch Đất đai, Luật Xây dựng đề cập về quy hoạch Xây dựng, nhưng chúng quá tách rời nhau…
Đầu tư dàn trải: Chỉ một nhóm người được lợi
Bên cạnh lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản thì lãng phí trong khu vực DNNN cũng nghiêm trọng không kém?
Đúng vậy. Khi chuyển đổi kinh tế, chúng ta chậm chuyển biến về nhận thức đối với vị thế DNNN, chưa thực sự coi trọng kinh tế dân doanh nên trong chủ trương đầu tư và quy hoạch đầu tư vẫn cố tạo ra cơ hội cho việc thành lập thêm DNNN ở rất nhiều lĩnh vực.
Do ta chưa nhận thức được quy luật này nên vẫn muốn duy trì DNNN, các Cty TNHH, Cty CP do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Nhà nước giữ cổ phần và vốn góp chi phối tại các DNNN đã CPH.
Điều đó dẫn đến lãng phí toàn bộ tiềm năng của Nhà nước, lẽ ra Nhà nước không phải bỏ vốn kinh doanh mà vẫn thu được thuế cao hơn. Nhưng Nhà nước vẫn cứ chủ trương đầu tư: Chương trình 1 triệu tấn đường gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách; Trong chương trình đánh bắt cá xa bờ, nếu dân đóng một con tàu tương tự như Nhà nước, chi phí chỉ bằng 60% so với Nhà nước.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất và hệ thống cảng biển sân bay có nhiều điều vô lý, theo phong trào. Tỉnh anh có cảng, tỉnh tôi cũng phải có cảng mà không nghĩ tới hiệu quả.
Chúng tôi đã thống kê được là hiện nay cả nước có trên 100 cảng biển ở 24 tỉnh, thành phố; 18 cảng hàng không và sân bay chuyên dùng; đang nâng cấp xây dựng 4 sân bay và chuẩn bị thủ tục cho 4 sân bay khác; một số cảng và sân bay xây dựng quá gần nhau; có cảng vừa xây dựng xong lại chuẩn bị kế hoạch để di dời.
Hiện tượng này không phải xuất phát từ lợi ích của quốc gia, của nhân dân địa phương mà trong nhiều trường hợp chỉ vì lợi ích của một nhóm người.
Lãng phí do chế độ sở hữu chưa rõ ràng
Ông lý giải thế nào về tình trạng lãng phí trên?
Mỗi lĩnh vực lãng phí đều có những nguyên nhân đặc thù của nó, thế nhưng theo tôi nguyên nhân bao trùm chính là chế độ sở hữu của chúng ta chưa thật rõ ràng. Chúng ta nói sở hữu toàn dân, sở hữu Nhà nước, nhưng nói thế quá chung chung, vì cần phải xác định được những chủ sở hữu đích thực.
Vì sao nhiều nước có thể có quan liêu, có tham nhũng, nhưng rất hiếm có lãng phí, vì sao nước ta là nước duy nhất trên thế giới có dự án Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, vì những nước đó đã xây dựng được một chế độ sở hữu, chế độ quản lý tài sản, chế độ tài chính rõ ràng và minh bạch.
Chế độ quản lý ở nước ta là chế độ quản lý mang nặng tính tập thể, không ai chịu trách nhiệm cá nhân. Chế độ quản lý đó đã xâm nhập một cách có hệ thống vào cơ chế quản lý Cty Nhà nước.
Bản chất của Cty Nhà nước là công ty một chủ, nhưng không có ông chủ nào đích thực, đó là nguyên nhân cơ bản gây nên lãng phí, tham nhũng và mọi lộn xộn trong DNNN và cả xã hội.
Có một chân lý đơn giản là hiếm ai phung phí những gì của riêng mình, thuộc sở hữu của mình. Cùng với việc hoàn thiện chế độ sở hữu, chúng ta cần tăng cường cơ chế kiểm tra và giám sát quyền lực.
Chúng ta đã có luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, thì phải nhanh chóng có luật về hoạt động giám sát của nhân dân, của các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp.
Những quyết định của cấp lãnh đạo, kể từ Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cần phải được phản biện xã hội, giám sát xã hội vì những quyết định đó liên quan đến vận mệnh quốc gia và sinh kế của hàng triệu người dân.
Bất kỳ chủ trương, chính sách nào có thể gây lãng phí đều cần được phản biện xã hội, giam sát xã hội.
Dự án Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này, ông có nghĩ rằng dự án luật này sẽ tạo ra bước chuyển biến trong cuộc đấu tranh chống lãng phí?
Bản thân các quy định luật pháp không phải là phương thuốc thần kỳ để có thể chấm dứt các căn bệnh trong xã hội. Cá nhân tôi nghi ngờ về tính hiệu quả của những chế tài đối với người gây ra lãng phí, vì cơ sở thực tiễn và pháp lý của chúng không chắc chắn.
Trong trường hợp của dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có một vấn đề cơ bản là ai sẽ tính toán được các mức độ lãng phí để có chế tài thích hợp, nếu có một tổ chức độc lập làm việc này thì tốt nhưng liệu có chạy vào cái vòng luẩn quẩn gây lãng phí?
Bởi vì, cần có kinh phí để duy trì tổ chức này, lúc đó có như trường hợp của một trạm thu phí giao thông, có những trạm thu không đủ nuôi nhân viên? Chế tài trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nếu không có tiền đề pháp lý ở các lĩnh vực pháp luật khác thì nó sẽ chỉ nằm trên giấy.
Xin cảm ơn ông!
Quan liêu diễn ra ở mọi nơi “Thông thường, nói đến tham nhũng thì không quan chức nào tự nhận, nhưng nói đến quan liêu thì nhiều quan chức dễ dàng nhận rằng…đôi khi mình cũng quan liêu. Điều đó cho thấy, trong lúc nạn tham nhũng được coi là nghiêm trọng, thì người ta lại đang hình dung về bệnh quan liêu thật nhẹ nhàng, cách tư duy này là hết sức nguy hiểm” - GS.TSKH Đào Trí Úc - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (VKHXH VN), Chủ nhiệm đề tài “Tình hình và kết quả thực hiện đấu tranh chống quan liêu, lãng phí trong Đảng và trong xã hội ta hiện nay”, nói. Nhóm nghiên cho rằng tệ quan liêu là căn nguyên của tham nhũng và lãng phí, và đấu tranh chống tệ quan liêu là cuộc chiến không có trận tuyến vì tệ nạn này nằm ngay trong tổ chức và bộ máy của Đảng và Nhà nước. Nếu tệ quan liêu ở các nước thường chỉ diễn ra trong hệ thống hành pháp, thì ở Việt Nam tệ quan liêu diễn ra trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt nguy hiểm là sự quan liêu ở những quan chức có quyền hoạch định chính sách, vì nó sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh kế của hàng triệu người dân. Nhóm nghiên cứu đưa ra “giải pháp nóng” cho tệ quan liêu, là phân rõ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, “Nếu chế độ trách nhiệm rõ ràng thì anh mà quan liêu là tôi biết ngay” - GS Đào Trí Úc nói. |