Quan họ 'vang, rền, nền, nảy' giữa lòng Sài Gòn

Biểu diễn Quan họ đương đại “Người Ở, Người Về” trên đường Nguyễn Huệ (TP.HCM). Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Biểu diễn Quan họ đương đại “Người Ở, Người Về” trên đường Nguyễn Huệ (TP.HCM). Ảnh: Trần Nguyễn Anh
TP - Dẫu ở phương Nam xa xôi, những người con đất Kinh Bắc vẫn không nguôi niềm đam mê các làn điệu Quan họ. Các liền anh, liền chị đã tụ họp lại, thành lập những câu lạc bộ để cùng hát, cùng chơi quan họ.

Quan họ nở rộ

Nghệ sĩ Quan họ Lệ Thúy, người từng đoạt 2 Huy chương Vàng toàn quốc xúc động kể: “Năm 1994, tôi lập gia đình và theo chồng vào Nam, những tưởng rằng mình sẽ vĩnh viễn rời xa Quan họ. Nhưng rồi tình yêu Quan họ trong tôi và các bạn bè không bao giờ tắt. Chúng tôi đã tập hợp nhau lại, tổ chức các câu lạc bộ tại TPHCM”.

Câu lạc bộ của chị Lệ Thúy mang tên “CLB Quan họ Bắc sông Cầu”. Chị nói: “Nhiều người nghĩ rằng Quan họ tập trung ở Nam sông Cầu là tỉnh Bắc Ninh, song Bắc Giang quê em cũng nhiều nơi hát thể loại này. Em đặt tên CLB của mình là  Quan họ Bắc sông Cầu để cho mọi người nhớ về quê hương Bắc Giang”.

 CLB Quan họ Bắc sông Cầu trực thuộc Nhà văn hóa quận Tân Bình, có khoảng 50 thành viên TPHCM và các tỉnh phía Nam cùng nhau học hát dân ca, biểu diễn, giao lưu. “Có nhiều người tới với chúng em để được “chơi” Quan họ,  tìm hiểu  những lề lối, trang phục, mời trầu, cách hát, cách giao lưu. Chơi Quan họ tức là thuộc lề lối, phải biết hát nhiều bài đối đáp theo đúng nếp xưa. Mọi người đều hào hứng học hát và nhiều người hát rất hay, trở thành liền chị liền anh cả chục năm nay rồi”- chị Lệ Thúy chia sẻ.

Liền anh Trần Duyên nói: “Hình ảnh liền anh ngày nay nên chăng phải phóng khoáng, mạnh mẽ như một đấng nam nhi thế kỷ 21 chứ không nên cứ mãi rụt rè như xưa?”.

 Nghệ sĩ Lệ Thúy cho biết, tại TPHCM hiện nay có khoảng 15 câu lạc bộ hát Quan họ, trực thuộc các nhà văn hóa của các quận huyện, trực thuộc các phường và thuộc các hội đồng hương”. Vì vậy, theo nghệ sĩ Lệ Thúy, ngoại trừ Bắc Ninh, Bắc Giang là quê hương Quan họ thì TPHCM là nơi mà Quan họ phát triển mạnh nhất, bài bản, khoa học và đông đảo nhất, với khoảng 350 liền chị, liền anh ngày ngày luyện tập, biểu diễn.

 Nghệ sĩ Hồng Tươi là một trong những người đầu tiên giảng dạy các bài ca cổ tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Chị nói: “Mỗi tháng có hàng trăm bạn trẻ tới Nhà văn hóa Thanh Niên học hát dân ca Bắc Bộ”. Chị Hồng Tươi nhanh nhạy thành lập công ty biểu diễn dân ca: “Công ty của tôi nhận được nhiều hợp đồng biểu diễn. Nét độc đáo của chúng tôi chính là dân ca Bắc Bộ. Mỗi chương trình luôn có ít nhất 5 bài Quan họ”.

 Tại TPHCM bây giờ, tháng nào cũng có một vài sự kiện văn hóa có sự tham gia của các liền chị liền anh, có trầu têm cánh phượng. Ghé thăm phố đi bộ Nguyễn Huệ, bạn có thể gặp các liền anh liền chị với khăn đóng áo dài, ô đen cắp nách.

Có một Hội Lim ở phương Nam

 “Nguyện vọng của anh chị em và người yêu dân ca Bắc bộ là tổ chức một Hội Lim (phiên bản) ngay tại TPHCM” - nghệ sĩ Lệ Thúy thổ lộ. Sau nhiều năm mơ ước, tháng 12/2019 chương trình “Về miền Quan họ phương Nam” đã được tổ chức để chào mừng năm mới 2020, đồng thời kỷ niệm 10 năm Quan họ Bắc Ninh được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. “Về miền Quan họ phương Nam” quy tụ 14 CLB Quan họ lớn nhất TPHCM và Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 100 nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia.

Ngay giữa TPHCM đã mọc lên hàng chục trại Quan họ với các các liền anh liền chị thi hát đối đáp giữa trời xuân. Men say, điệu hát câu cười, mắt đen biêng biếc với đáy thắt lưng ong. Không khí và màu sắc của lễ hội không thua kém gì Hội Lim ở Bắc Ninh. Có người xuất khẩu thành thơ: “Bốn phương Quan họ một nhà/ Hòa chung gắn kết hát ca vang lừng/ Bên nhau trẩy hội tưng bừng/ Hương thơm đọng mãi khắp vùng trời Nam”.

 Nghệ sĩ Lệ Thúy cho biết các CLB đang dự kiến tổ chức ngày hội Quan họ tại TPHCM trong dịp xuân 2021 này, có thể là sau thời điểm tổ chức Hội Lim tại Bắc Ninh.

 CLB  mà chị Hồng Tươi sáng lập đã tham gia các chương trình như Nhịp cầu Quan họ phương Nam (2015), Gửi về Quan họ (2016), sau đó là hàng loạt chương trình như Trẩy hội xuân, Mùa Hẹn, chương trình truyền hình của HTV, Hội Lim quê mình… Nghệ sĩ Hồng Tươi chia sẻ: “Quan họ phương Nam đẹp tựa bức tranh! Thật tự hào về quê hương Kinh Bắc và những làn điệu dân ca Quan họ thắm đượm nghĩa tình. Nhìn lại chặng đường 15 năm “chơi” Quan họ, tôi đã khóc vì những nỗi gian nan, tôi đã khóc vì làm đam mê câu Quan họ của mình vượt qua muôn trùng sóng gió buồn vui”.

Quan họ 'vang, rền, nền, nảy' giữa lòng Sài Gòn ảnh 1 Liền chị Lệ Thúy (quê ở Bắc Giang) và liền anh Tây Phong (TPHCM). Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Quan họ đương đại

Mới đây, sự kiện nhóm Lọ Band kết hợp với các liền anh liền chị tổ chức chương trình Quan họ đương đại “Người Ở, Người Về” giữa tháng 11/2020 có nhiều bạn trẻ theo dõi. Chương trình nghệ thuật đương đại này góp mặt là các nghệ sĩ trống, bass, bầu sáo trẻ của TPHCM, các nhạc sĩ xuất thân từ các nhạc viện ở Hà Nội và TPHCM. Họ  tôn vinh các giọng ca của liền chị Lệ Thúy, Hồng Mẫn các liền anh Trọng Tiến, Trần Duyên, Tây Phong... mang đến những trải nghiệm, sức sống mới của truyền thống âm nhạc đã được tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhạc sĩ  Nông Vương của Nhóm nhạc Lọ Band nói: “Quan họ đã có chỗ đứng tại TPHCM, nhưng để  nó đi vào đời sống nghệ thuật hiện đại của thành phố mở này, chúng tôi muốn tạo ra một không gian mới, một cách nhìn mới về Quan họ. Đó là việc kết hợp những nét truyền thống của dòng âm nhạc dân gian này với các nhạc cụ hiện đại, với cách hát mới và phối khí đương đại”. 

MỚI - NÓNG