Nhận lời mời của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Lào từ ngày 26 tới 27/4. Đây là chuyến thăm chính thức Lào đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và là hoạt động quan trọng, khởi đầu Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2017. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra tuyên bố chung giữa Việt Nam và Lào.
Tài sản chung vô giá
Trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và tin cậy lẫn nhau, nhất là trong bối cảnh hai nước đang cùng nhau tổ chức các hoạt động kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2017, lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các phương hướng, biện pháp nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Hai bên tiếp tục khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển của sự nghiệp cách mạng của nhân dân mỗi nước, là quan hệ sống còn và là nguồn lực quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển mỗi nước, góp phần tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; cam kết cùng nhau nỗ lực không ngừng vun đắp, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau mối quan hệ đoàn kết đặc biệt này.
Lãnh đạo Việt Nam và Lào nhất trí tăng cường các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao của hai nước dưới nhiều hình thức; tập trung triển khai thực hiện tốt nội dung tuyên bố chung và các thỏa thuận cấp cao, đặc biệt là kết quả kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên Chính phủ, Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và các chương trình, kế hoạch hợp tác giữa các bộ, ban, ngành và các địa phương hai nước… Hai bên nhất trí triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền rộng rãi và thực hiện hiệu quả Nghị định thư về đường biên giới, mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào ngay sau khi các văn kiện này được phê chuẩn và có hiệu lực; tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả Thỏa thuận cấp chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào; tiếp tục trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ trong việc đảm bảo an ninh, xây dựng tuyến biên giới hai nước ổn định, phát triển toàn diện. Lãnh đạo hai nước khẳng định tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Lào và cộng đồng người Lào tại Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập phù hợp với quy định, pháp luật tại mỗi nước và thông lệ quốc tế.
Ưu tiên kết nối hai nền kinh tế
Hai bên khẳng định tầm quan trọng và nhất trí cùng nỗ lực để thúc đẩy, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, giao thông vận tải...; phối hợp triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại và Hiệp định thương mại biên giới giữa hai chính phủ, phấn đấu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước tăng 10% so với năm 2016; ưu tiên việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối về thể chế, hạ tầng giao thông, năng lượng, du lịch và tạo thuận lợi cho phía Lào sử dụng hiệu quả cảng Vũng Áng của Việt Nam; tập trung thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh việc triển khai dự án Tuyến đường cao tốc Hà Nội-Vientiane; đầu tư xây dựng tuyến đường Phuthitphong đi biên giới Naxon; cải tạo, nâng cấp đường 18B tỉnh Attapeu...; tổng kết rút kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Densavan để có thể nhân rộng trên toàn hệ thống cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào; hoàn thiện Đề án Quy hoạch và phát triển cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2035 để sớm triển khai; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác quan trọng, thực hiện các thỏa thuận cấp cao hai nước, đặc biệt là công trình Nhà Quốc hội Lào, quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
Việt Nam và Lào đặc biệt quan tâm đến hợp tác giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện việc đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào vào giảng dạy tại các trường học của hai nước, đặc biệt trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt-Lào, Lào-Việt 2017; nâng cao chất lượng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phối hợp chặt chẽ trong vấn đề biển Đông, sông Mekong
Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng; tiếp tục góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh; tăng cường đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Lào đánh giá cao việc Việt Nam đảm nhận vai trò nước chủ nhà APEC 2017 và tin tưởng những đóng góp quan trọng của Việt Nam sẽ góp phần duy trì, thúc đẩy xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư, hội nhập và liên kết kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Lãnh đạo Việt Nam và Lào nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả sông Mekong trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong, nhất là các nước hạ nguồn, đồng thời có cơ chế phối hợp hai bên và các bên liên quan để đánh giá và giám sát các tác động toàn diện của việc sử dụng nước.
Hai bên tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở biển Đông; nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển; cùng các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, bao gồm hoàn thành khung của bộ quy tắc này vào giữa năm 2017, góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trong thời gian ở thăm Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Volachith; cùng Thủ tướng Thongloun Sisoulith hội đàm và phát động Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2017; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Pany Yathoutu; hội kiến Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Phankham Viphavan; tiếp Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam Vilayvong Butdakham và thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Lào…
Ký 9 văn kiện
Ngày 26/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, chứng kiến Lễ ký kết chín văn kiện: (i) Thỏa thuận giữa Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải Lào về hợp tác đầu tư quản lý và khai thác cảng Vũng Áng (cầu cảng 1, 2, 3); (ii) Thỏa thuận giữa Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải Lào về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Vientiane-Thakhek-Mugia-Tân Ấp-Vũng Áng; (iii) Thỏa thuận giữa Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải Lào về đầu tư xây dựng tuyến đường từ Phuthitphong, tỉnh Luang Prabang đến biên giới Naxon, giáp huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên;
(iv) Thỏa thuận giữa Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải Lào về triển khai Dự án Lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án nâng cấp tuyến đường 18B, tỉnh Attapeu, tuyến đường từ bản Pungtha dọc sông Thama đi Phiali và tuyến đường từ Saysomboun-Tebele-Phukongkhau-Samhopadong, tỉnh Saysomboun (v) Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ năm 2009; (vi) Nghị định thư hợp tác giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; (vii) Biên bản ghi nhớ giữa hai Bộ Công Thương về việc xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn xăng dầu Hòn La-Khammouan; (viii) Thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Lào; (ix) Biên bản ghi nhớ về việc mua bán điện tại Nhà máy nhiệt điện Sekong giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Phonsak, Lào.