Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ lại rạn nứt?

TPO - Quan hệ nồng ấm giữa Moscow – Ankara vừa được nhen nhóm trở lại sau 8 tháng kể từ thời điểm xảy ra sự cố đối với cường kích Su-24 của Nga ở Syria hồi tháng 11/2015, nay lại đứng trước thách thức mới sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đổ quân vào miền Bắc Syria.
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước thách thức mới? Ảnh: AP

Ông Putin đột ngột hủy chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ

Hai ngày trước chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, bất ngờ ra thông báo cho biết, Tổng thống Vladimir Putin sẽ không tới Thổ Nhĩ Kỳ để dự khán trận đấu bóng đá giao hữu giữa đội tuyển quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Ông Peskov không cho biết lý do về quyết định trên.

Trước đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hồi đầu tuần trước đồng loạt đăng tải thông tin cho biết, Tổng thống Nga Putin sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để dự khán trận bóng đá giao hữu trên. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan cũng được cho là sẽ tới xem trận đấu này.

Giới phân tích thời điểm đó cho rằng, động thái trên của người đứng đầu nước Nga cho thấy nỗ lực của Moscow và Ankara trong việc khôi phục quan hệ giữa hai nước, sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích – ném bom Su-24 của Nga hồi tháng 11/2015.

Đầu tháng 8 này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng đã có chuyến thăm tới Nga. Sau chuyến thăm, một loạt những rào cản trong quan hệ thương mại giữa hai nước từng bước được dỡ bỏ.

Tổng thống Putin tiếp đó đã ký sắc lệnh dỡ bỏ hạn chế đối với các chuyến bay thuê (charter flight) tới Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Nga cũng yêu cầu các hãng hàng không thực hiện những bước đi cần thiết để đảm bảo độ an toàn của các chuyến bay thuê giữa hai nước.

Mỹ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria khiến Nga tự ái?

Ngày 24/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ đưa xe tăng và quân đội vào Syria để hỗ trợ các tay súng đồng minh người Syria của mình.

Sau ít ngày giao tranh, các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã chiếm được thị trấn biên giới Jarablus ở miền bắc Syria từ tay các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trước khi tiếp tục mở rộng chiến dịch tấn công quân sự về phía nam vào khu vực do các tay súng người Kurd nắm giữ.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch "Lá chắn sông Euphrates" từ ngày 24/8, khi các xe tăng nước, đặc nhiệm, máy bay nước này vào lãnh thổ Syria để đánh bật phiến quân IS khỏi thị trấn Jarablus. Syria lên án chiến dịch là hành động xâm phạm chủ quyền.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai tuyên bố rằng, mục tiêu của chiến dịch quân sự ở Syria là để đảm bảo lực lượng người Kurd không tiếp tục mở rộng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đánh bật IS ra khỏi các khu vực đó.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 29/8 tại thủ đô Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh: “Chiến thắng IS bằng các cuộc không kích là không thể, chúng ta có thể làm điều đó bằng các trận đánh trên mặt đất. Trong các trận đánh có sự hỗ trợ của người dân địa phương.

Cần phải trả lại đất này cho những người dân địa phương đã nhiều đời sống ở đó. Nhưng mục đích của  lực lượng tự vệ của người Kurd Syria không phải như vậy: họ buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa của mình, tham gia vào cuộc thanh lọc sắc tộc. Do đó, như Hoa Kỳ và chính quân của người Kurd Syria đã từng tuyên bố trước đây, họ nên đi về phía Đông của sông Euphrates, nếu không, họ sẽ là mục tiêu của các trận đánh”.

Đáng chú ý, thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự xuyên biên giới này diễn ra trong bối cảnh Phó tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đặt chân tới Ankara, nơi ông cam đoan với các lãnh đạo Ankara rằng Washington không hề liên quan đến cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua.

Cam kết này của ông Biden dường như đã phần nào trấn an được các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong thời điểm quan hệ giữa Ankara và Washington đang trở nên rất căng thẳng sau cuộc đảo chính hôm 15/7 mà giới chức Mỹ bị nghi là đứng đằng sau.

Việc các chiến đấu cơ Mỹ không kích và yểm trợ hỏa lực tầm gần cho xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào thị trấn Jarablus ngay sau đó cho thấy Washington đã ủng hộ và bật đèn xanh cho chiến dịch can thiệp này.

Tất nhiên, Nga không hài lòng về sự thay đổi đột ngột này của chính quyền Tổng thống Erdogan, người mà Moscow công khai ủng hộ sau khi thoát hiểm trong vụ đảo chính quân sự bất thành.

Trong một tuyên bố vào cuối tuần trước, giới chức quân sự Nga khẳng định, Moscow không có bất cứ thông tin nào về mối liên lạc giữa Ankara và Damascus trong kế hoạch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong lãnh thổ Syria.

Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al- Assad thậm chí công khai gọi hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền và rằng, “các tổ chức được hỗ trợ trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ” chỉ là sự "thay thế" cho khủng bố IS và đó không được coi là "chống khủng bố".

"Những gì đang xảy ra trong Jarablus bây giờ không phải cuộc chiến đấu chống khủng bố như Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố - mà đúng hơn nó là sự thay thế một loại khủng bố với loại lực lượng khác", đại diện chính quyền Damascus nhấn mạnh.

Vết nứt mới trong quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ?

Trong một động thái được xem là “chữa cháy”, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmush tối ngày 29/8 cho biết, Ankara đã thông báo cho chính quyền Damascus về việc triển khai lực lượng quân sự trên lãnh thổ Syria với Nga làm trung gian.

“Tất cả các bên liên quan đã được thông báo về chiến dịch ‘Lá chắn sông Euphrates’, bao gồm cả Damascus, Moscow”, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.

Căng thẳng giữa Ankara và dân quân người Kurd bùng phát hôm 27/8 với những cuộc xung đột cách thị trấn 8 km về phía nam. Một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và 3 người bị thương trong các cuộc tấn công bằng rocket từ khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát. 

Ông Kurtulmush cũng lưu ý rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không đồn trú vĩnh viễn ở Syria, và cũng không trở thành “lực lượng đối lập Syria” hay tham gia các cuộc xung đột quân sự ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, “nếu trong khu vực tiềm ẩn những mối đe dọa đối với an ninh của chúng tôi, chúng tôi sẽ không nhân nhượng”, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmush nhấn mạnh.

Lập luận của Ankara là vậy, nhưng nếu liên hệ với những tuyên bố của Damascus cũng như Moscow, thì những ai từng suy luận cho rằng, “chiến dịch quân sự của Ankara tại Syria là kết quả của sự hòa giải giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”, có lẽ sẽ phải nghĩ lại.

Bước đầu có thể thấy, phản ứng của Moscow và Damascus đối với Ankara ít nhiều hé lộ những góc cạnh trong mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ sau hành động quân sự xuyên biên giới của Ankara với sự hậu thuẫn của Washington.

Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ theo đó mà có thể sẽ xuất hiện những diễn biến bất ngờ trong thời gian tới.