Với 2,3 triệu quân nhân, Trung Quốc trở thành nước có quân đội lớn thứ nhì thế giới với những công cụ cần thiết để phục vụ lợi ích địa chính trị của Bắc Kinh.
12.000 quân nhân Trung Quốc tham gia cuộc duyệt binh chưa từng có nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Tại lễ duyệt binh, Chủ tịch Tập Cận Bình, Chủ tịch Quân ủy Trung ươngTrung Quốc khẳng định, quân đội Trung Quốc có thể đánh bại mọi kẻ thù.
Qua 90 năm trưởng thành từ một đội quân gồm đa số nông dân, quân đội Trung Quốc giờ đây sở hữu một lực lượng chiến đấu hiện đại, có học vấn với những công cụ cần thiết để giúp Trung Quốc trở thành cường quốc về vũ trụ, hàng hải và không gian toàn cầu.
Khi căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, quốc gia có quân đội lớn nhất thế giới, một số người cho rằng cuộc xung đột giữa hai cường quốc này có vẻ giống như một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh cách đây hàng thập kỷ, nhưng mức độ mạnh hơn.
Tuy nhiên, giới phân tích quân sự cho biết, nếu có bất kỳ cuộc đối đầu thực sự nào với Mỹ, quân đội Trung Quốc vẫn không thể địch được với quân đội Mỹ.
Mặc dù, có nhiều lý do để người ta tin rằng, ít có khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc do lợi ích thương mại của hai nước quá lớn bởi đây là hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới.
Các nhà chiến lược của Bắc Kinh đang tập trung hiện đại hóa quân sự, phát triển năng lực, khắc phục những điểm yếu của mình để vươn lên vượt Mỹ.
Cái gọi là vũ khí "Chống xâm nhập, Ngăn Chặn Khu vực" được Bắc Kinh thiết kế để loại trừ các lực lượng vũ trang Mỹ ra khỏi khu vực phòng thủ đầu tiên của Trung Quốc, bao gồm Quần đảo Kuril, Nhật Bản, Philippines và Borneo.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình từ lực lượng phòng thủ bờ biển đến sự hiện diện ngoài khơi. Mặc dù vậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc như một lực lượng quân sự toàn cầu đáng tin cậy vẫn là một công việc đang tiến triển và xét về mặt tổng thể vẫn còn xa mới đạt tới khả năng của quân đội Mỹ.
Thực tế, khi đánh giá khả năng quân sự, trọng tâm không chỉ tập trung vào các yếu tố vật chất như số lượng máy bay, tàu chiến, xe tăng và chiến binh, mà còn là sự sẵn sàng chiến đấu bao gồm việc huấn luyện, tổ chức và động viên. Để đánh giá khả năng chiến đấu của quân đội, người ta phải căn cứ vào học thuật, việc tổ chức đào tạo, tài liệu,lãnh đạo,nhân sự, cơ sở vật chất.
Dựa trên khái niệm này, các chuyên gia quân sự cho rằng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể về vật liệu và phương tiện. Về mặt nhân sự, quân đội Trung Quốc đã đạt được một sự chuyển đổi đáng kể từ một đội quân nông dân sang đội quân có trình độ học vấn cao như các đối tác của họ ở phương Tây.
Tuy nhiên, căn cứ theo các đánh giá về học thuyết, tổ chức, đào tạo và lãnh đạo, quân đội Trung Quốc không chỉ tụt hậu so với Mỹ, mà còn đi sau các đối thủ lớn khác như Nga, Pháp và Anh. Quân đội Trung Quốc cũng thiếu kinh nghiệm chiến tranh thực sự và hỗ trợ hậu cần toàn cầu.
Nhiều quan sát viên quân sự Tây phương nghi ngờ khả năng sẵn sàng chiến đấu của quận đội Trung Quốc nếu một cuộc chiến tranh nổ ra, do bản chất của nhà nước Trung Quốc vẫn nặng tính quan liêu và sự tham nhũng có hệ thống đang tràn lan trong hàng ngũ lãnh đạo quân đội chưa từng thấy trong thời kỳ hiện đại.
Thật vậy, chính lãnh đạo Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng, tham nhũng đã làm giảm lòng tin, tinh thần chiến đấu và tính thống nhất trong quân đội và đây là kẻ thù lớn nhất của quân đội Trung Quốc ngày nay.
Do đó, bất chấp mọi tiến bộ, những yếu tố kể trên có thể cản trở quân đội Trung Quốc thắng lợi trong bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai.