Phát biểu tại hội nghị về tội phạm tài chính ngày 12/7, trợ lý Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Singapore, ông Lee Boon Ngiap đã tổng kết các kết quả mà ngân hàng đã làm được trong ba năm qua để đảm bảo “Singapore luôn là một trung tâm tài chính sạch”.
Ông nhấn mạnh Singapore đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm đảm bảo tính hợp nhất của trung tâm tài chính cũng như bảo vệ uy tín của ngành ngân hàng tư nhân, trong đó, các tội danh liên quan tới thuế được coi là tội hình sự.
Đảo quốc này cũng đã tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt động chống tội phạm thuế liên quốc gia, với hoạt động gần đây nhất là ký Công ước Hỗ trợ hành chính trong các vấn đề về thuế và mở rộng hoạt động trao đổi thông tin với 11 đối tác trên thế giới.
Ngoài ra, ngân hàng đã áp dụng một cơ chế toàn diện trong việc chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố để nói không với tiền phi pháp.
Đánh giá về định hướng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là hướng đi đúng đắn, phản ánh lối tư duy thức thời của giới chức Singapore với quân át chủ bài minh bạch.
Thứ nhất, hệ thống tài chính minh bạch luôn là một trong những trụ cột quan trọng giúp tạo dựng và duy trì sự bền vững cho một nền kinh tế quốc gia. Mỹ và đa phần còn lại của thế giới đã phải trả học phí quá đắt từ “bão” tài chính 2008-2009 mà xuất phát điểm là sự lơi lỏng quản lý tài chính đối với hoạt động của các “đại gia” Phố Wall. Để tránh sa vào vết xe đổ đó đòi hỏi những nỗ lực minh bạch hóa hoạt động tài chính – ngân hàng của MAS.
Thứ hai, trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay, các nền kinh tế ở châu Á đã vươn lên mạnh mẽ, đẩy nhanh quá trình trục thế giới dịch chuyển từ Tây sang Đông trên cả phương diện chính trị, ngoại giao, kinh tế và xã hội. Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải của Trung Quốc….đã nhanh chóng củng cố vị thế là những trung tâm tài chính lớn của thế giới.
Trong cuộc ganh đua này, quân át chủ bài của các trung tâm chính là sự minh bạch trong cả hệ thống để gây dựng và duy trì niềm tin của khách hàng.