Quá tải chôn lấp, năm 2020 phải đóng bãi rác tại Sóc Sơn

Hà Nội nhiều lần “khủng hoảng” rác thải bởi người dân chặn xe vào khu xử lý rác thải Nam Sơn Ảnh: PV
Hà Nội nhiều lần “khủng hoảng” rác thải bởi người dân chặn xe vào khu xử lý rác thải Nam Sơn Ảnh: PV
TP - Trong khi việc chôn lấp rác thải ở Hà Nội đã đạt ngưỡng, việc triển khai các nhà máy xử lý rác công nghệ tiên tiến hơn đang gặp quá nhiều vướng mắc, một phần do cơ chế chính sách, một phần do người dân địa phương phản đối. 

Ban Đô thị HĐND, thành phố Hà Nội vừa công bố kết quả giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo kết quả giám sát tại nhiều quận, huyện cho thấy, chất thải rắn sinh hoạt hiện nay được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp.

Một số khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp huyện bằng phương pháp chôn lấp đã đầy và đóng cửa như Đông Lỗ, Vân Đình, Yến Vỹ, Cao Dương, Kiêu Kỵ. Vì thế, lượng rác thải sinh hoạt được phân luồng tập trung chủ yếu về 2 khu xử lý chính của thành phố là Nam Sơn (hiện tiếp nhận 4.500 - 4.900 tấn/ngày đêm và Xuân Sơn, hiện tiếp nhận 1.400 tấn/ngày đêm) đã gây quá tải, quãng đường vận chuyển xa, làm tăng chi phí, tăng nguy cơ rơi vãi nước rác, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển và xử lý dẫn đến nhiều lần người dân trong khu vực bị ảnh hưởng phản đối.

“Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hợp vệ sinh tập trung tại Nam Sơn và Xuân Sơn đều đã và đang phải khai thác vận hành gần hết công suất các bãi chôn lấp, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế sẽ phải đóng bãi”, báo cáo nhận định. 

Hiện tại ở Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, các ô chôn lấp giai đoạn 1 đã đầy; giai đoạn 2 tiếp nhận rác từ cuối năm 2016 có tổng công suất tiếp nhận 4,9 triệu tấn. Với lượng rác tiếp nhận trung bình 4.900 tấn/ngày, thời gian tiếp nhận còn lại khoảng đến năm 2020.

Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, dự kiến tổng công suất tiếp nhận còn lại khoảng 700.000 tấn, bao gồm 2 ô chôn lấp giai đoạn 2 và một ô chôn lấp Fukuoka nếu tiến hành hợp nhất. Với lượng rác tiếp nhận trung bình 700 tấn/ngày, thời gian tiếp nhận còn lại cũng khoảng đến năm 2020.

Trong khi các bãi chôn lấp rác thải đạt ngưỡng thì các nhà máy xử lý rác thải bằng phương pháp đốt không phát điện công nghệ đã lạc hậu, thường xuyên hư hỏng, phải bảo dưỡng; công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân compost đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn, Kiêu Kỵ nhưng không đạt hiệu quả nên đã dừng hoạt động.

Vướng mắc cơ chế

Trước thực trạng đáng lo ngại trên, HĐND thành phố Hà Nội đề xuất thành phố, các sở ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc, có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án xử lý rác thải công nghệ tiên tiến trên địa bàn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các dự án trong 17 khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch đã phê duyệt của Hà Nội hiện gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt 2.000 tấn/ngày đêm (xã Nam Sơn) triển khai theo hình thức hợp đồng BOT mới đang trong giai đoạn đầu tư; Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao tại xã Bắc Sơn theo hình thức đối tác công tư PPP (17ha thuộc khu phía Bắc giai đoạn 2 Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn) hiện chưa thực hiện.

Tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây), hiện đang tiếp tục xây dựng mở rộng. Trong đó, nhà máy xử lý rác 500 tấn/ngày do Cty Indovinpower làm chủ đầu tư hiện chưa góp vốn, chưa ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, chưa thực hiện bổ sung quy hoạch điện lực; Nhà máy xử lý rác công suất 1.500 tấn/ngày do tập đoàn HitachiZonsen hợp tác với Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư hiện đang thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch điện lực; các nhà đầu tư cũng chưa thành lập doanh nghiệp, chưa góp vốn, chưa ký quỹ, chưa tiếp nhận mặt bằng. Nhiều khu xử lý chất thải rắn cũng chưa được triển khai như: Khu xử lý chất thải rắn Phù Đổng; Khu xử lý chất thải rắn Mỹ Thành; Khu xử lý chất thải rắn Tây Đằng; Khu xử lý chất thải rắn Cao Dương…

Khó khăn lớn nhất dẫn đến khó triển khai dự án chính là sự phản đối của người dân địa phương được quy hoạch nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể, Khu xử lý chất thải rắn Hợp Thanh (Mỹ Đức) hiện chưa được sự đồng thuận của nhân dân. Huyện đề xuất thay đổi vị trí, nhà đầu tư nói không tiếp tục tham gia. Thành phố Hà Nội chấp thuận nhà đầu tư không tiếp tục thực hiện dự án này đang tìm vị trí phù hợp.

Khu xử lý chất thải rắn Đông Lỗ dù thành phố Hà Nội đã chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng, đã bàn giao mốc giới nhưng quá trình giải phóng mặt bằng khó khăn do người dân chưa đồng thuận. Cùng cảnh ngộ là Khu xử lý chất thải rắn Núi Thoong, dù đã thi công xong hạ tầng nhưng không nhận được sự đồng thuận của một bộ phận nhân dân trong khu vực...

Người dân còn xả rác bừa bãi

Hiện tại tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành Hà Nội đạt 99- 100%, tại các huyện đạt 87- 88%. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn thành phố khoảng 6.500 tấn/ngày. Trong đó, 12 quận và thị xã Sơn Tây khoảng 3.500 tấn/ngày; 17 huyện ngoại thành khoảng 3.000 tấn/ngày.

Chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng, vương vãi xảy ra trên nhiều tuyến đường, tuyến phố, ngõ vào các khung giờ từ 9 - 11 giờ sáng, 14 - 16 giờ chiều hằng ngày, nhất là ở các tuyến đường, tuyến phố có nhiều hộ, cá nhân kinh doanh, buôn bán ở khu vực đô thị và các tuyến đường, ngõ có tần suất thu gom thấp.

MỚI - NÓNG