Nhập dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất |
Thúc đẩy hoạt động dầu khí đã và đang triển khai
Là một trong những quốc gia ghi danh trên “bản đồ dầu thô” thế giới, từ khi ra đời, ngành dầu khí đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Nhiều thời điểm, thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô chiếm tới 15-20% ngân sách nhà nước. Từ đầu năm 2022 tới nay, với việc giá dầu thô tăng cao đã góp phần giúp thu ngân sách tăng vọt. Tuy nhiên, việc đầu tư dự án dầu khí đang gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn này được kỳ vọng sẽ được gỡ vướng tại Luật Dầu khí sửa đổi đang trình cơ quan chức năng.
Việc sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí (Dự thảo Luật) trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn do Bộ Công Thương trình Chính phủ và đã được Chính phủ trình Quốc hội. Các nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện Luật Dầu khí sửa đổi (đặc biệt, khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí) vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ ràng hơn.
Theo đó, một trong những vấn đề khiến nhà đầu tư băn khoăn là dự án Dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực có được tiếp tục hưởng các ưu đãi. "Thực tiễn triển khai hoạt động dầu khí cho thấy, nhiều hợp đồng dầu khí ký kết từ hơn 20 năm trước. Trong khi, hoạt động dầu khí những năm gần đây nhiều thay đổi. Nhưng Dự thảo Luật vẫn chưa có quy định cho phép dự án dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí sửa đổi có hiệu lực được hưởng các ưu đãi theo quy định Luật Dầu khí sửa đổi", một chuyên gia dầu khí băn khoăn.
Để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của nhà thầu, nhà đầu tư tại các dự án dầu khí đã và đang triển khai, nhiều chuyên gia cho rằng cần bổ sung quy định chuyển tiếp (Điều 69 Dự thảo Luật) trường hợp Luật Dầu khí quy định ưu đãi đầu tư mới. Ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư dầu khí, nhà thầu dầu khí được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Dầu khí kể từ thời điểm Luật Dầu khí có hiệu lực đến thời điểm kết thúc hợp đồng. Trường hợp Luật Dầu khí quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi mà nhà thầu dầu khí được hưởng trước đó, thì nhà thầu dầu khí tiếp tục được áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định của hợp đồng dầu khí.
Cũng có ý kiến cho rằng nhiều hợp đồng có điều khoản quy định trong trường hợp chính sách thay đổi thì nhà đầu tư có quyền lựa chọn, áp dụng những chính sách mới, ưu đãi hơn; cần thiết rà soát để có phương án xử lý, tránh xung đột pháp luật.
Người lao động dầu khí trên công trình |
Cần bổ sung quy định “giữ chân” nhà đầu tư nước ngoài
Với đặc thù rủi ro cao, vốn đầu tư lớn, nhiều dự án tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam đều có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ giúp chia sẻ rủi ro, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài còn mang theo công nghệ tiên tiến trên thế giới vào Việt Nam. Tiêu biểu như dự án Cá voi xanh có sự tham gia của PVN, PVEP và ExxonMobile. Tuy nhiên dự án này chậm tiến độ do gặp vướng mắc quy định pháp luật. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí ở Việt Nam.
Vì vậy, việc sớm sửa đổi Luật Dầu khí để tránh sự chồng chéo luật cũng như xây dựng những ưu đãi phù hợp với thực tế mỏ dầu khí tại Việt Nam là rất cần thiết để ngành dầu khí có thể hoạt động minh bạch, không bị tụt hậu so với nước ngoài.
Để tiếp tục “giữ chân” nhà thầu dầu khí hiện tại, đặc biệt là để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính thực thi và hiệu lực của các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, việc bổ sung nội dung về đảm bảo đầu tư tại Điều khoản chuyển tiếp là cần thiết. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian và tối ưu hóa việc đưa các phát hiện dầu khí được đánh giá có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên vào khai thác trên cơ sở điều chỉnh các điều khoản, điều kiện của hợp đồng dầu khí đã ký. Mặt khác, việc bổ sung quy định chuyển tiếp về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí cũng phù hợp với chính sách đảm bảo đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định Luật Đầu tư, cũng như phù hợp với bất kỳ hệ thống pháp luật nào trên thế giới về bảo đảm đầu tư.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, PVN khai thác dầu thô vượt 32% kế hoạch, sản xuất 4,56 triệu tấn xăng dầu, đáp ứng được nhu cầu trong nước; tổng tiền nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn đạt 90,6 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch.
Dự thảo Luật đang quy định ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng là Tiếng Việt trong trường hợp tại thời điểm ký hợp đồng dầu khí mà nhà thầu được lựa chọn là nhà thầu Việt Nam. Quy định này không hoàn toàn phù hợp với việc xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về dầu khí nói riêng. Theo đó không cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực này vì hoạt động dầu khí là hoạt động mang tính quốc tế cao.
“Quy định pháp luật cần phù hợp với đặc điểm của hoạt động dầu khí (mang tính chuyên ngành và quốc tế cao), nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu dầu khí tiềm năng tiếp cận với hợp đồng dầu khí hiện hữu. Cũng như nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia tại các hợp đồng dầu khí tại thời điểm ký kết hợp đồng dầu khí nên được ký kết bằng tiếng nước ngoài thông dụng (thường là tiếng Anh) ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng mà không phụ thuộc vào quốc tịch của nhà thầu tại thời điểm ký hợp đồng”, PVN kiến nghị.