“Mật mã Da Vinci”: Lại bị cáo buộc đạo văn

“Mật mã Da Vinci”: Lại bị cáo buộc đạo văn
TP - Những tưởng Dan Brown đã có thể ăn no ngủ kỹ sau hàng loạt vụ kiện tụng ồn ã với phần thắng nghiêng về phía ông, nhưng rồi lại xuất hiện cáo buộc mới...
“Mật mã Da Vinci”: Lại bị cáo buộc đạo văn ảnh 1
Dan Brown

Trên tạp chí Vanity Fair số ra đầu tuần này, tác giả Seth Mnookin công khai những lời cáo buộc của nhà văn Lewis Perdue – tác giả tiểu thuyết Daughter of God (Ái nữ của Chúa) xuất bản trước "Mật mã Da Vinci" 3 năm.

Ái nữ... không thể so bì Mật mã... về doanh số và tiếng tăm, song Perdue khẳng định nhà văn tỷ phú Brown đã “đạo” nhiều phần trong cốt truyện của ông.

Trước đó nhà văn Perdue từng thuê luật sư đánh tiếng doạ kiện hãng Random House – cơ quan chủ quản của NXB Doubleday, nơi ấn hành Mật mã Da Vinci - về tội xâm phạm bản quyền.

Tuy nhiên, năm 2004, chính Rondom House đã kiện ngược đòi Perdue phải thừa nhận không hề có chuyện xâm phạm bản quyền, Perdue đã thua trong vụ đó. Ông bị buộc phải nộp 300.000 USD án phí. Hồi đầu năm nay Perdue kháng án nhưng vẫn thua.

Mọi chuyện chưa dừng ở đó. Nhà báo Mnookin khẳng định Perdue có cơ sở thắng kiện, và chỉ ra rằng Mật mã... nhiều điểm tương đồng về cốt truyện, tiết tấu và kết cấu so với Ái nữ...

Những cáo buộc của Perdue xuất hiện lần đầu năm 2003 cũng dưới ngòi bút sắc sảo của Mnookin - khi đó còn đang làm phóng viên của tờ Newsweek.

Nhắc lại một chút, mới đây Dan Brown và chi nhánh Random House tại Anh bị kiện tội ăn cắp ý tưởng tiểu thuyết The Holy Blood and the Holy Grail (Dòng máu thiêng và Chén thánh). Tuy nhiên tòa án đã tuyên phần thắng thuộc về bên bị.

Dan Brown từ chối bình luận về diễn biến mới này.Trong một bức điện thư, nữ phát ngôn viên Suzanne Herz của nhà xuất bản Doubleday cho hay: “Phán quyết tại Tòa án liên bang Mỹ và Toà án Dân sự Tối cao London đủ nói lên tất cả. Chúng tôi không có bình luận gì về bài viết trên tạp chí Vanity Fair”.

Nhà báo Mnookin cho biết trong quá trình tìm kiếm thông tin cho bài viết, ông phát hiện ra những điều tưởng chừng chỉ là hoài nghi nho nhỏ đối với bạn đọc cũng có thể trở thành chứng cứ pháp lý.

Trong bài phân tích của mình, Mnookin cũng trích dẫn ý kiến khẳng định Dan Brown đạo văn của hai nhà chuyên môn: giáo sư Edward Condren thuộc Đại học California tại Los Angeles và John Olsson – Giám đốc Viện Ngôn ngữ học pháp lý Anh. 

MỚI - NÓNG