Sáng 7/10, Ban Tuyên giáo Trung ương(T.Ư), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thành uỷ Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu".
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV. |
Hà Nội bước vào giai đoạn phát triển mới
Tham luận tại hội thảo, GS,TS Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nhấn mạnh, Hà Nội thực sự là căn cốt của toàn bộ lịch sử đất nước, là trung tâm và đỉnh cao của cả ba kỷ nguyên văn minh lớn Việt Nam là Kỷ nguyên văn minh dựng nước và giữ nước đầu tiên, Kỷ nguyên văn minh Đại Việt và Kỷ nguyên độc lập tự do tiến lên văn minh hiện đại. "Đó là vị thế lớn nhất và đặc biệt nhất của Hà Nội trong toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc mà không một đô thị nào hay một kinh thành nào khác của Việt Nam có thể sánh ngang được", ông Ngọc khẳng định.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, đến nay, Hà Nội đã chuyển mình, vươn mình cùng cả nước; qua mỗi giai đoạn, đạt được những bước tiến có giá trị lịch sử, mang lại những niềm tự hào chính đáng.
Nhấn mạnh vấn đề trong không gian phát triển hiện đại đầy hứng khởi, chức năng đi đầu - vượt trước và dẫn dắt phát triển của Hà Nội càng nổi bật, ông Thiên gợi ý một số điểm nhấn chiến lược phát triển với Hà Nội.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên tham luận tại hội thảo. Ảnh: PV. |
Theo đó, Hà Nội cần làm rõ hơn các đặc trưng chất lượng đã được định cho Thủ đô - văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại, trong đó đặc biệt chú trọng định hình rõ nét chân dung phát triển của Thủ đô: theo các tiêu chuẩn thời đại; đáp ứng yêu cầu hội nhập - đua tranh quốc tế trong vai trò đại diện cho một quốc gia đang cam kết rất mạnh cho mục tiêu “tiến vượt để tiến cùng thời đại, tiến kịp thế giới”.
Cùng với đó, Thủ đô cũng cần nhận diện, đánh giá lại tiềm năng và lợi thế phát triển trên quan điểm hiện đại (tổng thể, động, hướng tới tương lai). Theo ông Thiên, để thực hiện sứ mệnh, Hà Nội cần sự hỗ trợ đặc biệt to lớn và khác biệt từ T.Ư, trong đó, có việc dành ưu tiên về nguồn lực lớn, cung cấp các dự án phát triển đặc biệt để tạo khai thông - đột phá và những thể chế, giải pháp vượt trội nhằm tạo không gian, mở cơ hội phát triển mới cho Hà Nội.
Quy hoạch tốt để giải bài toán phát triển
Tham luận ở góc độ quy hoạch, KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, với 7 lần xây dựng, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và 4 lần mở rộng địa giới hành chính vào các năm 1960, 1978, 1991 và 2008, thành phố Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế đã và đang đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Tuy nhiên, ông Chính cũng nêu ra loạt vấn đề đang là thách thức với sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội: quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo; tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều; tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển...
Ông Chính cho rằng, Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi quy hoạch phải có tầm nhìn và tư duy đổi mới, xây dựng Hà Nội đột phá hơn và có thể chế quản lý tốt hơn. Vì vậy, thành phố cần phân tích kỹ các kịch bản để điều chỉnh phân bố dân số; tiếp tục giảm dân số trong nội đô lịch sử; tăng cường kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn; kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng...
Ông Trần Ngọc Chính tham luận tại hội thảo. Ảnh: PV. |
Gợi ý nhiều vấn đề, ông Chính cho rằng, thành phố cần xác định quy hoạch liên kết với biển - kinh tế biển với các cửa khẩu quốc tế và sân bay quốc tế trong vùng. Phải làm nổi bật tam giác phát triển kinh tế biển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và nền văn hoá nổi tiếng của kinh thành Thăng Long và Đồng bằng Sông Hồng.
Ông Chính nêu, vị trị địa lý của Hà Nội rất thuận lợi cho phát triển không gian kinh tế và cảnh quan đô thị, đặc biệt là sông Hồng, theo hướng sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.
"Để sông Hồng thực sự trở thành một trục cảnh quan thiên nhiên, dòng chảy lịch sử tạo nên dấu ấn của nền văn hóa Thăng Long và góp phần làm nên một Hà Nội văn hiến, khi kết hợp trục sông Hồng với trục Ba Vì - Hồ Tây thành trục văn hóa sẽ làm nên một Hà Nội riêng khác, đặc trưng. Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai)", ông Chính nói.