Thuộc khu đô thị West Midlands (Anh), Wolverhampton là thành phố sôi động và hiện đại. Tuy nhiên Justin Hubner vẫn có thể tận hưởng sự bình lặng, đơn giản vì anh không phải ngôi sao lớn. Dù thuộc biên chế Wolves, CLB đang chơi ở Premier League, nhưng trung vệ 21 tuổi vẫn chưa có suất đá cho đội một. Không ai ở Anh chú ý tới một cầu thủ trẻ ít tiếng tăm. Họ thậm chí còn không biết anh là cầu thủ.
Tuy nhiên mỗi dịp FIFA Days, Hubner sẽ trở về Indonesia. Và tại đó, anh như lạc vào thế giới khác. Từ sân bay, vô số người hâm mộ đợi sẵn để chào đón. Họ theo chân Hubner đến tận khách sạn, cố gắng tìm kiếm khoảnh khắc tiếp cận anh để xin chữ ký, chụp ảnh cùng hoặc đơn giản chỉ chạm vào người hùng của họ.
“Ở Indonesia thực sự là một trải nghiệm khác biệt, và điên rồ”, Hubner nói với tờ The Athletic, “Bất cứ nơi đâu tôi đến đều không có sự riêng tư. Từ lúc xuống máy bay tôi đã kéo sụp mũ và che khẩu trang, nhưng người hâm mộ vẫn nhận ra. Lực lượng an ninh cũng chẳng giúp được gì bởi chính họ cũng muốn chụp hình với tôi”.
Sau 2 năm chuyển sang quốc tịch Indonesia, cuộc sống của Justin Hubner thay đổi chóng mặt. |
Sinh ra tại Hà Lan với người cha có gốc gác Indonesia, từng sát cánh cùng Xavi Simons, cựu cầu thủ trẻ Barca, ở đội U20 Oranje, Hubner được thuyết phục, sau đó quyết định chuyển sang đại diện cho quốc gia xứ vạn đảo vào năm 2022.
“Trước đây tôi có khoảng 5.000 người theo dõi trên Instagram. Khi người hâm mộ biết tôi mang dòng máu Indonesia, con số đó tăng lên 30 nghìn và hiện tại đã là 2,7 triệu”, Hubner tự hào cho biết, “Mọi thứ phát triển rất nhanh, cứ như một giấc mơ vậy. Không chỉ mạng xã hội bùng nổ, các hợp đồng thương mại cũng đến tới tấp”.
Bây giờ Hubner đã dần quen với sự cuồng nhiệt đôi khi thái quá người hâm mộ, ví dụ như một vài người đã khóc vì được gặp anh. “Tôi không thể rời khỏi khách sạn bởi quá đông người chờ ở ngoài”, anh nói, “Hoặc nếu tôi bước ra từ cửa hàng, kiểu gì cũng có khoảng một trăm người ùa đến. Gia đình tôi cũng trở nên nổi tiếng. Mẹ tôi đã rất ngạc nhiên khi nhiều người nhận ra và xin chụp ảnh cùng bà. Họ cũng gửi tin nhắn xin được làm con dâu bà”.
Đội tuyển Indonesia ăn mừng cùng người hâm mộ sau khởi đầu thành công ở Vòng loại thứ ba World Cup 2026. |
Bóng đá là môn thể thao số một ở Indonesia, quốc gia có tới 280 triệu người. Trong nhiều năm họ luôn khao khát thành công, nhưng nhận lại quá ít. Đừng nói là sân chơi tầm châu lục hay thế giới, ngay cả đấu trường Đông Nam Á, Garuda Warriors vẫn luôn lép vế trước Thái Lan, Việt Nam hay thậm chí Malaysia, Singapore.
Sau một thời gian dài loay hoay với bài toán làm thế nào để nâng cấp đội tuyển quốc gia, Indonesia bỗng phát hiện ra lời giải đến từ những cầu thủ mang dòng máu Indonesia sinh ra bên ngoài lãnh thổ. Việc từng là thuộc địa của Hà Lan đồng nghĩa với việc có rất nhiều người mang quốc tịch kép ở đất nước cối xay gió. Dĩ nhiên cũng không ít người rải rác ở những quốc gia khác.
Trong 3 năm trở lại đây, Indonesia tiến hành đồng bộ các khâu, từ mạng lưới tìm kiếm đến đánh giá năng lực, thuyết phục và cuối cùng là nhập tịch. Kết quả là ở lần triệu tập hồi tháng 9, có tới 11/23 cầu thủ thuộc dạng nhập tịch. Mới đây lại có thêm 2 cầu thủ sinh ra ở Hà Lan hoàn tất thủ tục nhận quốc tịch Indonesia, khiến con số không ngừng gia tăng.
"Các cầu thủ nhập tịch có thể giúp nâng cao tiêu chuẩn đội tuyển", Simon McMenemy, cựu HLV ĐT Indonesia năm 2019 nói với DW, "Giải bóng đá Indonesia chưa đủ tốt để cạnh tranh tạo nên đội tuyển có thể cạnh tranh với những đội hàng đầu châu Á, nhưng họ có cơ hội nếu sử dụng các cầu thủ đến từ những nền bóng đá lớn, chơi ở các giải đấu tốt hơn".
Đội hình xuất phát của Indonesia trong trận đấu với Australia hồi tháng 9 có tới 8 cầu thủ nhập tịch. |
Lợi ích ban đầu có thể nhìn thấy. Hồi đầu năm, lần đầu tiên Indonesia vào đến vòng 1/8 Asian Cup. Hiện tại, đội quân của HLV Shin Tae-yong đang mơ đến tấm vé World Cup 2026 khi lọt vào vòng loại thứ ba, đồng thời gây ấn tượng mạnh khi cầm hòa Saudi Arabia và Australia ở hai trận đầu tiên. Họ chắc chắn cũng là ứng viên lớn cho chức vô địch AFF Cup 2024 diễn ra vào cuối năm.
Với các cầu thủ nhập tịch, quyết định chọn Indonesia để cống hiến mang đến quá nhiều thứ. Từ những cầu thủ vô danh, chỉ sau một đêm, tất cả trở thành những ngôi thượng thặng, thậm chí là người hùng dân tộc được hàng triệu người hâm mộ.
Tương tự Hubner, ít ai biết tới Maarten Paes trước đây. Đi trên đường phố, thủ môn của FC Dallas (thuộc Giải Nhà nghề Mỹ) không bao giờ bị làm phiền. Vì có bà ngoại là người Indonesia, anh nhận được đề nghị chơi cho Garuda Warriors.
“Cuối năm ngoái, sức khỏe bà tôi yếu dần đi”, thủ môn 26 tuổi chia sẻ, “Bà và tôi nói nhiều về việc đại diện cho Indonesia, rồi bà nói sẽ rất vui nếu tôi làm thế. Vì vậy tôi nhận lời, và đó là điều tôi có thể làm bà vui lúc cuối đời”.
Maarten Paes cùng bà ngoại và hình ảnh thủ môn sinh ra tại Hà Lan hôn lá cờ Indonesia. |
Ngay khi tin tức đồng ý nhập tịch lan ra, cuộc sống của Paes thay đổi chóng mặt. “Tôi đã lường trước bởi nhìn vào những đồng đội nhập tịch khác, nhưng vẫn bị choáng ngợp”, anh cho biết, “Đột nhiên tôi có 1,7 triệu người theo dõi trên Instagram và 1,2 triệu người theo dõi trên TikTok. Nó giống như tôi đã xem các trận của Indonesia trên internet, nhưng vẫn sốc khi bước ra sân vận động Gelora Bung Karno với hơn 70.000 người hâm mộ. Sau trận đấu với Australia, chúng tôi không thể rời khách sạn nếu không có sự giúp đỡ của lực lượng an ninh”.
Các CLB chủ quản của những cầu thủ vừa trở thành chiến binh Garuda cũng được thơm lây. Thông thường những video đăng trên Instagram của CLB Brisbane Roar (thuộc A-League, Australia) chỉ thu hút vài nghìn lượt xem. Nhưng trong tháng 9, các video họ tải lên có tới cả triệu lượt xem cùng hàng ngàn bình luận.
Quá dễ để tìm ra nguyên nhân. Nó liên quan đến Rafael Struick, tiền đạo 21 tuổi sinh ra ở Hà Lan nhưng có bố mẹ là người Indonesia nhập cư. Anh có quốc tịch vào giữa năm 2023 và mới chuyển sang chơi cho CLB Brisbane Roar từ ADO Den Haag (Hà Lan). Dĩ nhiên Struick phải thể hiện năng lực để có suất đá chính, nhưng việc giúp CLB gia tăng tương tác trên mạng xã hội cũng khiến anh trở nên có giá.
Quá trình tìm kiếm và nhập tịch cầu thủ vẫn đang tiếp diễn ở Indonesia. |
Theo cách nói của Hubner, mọi thứ như một giấc mơ. Chính Hubner cũng hào hứng chia sẻ, các đồng đội của anh ở Wolves cảm thấy ghen tỵ với độ nổi tiếng và các hợp đồng thương mại nhận được của anh. “Nhiều người đùa rằng, liệu tôi có thể chuyển sang chơi Indonesia giống cậu không?”, Hubner kể.
Theo luật Công dân của Indonesia, một người chỉ được phép mang một quốc tịch. Nhưng với bối cảnh hiện tại, và để thu hút thêm nhiều lao động có tay nghề cao (bao gồm các cầu thủ bóng đá), họ đang xem xét cấp quốc tịch kép. Nếu điều này được thông qua, dự kiến sẽ có nhiều tài năng trên khắp thế giới trở về khoác áo đội tuyển.
Dĩ nhiên không phải ai cũng đồng ý với cách làm này. Mới đây, nhiều người hâm mộ đã xuống đường phản đối đồng thời giăng các biểu ngữ kêu gọi phát triển cầu thủ trẻ thay vì đưa về những cầu thủ bên ngoài lãnh thổ. Putera Kusumatoro, một NHM ở Jakarta nói với DW: "Đây là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi. Một số nghĩ rằng nhập tịch là tốt vì các cầu thủ nhập tịch mang dòng máu Indonesia, nhưng một số lại nghĩ đó chỉ là giải pháp ngắn hạn, bỏ qua phát triển hệ thống cơ sở".
Nhưng bỏ qua mọi điều tiếng, công cuộc nâng cấp Garuda Warriors bằng những tài năng trên khắp thế giới vẫn tiếp tục. Nhiều cầu thủ sẽ đổi đời và đội tuyển Indonesia cũng đổi sang chương mới nhiều hứa hẹn.