Mới đây, bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã tiếp nhận 4 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (thường gọi là vi khuẩn ăn thịt người) với biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, diễn biến bán cấp tính, gây tổn thương đa cơ quan, làm suy yếu hệ miễn dịch như nhiễm khuẩn huyết, áp xe gan, áp xe cẳng chân, viêm màng não.
Vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore hay còn có tên gọi là Burkholderia seudomallei, xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở trên cơ thể. |
Bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Ninh) cho biết: Vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore hay còn có tên gọi là Burkholderia seudomallei, xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở trên cơ thể. Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hoặc áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”.
Đây là loại vi khuẩn có khả năng kháng được nhiều các loại kháng sinh thông thường, và hệ miễn dịch của cơ thể người chưa có cơ chế chống lại được loại vi khuẩn này. Bệnh Whitmore thường không lây từ người sang người qua đường hô hấp, hay từ động vật lây sang người qua không khí, mà chỉ lây qua khi tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn ăn thịt người, cho nên bệnh không có khả năng bùng phát thành đại dịch trên diện rộng.
Tuy nhiên, các biến chứng mà bệnh gây ra vô cùng nguy hiểm, đó là: Tổn thương phổi nghiêm trọng, nhiễm trùng huyết, nguy hiểm hơn là người bệnh sẽ phải cắt bỏ chân tay, phần đã bị nhiễm trùng để bảo toàn tính mạng, trong một số trường hợp nặng hơn sẽ dẫn đến tử vong.
Để giúp người dân chủ động nhận biết và phòng chống bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Quảng Ninh cung cấp một số thông tin cần thiết sau:
Bệnh Whitmore là gì? Là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.
Nguồn lây nhiễm: Vi khuẩn ăn thịt người tồn tại trong tự nhiên ở những nơi bùn đất hoặc các nguồn nước bị ô nhiễm…
Nguyên nhân gây bệnh: Người bệnh hít phải không khí bụi bẩn, hay phơi mình dưới nước mưa bị nhiễm vi khuẩn, uống phải nguồn nước bị ô nhiễm, chứa vi khuẩn; Khi chân tay hoặc các bộ phận trên cơ thể bị trầy xước và có vết thương hở, sau đó tiếp xúc với bùn đất tại ao hồ sông suối, đầm lầy hoặc các nơi có nguồn nước bị ô nhiễm.
Đối tượng: Ai cũng có thể bị nhiễm bệnh Whitmore, tuy nhiên một số người dễ mắc bệnh hơn như người có bệnh lý nền: tiểu đường, gan, thận, thalassemia, ung thư, bệnh phổi mãn tính… Động vật cũng có thể bị mắc bệnh Whitmore.
Mức độ nguy hiểm: Bệnh cảnh thường tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, nhất là ở những trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng (Tỷ lệ tử vong 10-40%).
Biểu hiện lâm sàng: Bệnh thường biểu hiện ở các cơ quan khác nhau trên cơ thể, và sẽ có các triệu chứng khác nhau, cụ thể là:
Nhiễm trùng phổi: Khi bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công, trường hợp biểu hiện của nhiễm trùng ở phổi đó là ho, tức ngực, đau nhức các cơ, chán ăn, sốt cao,…
Nhiễm trùng da: Biểu hiện nhiễm trùng trên da đầu tiên sẽ là đau, sưng, áp xe, viêm loét kèm theo đau cơ và sốt cao.
Nhiễm trùng cục bộ: Người bệnh sẽ bị đau sưng ở các vùng khu trú, ở những vị trí gần giống với bệnh quai bị, như là trước và sau tai.
Nhiễm trùng máu: Khi vi khuẩn ăn thịt người tấn công vào máu sẽ gây ra tình trạng máu bị nhiễm trùng, các triệu chứng đi kèm sẽ là: Sốt cao, rét run, đau họng, đau đầu, đau bụng, khó thở, tiêu chảy, đau các cơ, xuất hiện mủ trên da.
Nhiễm trùng lan tỏa: Các vết mủ và loét xuất hiện trên nhiều các bộ phận khác nhau trên cơ thể và dẫn đến tình trạng đau đầu, sụt cân, người co giật.
Các triệu chứng thường xuất hiện sau 2- 4 tuần tiếp xúc. Thậm chí có thể lâu hơn đến 1 năm.
Phương pháp phòng bệnh: Bệnh Whitmore hiện chưa có vắc xin, vì vậy người dân cần chú ý các biện pháp phòng bệnh sau:
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.
Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/ gần nơi bị ô nhiễm.
Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch … cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.