Áp dụng mô hình gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp với nhiều chương trình hợp tác, trường Đại học Trưng Vương luôn coi đây là một trong những khâu quan trọng có tính đột phá về đổi mới đào tạo đại học trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Quan hệ giữa doanh nghiệp và Trường Đại học Trưng Vương là sự tương tác có tổ chức, nhằm hỗ trợ lẫn nhau trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp là nơi kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực. Đây là loại hình hợp tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giúp cho người học có thể thích ứng nhanh chóng với những đòi hỏi của thị trường.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Oanh – Hiệu trưởng trường Đại học Trưng Vương ký Thỏa thuận hợp tác với nhiều thương hiệu, doanh nghiệp có yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực để phù hợp với yêu cầu phát triển. |
Tham dự buổi ký kết, nhiều tham luận của các giảng viên cũng như của các doanh nghiệp đã được phân tích và mổ xẻ những mặt lợi ích mà doanh nghiệp cần những lao động có chất lượng. Theo đó, doanh nghiệp có vai trò quyết định trong tạo lập các liên kết và đưa các hoạt động hợp tác cụ thể đó vào thực hiện. Không chỉ vậy, doanh nghiệp là nơi sử dụng nhân lực và nơi tạo điều kiện cho người học có thể thực hiện “học đi đôi với hành”.
PGS, TS Nguyễn Đăng Huy – UV BCH Hiệp Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam cho biết, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là sự hợp tác để thực hiện các mục đích đào tạo cũng như chiến lược phát triển đã được hai bên xác lập. Quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là quan hệ biện chứng, vì lợi ích của cả hai phía. Từ mối liên kết này, trường đại học có thêm điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, cho “ra lò” những “sản phẩm” đã được “trải nghiệm” thực tiễn.
“Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp sẽ hướng các trường đưa ra xã hội những “sản phẩm” gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo lập được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn. Trường Đại học Trưng Vương đã có hướng đi đúng đắn, những đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo định hướng ứng dụng, luôn có các tập đoàn kinh tế lớn đồng hành trong đào tạo, mô hình Nhà trường trong doanh nghiệp", ông Huy cho hay.
Đồng tình với quan điểm đó, bà Nguyễn Thị Loan - Kế toán Trưởng Tập đoàn Medlatec cho biết, việc “Đẩy mạnh kết hợp 3 “nhà”: Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những giải pháp then chốt để có thể giải quyết được mâu thuẫn còn tồn đọng giữa “cung” và “cầu” hay nói đơn giản là giữa “đào tạo nguồn nhân lực” và “sử dụng nguồn nhân lực”. Lấy cái “cần” của xã hội là mục tiêu, làm cái “đủ” để xây dựng một chương trình đào tạo mang tính thực tế”.
TS Nguyễn Đăng Hanh - Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Artéco đánh giá cao mô hình các trường businesse. Với mô hình này sinh viên là đối tượng được thụ hưởng trọn vẹn cả kiến thức lẫn kỹ năng. Ra trường giá trị bản thân được định vị cao hơn và doanh nghiệp không mất thời gian đào tạo lại. |
Sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội và nhà trường đã tạo nên bước đột phá trong đổi mới sáng tạo nội dung giảng dạy. Các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy gắn kết với thực tiễn giải quyết công việc thực tế.
Trường Đại học Trưng Vương với quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong chương trình đào tạo để phù hợp với sự phát triển cung cấp cho xã hội nguồn lao động chất lượng chuẩn với yêu cầu của những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.