Theo yếu tố dịch tễ, trong 21 ngày qua, kể từ thời điểm có triệu chứng, bệnh nhân không đi ra khỏi tỉnh nhưng có tiếp xúc với 1 trường hợp có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ. Bệnh nhân khởi phát với các triệu chứng đau họng nhưng không điều trị, khám tại bệnh viện địa phương.
Do bệnh không giảm kèm theo xuất hiện các bóng nước, mụn nước ở vùng hậu môn, bộ phận sinh dục, mặt, bàn tay nên bệnh nhân tự đi mua thuốc ở nhà thuốc tại phường 6, TP. Bến Tre.
Ngày 9/11/2023, bệnh nhân bắt xe lên Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh để khám và được lấy mẫu vì nghi ngờ bị bệnh đậu mùa khỉ. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục bắt xe về địa phương và khai báo với y tế tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Theo thông tin dịch tễ, trong thời gian có triệu chứng bệnh nhân có tiếp xúc với 3 trường hợp sống gần phòng trọ, trong đó có 1 trường hợp có triệu chứng nổi bóng nước, ngoài ra bệnh nhân có tiếp xúc với 9 người tại huyện Giồng Trôm.
Theo đánh giá của CDC Bến Tre, nhiều nguy cơ sẽ xuất hiện thêm các ca mắc đậu mùa khỉ mới trong giai đoạn sắp tới. Ngành Y tế Bến Tre đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn điều tra, truy vết trực tiếp ca bệnh và lập phiếu điều tra trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ; triển khai tập huấn giám sát, chuẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ cho cơ sở y tế các tuyến.