Đi đến đâu cũng phải kéo theo vùng đất của tôi
Mười ngày ở Palestine, và anh đã chia sẻ câu chuyện của 4 ngày trên báo, 6 ngày còn lại có phải anh để dành cho tiểu thuyết?
(Cười). Mẹo đấy, vì báo đặt là viết ngắn thôi. Thực ra, 10 ngày ở đấy, chúng tôi được kéo đi nghe chuyện về cuộc đấu tranh của người Palestine suốt. Mấy ngày đầu chưa quen, cũng sợ. Về sau, chúng tôi đề nghị: chúng tôi đến đây muốn khám phá đất nước Palestine không chỉ ở các cuộc đấu tranh, mà còn cả ở khía cạnh văn hóa, nghệ thuật... Thế là mấy ngày cuối, họ mời cả đoàn đi các nhà thờ, thánh tích...
Trải nghiệm thú vị nhất của anh ở Palestine là gì?
Tôi đến được những địa điểm tôn giáo nổi tiếng mà trước đó chỉ biết được qua sách vở, phim ảnh. Ví dụ Núi cám dỗ chẳng hạn, hay đền thờ nơi Chúa Jesu được sinh ra, đền thờ Abraham (tổ phụ của Ki tô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo), sông Jordan… Từ Jordan vào Palestine địa hình đẹp lắm: nguyên thủy, khốc liệt, kiêu ngạo, mặc dù trông rất cằn. Trong cái màu vàng vương giả ấy, thỉnh thoảng có con la cô đơn, đứng ngơ ngơ ngác ngác. Đây là lần đầu tôi có cảm giác đến một thế giới khác. Có thể bởi vì tôi cũng chưa đi nước ngoài nhiều, nhưng đúng là lần này mới có cảm giác ấy.
Thực sự xúc động, không phải vì tôi theo tôn giáo nào mà vì trước đó không hình dung mình lại đến được những chỗ như thế này. Khả năng quay lại đây là rất khó. Nó cũng có thể là chuyến đi Palestine duy nhất trong đời.
Sẽ có một tác phẩm của anh về Palestine chứ?
Tôi chưa định gì. Tôi có nói với nhà thơ Trần Đăng Khoa rằng, tôi phục những ông nhà văn mà đi đến đâu họ cũng có thể viết về vùng đất ấy. Trong khi tôi có đi về cõi khác thì có lẽ cũng chỉ viết về Trại Cau, Linh Sơn... (những địa danh ở Thái Nguyên, quê hương nhà văn Nguyễn Bình Phương). Văn chương nó cũng có tạng của nó.
Nhắc mới nhớ, vùng địa lý trong văn anh, đúng thật, chỉ toàn Thái Nguyên!
Khi kéo được mọi thứ về đấy thì tôi thấy tự tin. Trước tôi chỉ viết về chính nó, sau ý thức nó là tấc đất cắm dùi của mình thì nhặt nhạnh mọi thứ về đấy. Xét cho cùng thì vẫn là anh nhà quê, vẫn phải cậy nhà. Không được như một số đồng nghiệp khác, coi bốn bể là nhà. Thế là nhược tiểu đấy chứ không phải là gì đâu!
Anh có nhu cầu mở rộng cái địa giới hành chính ấy trong văn mình không?
Không. Cái mở rộng quan trọng nhất của nhà văn chính là vấn đề anh nghĩ, anh cảm nhận. Thái Nguyên giống như một người đàn ông được mượn làm biểu tượng tôn giáo của phụ nữ thôi. Thực ra mà nói, bây giờ, tôi về Thái Nguyên cũng xa lạ, cũng giống người dưng. Nó chỉ còn lại vài cái tên, kiểu Linh Sơn, Võ Nhai... Nó là quầng ám ảnh thôi, chứ không phải là nhận thức, ở Hà Nội mới là nhận thức. Nhưng nghệ thuật oái ăm ở chỗ, cái ám ảnh mới mạnh.
Tôi nhớ, ông nhà thơ người Đức, Rainer Maria Rilke trong “Thư gửi một thi sĩ trẻ”, có một câu tôi đọc lâu rồi nhưng nhớ mãi: “Đối với người làm thơ, chỉ cần mở mắt nhìn thế giới một lần anh có thể viết một đời không hết”. Ý ông Rilke tôi nghĩ là: anh giỏi anh có thể viết về một cái lá, cả đời không hết. Cái lá nó sẽ khác đi theo cái nhìn của anh, nhận thức của anh. Giống như Van Gogh một đời chỉ loanh quanh màu vàng, đi đến tận cùng mà không hết, mỗi bức tranh của ông ấy là một sắc thái vàng khác nhau.
Phong cảnh Palestine: Nguyên thủy, khốc liệt, kiêu ngạo, mặc dù trông rất cằn |
Người trẻ cần phải tán loạn, đến tuổi nào đó mới nên tụ dần
Trong số những người viết trẻ hiện nay, người ta hay kêu về sự tán loạn, thiếu định hình của họ, cả về phong cách, ngôn ngữ lẫn vùng đất. Anh nghĩ thế nào về điều này?
Tôi cho rằng sự định hình đối với người trẻ không quan trọng. Người trẻ cần phải tán loạn, phải đến một độ tuổi nào đó, 45-50 mới nên tụ dần. Trẻ thì được quyền khám phá, được quyền sai. Càng già phải càng hạn chế sai, vì không còn cơ hội sửa chữa. Để đúng về sau thì phải sai, phải mò mẫm trước đó. Tôi không lo lắm về cái việc người trẻ chưa hình thành phong cách, phong cách là cái rất khó trong quá trình tìm lối đi. Có khi nó nằm ở vô thức. Vì cái tạng của mình, mình không tự thấy đâu. Phải đi mãi đi mãi, đến lúc nhìn lại thấy mình có một cái vệt thì mới ý thức, rồi mới làm đậm cái vệt đó lên.
Tôi vẫn ủng hộ tuổi trẻ tán loạn, không cá tính, không bản sắc. Nhưng chỉ được một khoảng thôi. Đến một lúc nào đó thì anh phải tụ lại. Chứ cả đời vẫn tán loạn thì không ổn.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa ở bảo tàng Arafat |
Nhớ lại tuổi trẻ của mình, anh thích Nguyễn Bình Phương khi ấy, hay hiện nay?
Mỗi tuổi có cái hay của nó. Giai đoạn đầu tôi viết có độ bay bổng, mạo hiểm, kèm theo là độ ăn may. Nhưng đến khi “cáo” rồi, độ chắc chắn gia tăng, tính ăn may mất dần đi, mặc dù trong nghệ thuật may rủi là yếu tố quan trọng. Trẻ có cái hay của trẻ, già có cái ma lanh của già, khó để biết cái này hơn cái kia.
Anh đã từng rơi vào tình trạng không còn muốn viết nữa?
Hơi ngạo mạn nhỉ, nhưng tôi chưa có cảm giác bất lực. Tôi vẫn thích được viết, mặc dù viết cũng mệt nhọc, nhưng nó vẫn là khoái cảm.
Khoái cảm lớn nhất mà việc viết mang lại với anh là gì?
Là tự do. Có lẽ viết có một khoái cảm khó tả lắm, cho nên khi nhà văn không viết được nữa nó buồn lắm. Dễ hiểu vì sao có nhà văn phải tự sát khi không viết được nữa, đại khái chí tiên sinh thì lớn nhưng tay tiên sinh thì yếu rồi không cầm được gươm nữa. Nhà văn có cái bi kịch ấy. Đến mức Hemingway phải nã một phát súng, hay Yukio Mishima chết bằng cách mổ bụng... vì muốn viết mà không thể. Độ vênh giữa ý muốn và khả năng chính là bi kịch.
Có nhu cầu người ta sẽ tự đọc
“Một ví dụ xoàng” của anh nhận giải thưởng Hội Nhà văn năm 2021, đến tận thời điểm này mới tái bản, tốc độ không thể nói là nhanh, anh có bi quan về sự đọc của người Việt?
Không. Có thể hơi vô trách nhiệm, nhưng tôi không quan tâm điều ấy. Độc giả cũng chính là đời sống, cũng thay đổi theo thời thế. Họ có nhu cầu sẽ tìm đọc. Mình không thể nói anh không đọc tôi thì tôi thất vọng về anh. Không thể bắt người ta đọc. Cứ dúi sách vào tay mà người ta không thích thì cũng chịu. Ép nhau là không đúng.
Với anh, càng viết càng khó khăn hơn hay dễ dàng hơn?
Tôi cảm giác càng ngày viết càng dễ hơn nhưng chậm hơn. Có thể là do mình kỹ hơn, thận trọng hơn, tính toán hơn. Cũng do sức khỏe, công việc nữa. Trước khỏe ngồi bốn tiếng không sao, giờ ngồi tiếng rưỡi là phải đứng dậy đấm lưng rồi.
Còn nhiệm vụ của nhà văn là phải viết. Chỉ cần trên thế gian còn một người duy nhất, thậm chí không còn ai nhưng anh vẫn phải viết, vì anh là nhà văn.
Nhu cầu viết thường đến với anh trong hoàn cảnh nào?
Viết hết một cuốn, thấy người rỗng rỗng. Sống linh tinh lang thang nó đầy lên, thì lại viết.
Khoảng cách trung bình giữa các cuốn là bao lâu?
Khoảng 4 năm gì đấy. Hôm thống kê lý lịch, tôi áng chừng bốn năm mình viết được một cuốn.
Trong tay anh hiện đang có bản thảo nào chưa in không?
Chả có. Chỉ có tập thơ khoảng 70 bài mà không muốn in.
Vì anh chưa đủ thích những bài thơ ấy?
Văn xuôi có thể có cuốn tôi thích, cuốn không. Riêng với thơ thú thật là bài nào tôi cũng thích. Tôi thuộc những bài thơ mình làm từ đầu tiên đến giờ.
Thơ anh, nói thật là không dễ thuộc!
Ừ, nhưng mà tôi không quên bài nào. Cho nên, tôi rất lấy làm lạ khi có những nhà thơ không thuộc thơ mình. Với tôi, nếu tôi không nhớ bài thơ nào của mình, chỉ có thể giải thích là vì bài đó chưa phải máu thịt của tôi.