Bí quyết của thủ khoa học song ngành

0:00 / 0:00
0:00
TP - Học cùng lúc hai ngành khác nhau và tốt nghiệp hạng xuất sắc, đúng hạn là thành tích đáng nể mà Lê Thanh Hải - thủ khoa của Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) vừa chinh phục.

Giỏi môn Ngữ văn với nhiều danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực và quốc gia, năm 2020, Lê Thanh Hải được tuyển thẳng vào ngành Kinh doanh quốc tế Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM). Ngay từ năm thứ nhất, Thanh Hải đã đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học nhanh nhất có thể để thực hiện các công việc yêu thích.

“Học hết năm thứ nhất, mình đã hoàn thành hơn 50 tín chỉ của ngành đầu tiên. Theo tiến độ đó thì chỉ tầm 2,5 đến 3 năm mình đã có thể tốt nghiệp trước hạn” - Hải cho hay.

Bí quyết của thủ khoa học song ngành ảnh 1

Lê Thanh Hải - thủ khoa của Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp giữa tháng 7/2023

Đại dịch COVID-19 đã cản trở việc đến trường và gặp gỡ bạn bè của chàng trai trẻ. Lo ngại những kỷ niệm đẹp tuổi sinh viên dần trôi qua, Hải quyết định đăng ký học thêm ngành thứ hai để... kéo dài thời gian học và có nhiều cơ hội giao lưu bạn bè.

Những năm học đại học, Hải còn là Quán quân cuộc thi Hùng biện “Power Of Speech” 2020; Quán quân cuộc thi Marketing “Marship Connector” 2021; Giải Talent Marketer cuộc thi “Digital Marketing Case Challenge” 2021; Á quân cuộc thi Marketing “Infina Marketing Talent” 2022; Tình nguyện viên quốc tế chương trình “Sawasdee”...

Theo thủ khoa Hải, nếu muốn tốt nghiệp đúng hạn (4 năm - PV), học theo lộ trình chuẩn là điều không thể bởi hai ngành được tổ chức giảng dạy của hai khoa riêng biệt nên các môn học chuyên ngành cũng sẽ được mở theo thời khóa biểu của từng khoa, dẫn đến việc có những môn học bị trùng lịch học.

Để giải bài toán trên, Hải phải có chiến lược đăng ký môn học chi tiết cho từng học kỳ (thậm chí cả học kỳ hè). Cùng với đó, Hải tính toán để liên kết các môn một cách lô gích, có sự liên hệ về kiến thức và yêu cầu đồ án nhằm giảm tải khối lượng công việc.

Hải kể: “Mình đã cân nhắc xem từng học kỳ sẽ học bao nhiêu môn, môn nào ưu tiên học trước, môn nào chấp nhận học chậm. Để có thể sắp xếp đầy đủ tất cả các tín chỉ vào đúng 8 học kỳ, việc học vượt và học bù là rất cần thiết, nhằm tránh việc trùng lịch học giữa các môn và tránh việc có những học kỳ số môn học vượt quá khả năng bản thân có thể tiếp thu”.

Nhờ sự cố gắng và kế hoạch học tập hợp lý, Hải đã hoàn thành một lúc hai bằng xuất sắc của ngành Kinh doanh quốc tế (9.12 điểm) và Thương mại điện tử (9.02 điểm). Đặc biệt, chàng sinh viên này còn đạt 9.0 điểm cho Khóa luận tốt nghiệp với chủ đề "Sự ảnh hưởng của hiệu suất logistics lên thương mại quốc tế tại 31 quốc gia châu Á đang phát triển", được giảng viên đánh giá cao, nhất là vốn ngoại ngữ phong phú (4 ngoại ngữ).

MỚI - NÓNG