Lý do khiến sản xuất lúa - tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long lụi dần

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Có nhiều lý do làm cho vùng sản xuất lúa - tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang bị lụi dần, trong đó lý do chính là không có hệ thống thuỷ lợi" - ông  Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - nói và cho biết hệ thống thuỷ lợi ở vùng này còn nhiều bất cập, do đó cần áp dụng xử lý nước trong từng hộ nuôi tôm trước khi xả ra ngoài.

Sáng 21/7, tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo “Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, phân tích thực trạng nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm công nghệ cao và vấn đề môi trường tại khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng; đồng thời đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề môi trường để phát triển bền vững ngành tôm;…

Lý do khiến sản xuất lúa - tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long lụi dần ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chia sẻ, nghề nuôi tôm phát triển cả về số lượng và chất lượng, từ đó tạo thách thức lớn không chỉ với Bạc Liêu mà đối với các tỉnh thành trong khu vực về vấn đề môi trường.

"Nếu như chạy theo lợi ích kinh tế mà vấn đề về ô nhiễm không được xử lý tốt, sẽ trở thành trở ngại rất lớn trong tương lai" - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, vấn đề về môi trường phục vụ cho nuôi trồng thủy sản là yếu tố sống còn trong lĩnh vực này, trong đó có ngành tôm.

Lý do khiến sản xuất lúa - tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long lụi dần ảnh 2

Quang cảnh hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu thuỷ sản 2 nhìn nhận, nguồn nước phát triển nuôi tôm ở ĐBSCL chủ yếu lấy từ kênh rạch, bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, nhiều vi khuẩn vượt ngưỡng cho phép.

"Nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với người nuôi. Nuôi tôm muốn bền vững phải thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, làm theo cách này phải tốn nhiều chi phí cần được đầu tư, hỗ trợ về vốn”, ông Tùng nói.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết, hệ thống thuỷ lợi ĐBSCL còn nhiều bất cập, do đó cần áp dụng xử lý nước trong từng hộ nuôi tôm trước khi xả ra ngoài.

Ngoài ra, nuôi tôm siêu thâm canh cho sản lượng lớn nhưng cũng là mối nguy cực kỳ cho môi trường, do không có quy hoạch bài bản, thiếu cơ chế chính sách để gom lại những người nuôi tôm.

Lý do khiến sản xuất lúa - tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long lụi dần ảnh 3

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu thực tiễn thuỷ lợi và quản lý nước trong ngành nuôi tôm.

“Tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm đến ngành hàng tôm để có sự đầu tư thoả đáng cho thuỷ lợi. Có nhiều lý do làm cho vùng sản xuất lúa-tôm ở ĐBSCL đang bị lụi dần, trong đó lý do chính là không có hệ thống thuỷ lợi. Tôi cũng kiến nghị Bộ nên có dự án thí điểm đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, thuỷ lợi để tập hợp người nuôi tôm siêu thâm canh về một nơi. Như thế, việc kiểm soát môi trường sẽ dễ dàng hơn”, ông Sử nói.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, phải tiến tới môi trường sạch, vừa giảm chi phí xử lý môi trường, vừa tiến tới ngành tôm sạch, bền vững, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, phải để thế giới thấy hình ảnh của ngành tôm ở ĐBSCL là nuôi tôm sạch, có trách nhiệm. Minh bạch - trách nhiệm - bền vững là 3 từ gần đây thế giới hướng tới đánh giá sản phẩm tôm.

“Chúng ta cần thành lập hiệp hội ngành hàng tôm. Không chỉ có doanh nghiệp mà phải có thêm hợp tác xã, nhà khoa học và chính quyền. Đó là cấu trúc của ngành hàng để giải quyết vấn đề về công nghệ, thị trường, giống, thức ăn… Nhiều khi mỗi người đã làm tốt rồi nhưng liên kết chưa tốt thì cũng không thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo.

MỚI - NÓNG