Việt Nam sẵn sàng cho những môn thể thao lạ ở SEA Games 32

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại SEA Games 32, chủ nhà Campuchia sẽ lần đầu ra mắt những môn thể thao chưa từng có tại các kỳ đại hội trước đây. Tuy nhiên, vì lạ nhưng lại… quen, đoàn thể thao Việt Nam không những tham gia mà còn đặt mục tiêu giành Vàng.

Một trong những lý do khiến SEA Games trở nên đặc biệt, chính là sắc thái văn hóa bản địa. Đây là sự kiện thể thao quốc tế duy nhất trên thế giới có sự tranh tài ở những môn thể thao lạ, ít phổ biến bên ngoài Đông Nam Á. Có thể kể đến như lặn, đá cầu, lăn bóng trên cỏ, đánh bài Bridge hay cờ tưởng.

Việt Nam sẵn sàng cho những môn thể thao lạ ở SEA Games 32 ảnh 1

VĐV Việt Nam tham gia Giải vô địch Kun Bokator Đông Nam Á

Tuy nhiên, đa dạng nhất phải là các môn võ. Và sau Vovinam, Arnis, Muay Thái, Pencak silat, Kenpo, Kurash… một số môn mà người hâm mộ ít, thậm chí chưa từng nghe đến, sẽ được giới thiệu ở SEA Games 32. Ví dụ như võ Kun Bokator, môn thể thao gồm 7 nội dung biểu diễn và 9 nội dung đối kháng ở các hạng cân khác nhau.

Bokator ra đời ở Campuchia cách đây 1.700 năm và năm trong tốp những môn võ kỳ lạ nhất thế giới bởi hệ thống đòn thế đa dạng mô phỏng phong cách chiến đấu của các loài động vật hoang dã. Sau một thời gian thất truyền, Bokator được khôi phục và phát triển mạnh trong những năm gần đây, đồng thời trở thành biểu tượng văn hóa của người Khmer. Năm 2022, Campuchia đã thuyết phục thành công UNESCO, công nhận Bokator là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Để hướng tới SEA Games 32, Giải vô địch Kun Bokator Đông Nam Á đã được tổ chức ở Campuchia hồi đầu tháng 4. Chung cuộc, chủ nhà Campuchia xếp nhất còn đoàn Việt Nam giành 3 HCV, 3 HCB và 3 HCĐ, đứng thứ 3/4 quốc gia tham dự. Đội Kun Bokator Việt Nam được tuyển chọn từ đội tuyển võ thuật cổ truyền Việt Nam và được dẫn dắt bởi HLV Lê Công Bút. Trong thành phần đội có võ sỹ Nguyễn Thị Tuyết Mai từng tham dự SEA Games 2009 và 2011 ở các môn kickboxing, Muay Thái.

Ngoài Kun Bokator, SEA Games 32 cũng là dịp để Campuchia ra mắt Kun Khmer, môn võ truyền thống của nước chủ nhà với hệ thống kĩ thuật sử dụng gồm các đòn đấm, đá, gối, ôm ghì và đặc biệt là những cú đánh cùi chỏ được sử dụng nhiều hơn so với các môn võ tương đồng trong khu vực.

Chính vì nhiều điểm giống nhau, đã xuất hiện tranh cãi gay gắt giữa Kun Khmer và Muay Thái, dẫn đến việc Campuchia loại quyền Thái khỏi chương trình thi đấu SEA Games 32. Đồng thời, không khó khăn để Việt Nam thành lập đội tuyển Kun Khmer. Năm ngoái, Nguyễn Trần Duy Nhất giành HCV môn Muay hạng 60kg. Năm nay anh thuộc thành phần Ban huấn luyện, trong khi các tuyển thủ của đội Muay Việt Nam vẫn là những gương mặt nòng cốt của đội Kun Khmer. Toàn đội tự tin hướng đến mục tiêu 2 hoặc 3 HCV cho đoàn thể thao Việt Nam.

Trong ngày chốt 37 môn thể thao của SEA Games 32, ông Vath Chamroeun, Tổng thư ký Ủy ban Olympic quốc gia Campuchia nói rằng “việc đăng cai tổ chức sự kiện lần này là dịp để Campuchia giới thiệu các môn thể thao bản sắc văn hóa dân tộc”, đồng thời coi đây là “cơ hội tốt hơn để bảo tồn và phát triển”.

Vì vậy, Campuchia cũng đưa Ouk Chaktrang (cờ Ốc) vào nội dung thi đấu. Loại hình cờ của người Khmer này khá giống với cờ vua với 64 ô và 16 quân. Để tranh tài ở môn này, đội tuyển Ouk Chaktrang Việt Nam được tạo nên bởi các kỳ thủ thi đấu đoạt kết quả cao tại Giải Cờ vua xuất sắc quốc gia 2022. Tại giải tiền SEA Games, vô địch Ouk Chaktrang Đông Nam Á diễn ra hồi tháng 1, đoàn Việt Nam xuất sắc giành 2 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ, đứng thứ hai toàn đoàn chỉ sau chủ nhà Campuchia. Đây là cơ sở để chúng ta tự tin đặt mục tiêu giành 1-2 HCV tại SEA Games 32.

Môn lạ nữa ở SEA Games 32 là Jet ski (Ca nô lướt sóng) và Teqball, loại hình thể thao kết hợp giữa bóng đá và bóng bàn, chơi trên chiếc bàn cong. Tuy nhiên vì quá mới (được sáng tạo năm 2012), Teqball chỉ được đưa vào để trình diễn, không tranh huy chương.

SEA Games 32 còn đánh dấu sự trở lại của Floorball (kết hợp gậy khúc gôn cầu và bóng) từng xuất hiện vào năm 2015 và 2019, Obstacle race (đua vượt chướng ngại) đã ra mắt năm 2019. Đoàn thể thao Việt Nam đăng kí thi đấu 31/37 môn chính thức với 466 nội dung.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chuyển nhượng NƠXH vẫn phải đóng tiền đất; hơn 12.000 căn hộ tái định cư bỏ trống
Địa ốc 24H: Chuyển nhượng NƠXH vẫn phải đóng tiền đất; hơn 12.000 căn hộ tái định cư bỏ trống
TPO - Cảnh hoang vắng, đìu hiu trong khu tái định cư Thủ Thiêm; Chưa thực hiện miễn tiền sử dụng đất khi chuyển nhượng NƠXH; Huyện sắp lên quận ở Hà Nội bổ sung hơn 760ha đất làm loạt khu đô thị mới; Ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 6/11.