Cây ổi cười bên mộ Lê Lợi. |
Nhưng trước khi nói về cây ổi có biệt danh “mộc tinh” ấy, lại phải nói về một người.
Xứ Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hoá có một ông lão lạ. Đó là thày Lê Xuân Kỳ. Chút mạo muội rằng, Lam Kinh chả thể thiếu thày Kỳ? Nhỡn lực thày đã bảng lảng khói sương. Nhịp chân đã chậm dần. Ơn giời, tuổi bát tuần sức nhớ vẫn bén nhạy. Bên thày, như đương bày biện một quá vãng. Như thực, như hư…
Phạm vi bài viết này, không nhắc lại chuyện thày Lê Xuân Kỳ, thày giáo dạy văn. Chủ nhiệm hồi cấp 2 của anh học trò Phùng Gia Lộc, tác giả Cái đêm hôm ấy đêm gì… Rồi cũng thày, thời cương vị Phó chủ tịch phụ trách văn xã huyện Thọ Xuân; thày Kỳ bí mật làm cái cầu nối cho sự đi lại viết lách tạm an toàn của cây viết Phùng Gia Lộc với giới văn bút Hà Nội cái thời xứ Thanh tao loạn… Gia đình thi sĩ Bế Kiến Quốc khéo léo cưu mang, bảo lãnh là một thí dụ.
Có một phó chủ tịch huyện về hưu Lê Xuân Kỳ vuột hẳn ra Hà Nội làm báo Người Cao tuổi.
Thày Lê Xuân Kỳ |
Cánh phóng viên theo dõi các kỳ họp Quốc hội, những năm chín mươi thế kỷ trước thường thấy một ông già tóc bạc bồng bềnh, cái túi dết bằng vải tòn ten một bên vai rất chăm việc phỏng vấn ĐBQH trong các phiên giải lao.
Lê Xuân Kỳ đấy! Sâu đậm cái lần, tôi lọt thỏm cái run rẩy của mình trong lòng tay của người đồng nghiệp già với tập phóng sự Mực đen phấn trắng do một nhà xuất bản lớn ở Hà Thành in!
Rồi thày Kỳ lại lui về Thanh về xứ Lam Kinh Thọ Xuân không phải để hưu dưỡng hẳn cái tuổi già mà là miệt mài chăm bẵm những sử làng cùng sử nước. Với cương vị phụ trách Tạp chí Thanh Hóa xưa và nay của Hội sử học Thanh Hóa, cái phần lịch sử quê hương mà thày Kỳ cầm chịch cứ tày tặn mãi lên.
Bên bậc cao lão và mẫn tiệp này, nhiều lần gặp lại, cứ phỉ phui cái ý nghĩ, ôi cái xứ Thanh quê choa, sử xứ Lam Kinh Thọ Xuân ấy, sẽ như nào nếu bỗng dưng biệt mất thày Kỳ?
Loáng thoáng thuở tôi vuột hẳn về Lam Kinh đeo bám thày Kỳ…
Khu di tích lịch sử Lam Kinh sừng sững tọa lạc trên thân đất thuộc hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, cách thành phố Thanh Hóa hơn 50 km về phía tây bắc. Thân đất này là quê hương bản quán và cũng là nơi an nghỉ của vị anh hùng Lê Lợi cùng các vị hoàng đế, vương hậu thời Lê Sơ. Gần đây Lam Kinh đã được xếp vào loại Di tích quốc gia đặc biệt.
Lần về với thầy Kỳ ấy găm được lắm chuyện.
Sầm uất nguy nga từ năm 1428 thời điểm bắt đầu từ Bình Định Vương Lê Lợi đến Vua Lê Thái Tổ, Lam Kinh hay Tây Kinh là điểm đến hằng năm của các vị Vua Lê sau này mỗi tiết Mạnh Xuân hay Thanh minh đều đặn về bái yết sơn lăng.
Những dã sử cùng chính sử qua trí nhớ cùng biên chép của thày Kỳ về Điện Lam Kinh bị phá bao lần nhớ lại cứ sởn gai ốc? Nội cái động thái thày Kỳ xuýt xoa và chú mục vào những viên đá tảng vuông vức dùng để kê chân cột lim tày hai người ôm lác đác lăn lóc trong khu di tích thôi thì dám chắc các nhà khảo cổ hoặc có ai có lòng tí ti với sử nhà chắc phải như rôm đốt, kiến cắn? Chưa nói đến những gạch vồ, ngói, chén bát… nói lên sự nguy nga mà tiền nhân tạo dựng qui mô đến như thế nào! Thày Kỳ không phán suông mà tỷ mẩn dẫn ra một khúc trong chính sử.
Năm Đại chính thứ 2 (1531) có lẽ là lần phá Lam Kinh đợt thứ nhất. Chẳng phải phá thường mà là tàn bạo! Sử chép Mạc Đăng Dung sai Mạc Điền, Hùng Viễn Hầu Mạc Công Chính... dẫn hơn một vạn quân càn quét tàn phá xã Lam Sơn, đốt điện Tây Kinh lửa khói bốc ngút trời hàng tháng chưa tắt. Quân Mạc cướp phá các nhà công thần thế gia, đốt chúc thư sắc mệnh... không biết bao nhiêu mà kể. Rồi dần dà sau đó Tây kinh cũng được xây dựng lại nhưng qui mô nhỏ hơn. Lần tàn phá Lam Kinh không kém phần tàn bạo như quân Mạc có lẽ là đám binh của viên tướng võ biền ít học Võ Văn Nhậm lừa cả vua Quang Trung mượn cớ truy đuổi quân nhà Trịnh để làm bậy!
Rồi năm 1942 có cuộc khảo cổ của nhà nước bảo hộ Phú Lãng Sa, người ta mượn cớ khảo cổ đào bới Lam Kinh lung tung để tìm cổ vật đến nỗi Vua Bảo Đại phải ra một chỉ dụ để chấn chỉnh.
Bên những sự kiện lớn, việc to tát, chuyện thày Kỳ có những thứ lặt vặt nho nhỏ nhưng gợi mở nhiều điều…
Như chuyện cây ổi cười bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ.
Đến viếng mộ vua Lê Thái Tổ, du khách dễ dàng nhận ra cây ổi cười này. Nằm phía bên phải khuôn viên lăng mộ vua Lê, cây ổi dáng huyền, mang thế rồng chầu mùa nào cũng cho quả, khi chín thơm lừng.
Cây ổi còn có biệt danh, ổi cười. Là lấy ngón tay khẽ sờ, vuốt nhè nhẹ lên thân cây, tức thì những thớ lá rung lên bần bật. Chưa hết, khi dùng ngón tay gãi nhẹ vào gốc, vào thân thì tất cả lá cây đều rung rinh như cười.
Cứ như thày Kỳ cho hay rằng, dân Lam Kinh từng kính cẩn kêu cây ổi lạ này bằng cái tên gọi “Mộc tinh”! Vùng đất đặt lăng mộ vua Lê Thái Tổ là nơi hội tụ linh khí của đất trời, được coi là huyệt đạo quan trọng trong khu di tích. Cây ổi này chỉ ở trong khu vực Lăng mộ vua Lê Thái Tổ thì mới có hiện tượng “cười”. Có dạo người ta đã thử làm cái việc chiết, đem giống ổi này trồng ở nơi khác thì không hề có hiện tượng ổi cười ấy?
Thày Lê xuân Kỳ không sa đà vào kiểu giải thích là “thích đến đâu thì giải đến đấy”! Thày tiếp cận cái giống mộc tinh ấy bằng kiến thức lịch sử!
Là cả một câu chuyện dài khi thày Kỳ từng khổ công dò cho đến ngọn nguồn lạch sông thứ ổi kỳ lạ này!
Thì ra cây ổi của một lão nông họ Trần. Đó là ông Trần Hưng Dẫn, người thôn Hành Thiện, Nam Định cung tiến từ năm 1933.
Ông Dẫn vốn hiếm muộn nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Và rồi mặc dù tuổi cao, ông vẫn hạ sinh được quý tử nối dõi tông đường. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não (khuynh diệp) và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ. Đến nay, dòng tộc ông vẫn đang sinh sống ở Hải Phòng, mỗi đời chỉ có một người con trai (gọi là độc đinh).
Một góc Khu Di tích Lam Kinh |
Vẫn chuyện thày Kỳ, năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có hẳn một đề án nghiên cứu tầm cấp quốc gia về dòng gene của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả?
“Mình vẫn nhớ nghe đâu con cháu cái nhà cụ Dẫn gần Đình Thủy Nguyên…”. Không hiểu sao nhiều năm cái câu như bâng quơ của thày Kỳ vẫn ám trong tâm trí?
Gần đình Thủy Nguyên đất Hải Phòng?
Có lẽ không phải? Bởi lần ấy tôi đã lang thang vợi cả một buổi chiều để hỏi tông tích con cháu nhà cụ Dẫn? Nhưng mấy chục hộ cái làng ven đình Thủy Nguyên chả ai biết nhà ông Dẫn từng là dân ngự cư Nam Định từng dạt về đây?
Lại ghé cả công an huyện Thủy Nguyên hỏi bộ phận quản lý hộ khẩu nhưng cũng chỉ bóng chim tăm cá!
Ông cháu đồng nghiệp chịu khó theo suốt chuyến đi ấy. Chứng kiến những tất tả hỏi thăm, có một lúc cười rồi buột miệng rằng, bác lẩn thẩn thật rồi?
Theo ý của ông cháu là cái nhà ông có tên Dẫn này, đâu phải dạng có công với nước với cách mạng? Mà cũng có phải là nhân vật lịch sử đâu mà mình phải tốn công truy tầm như thế?
Ghé một quán nước. Trầm tư hồi lâu bên cái điếu bát, thứ điếu riêng có vùng Thủy Nguyên, tôi gại cái đóm tre ngâm vào thành điếu một hồi, nghe ông cháu cười vậy đâm gẫm thầm, có khi mình lẩn thẩn thật chứ chả bỡn? Người có công với cách mạng? Nhân vật lịch sử? Hình như lứa viết lách hành nghề báo thế hệ 9x thường có cách nghĩ cùng hành sự mau, xổi đại loại thế?
Công tích ư? Mà ông lão Dẫn này đích là có công đấy chứ? Các cụ mình chả có câu dưỡng nhân loại chi công! Cái công gây dựng được giống thụ mộc lâu niên, cụ thể là giống ổi bên cạnh mộ một danh nhân lịch sử. Khiến hậu thế mỗi khi đến thăm viếng chiêm quan đều cho là thứ kỳ hoa dị thảo, đều phải tấm tắc ngợi khen thì không là thứ công trình xiết kể mấy mươi đấy là gì? Đành một nhẽ ông lão tên Dẫn ấy nương nhờ được, trước là anh linh vị vua, một anh hùng dân tộc chứng giám lòng thành nên đã động tới thứ huyền vi của tạo hóa của cao xanh. Như tiền nhân đã dạy, cầu thì tất ứng cảm thì tất thông! Thứ nữa là may nhờ cái câu như trong Bình Ngô Đại Cáo âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng ngầm giúp mà được như vậy!
Một góc Khu Di tích Lam Kinh |
Về tâm linh thì đại loại thế. Và cũng rành rẽ một thông điệp duy vật cho hậu thế cái hữu ích lợi lạc của việc trồng cây. Cổ nhân từng chiêm nghiệm đúc rút thập niên chi kế bất như thụ mộc đặt trước câu bách niên chi kế bất như thụ nhân (kế mười năm không chi bằng trồng cây. Kế trăm năm không chi bằng trồng người). Mười hay trăm chỉ là đại lượng tương đối chỉ thời gian gắng gỏi cái lộ trình nhân đức của cả một đời người. Minh triết phương Đông ấy cũng được nhà văn Châu Mỹ Latin, G. Macquez tóm lược trồng một cái cây đẻ một đứa con viết một cuốn sách mà lãnh tụ Cu Ba Phi-đel Caxt-rô tâm đắc vẫn thường nhắc và dẫn lại.
Đang bảng lảng khắp đất trời tiết xuân Giêng, Hai. Lẩn thẩn nhớ lại chuyện thày Kỳ bèn biên lại gửi tới dòng du khách thập phương về vãn cảnh bái yết sơn lăng Lam Kinh và ghé viếng mộ anh hùng dân tộc Bình Định Vương Lê Lợi.
Bởi biết đâu lại có người thông tỏ gốc tích cùng hậu duệ của người từng cúng tiến cây ổi bên mộ Ngài? Đành nhẽ là bóng chim tăm cá! Nhưng người viết bài này vẫn phập phồng biết đâu vẫn còn vẫn có sự may mắn nào đấy?