Nữ hoàng Anh, người nâng tầm giá trị thể thao

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nữ hoàng Anh Elizabeth II, trong 70 năm trị vì đã tạo nên một thời đại thể thao và tôn vinh các giá trị mà thể thao mang lại. Không ngạc nhiên khi bà qua đời ở tuổi 96, thế giới thể thao cùng tri ân người phụ nữ vĩ đại.

Các trận đấu thuộc vòng 7 Premier League diễn ra cuối tuần này sẽ bị hủy. Quyết định được ra đưa sau cuộc họp vào trưa thứ Sáu, ngày 9/9.

Mặc dù hướng dẫn của Chính phủ Anh nêu rõ, không nhất thiết phải hủy hoặc hoãn các sự kiện thể thao đã được lên kế hoạch vào thời gian quốc tang, song các CLB cảm thấy đây là điều nên làm nhằm tri ân Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Trước đó, các hoạt động thể thao diễn ra trong thứ Sáu đã bị hủy bỏ, bao gồm trận bóng đá ở Championship, trận cricket quyết định giữa Anh và Nam Phi, giải golf PGA Championship và ba chặng cuối giải đua xe đạp Tour of Britain.

Nữ hoàng Anh, người nâng tầm giá trị thể thao ảnh 1

Nữ hoàng Anh trao Cúp Jules Rimet tại World Cup 1966 cho đội trưởng ĐT Anh Bobby Moore. Ảnh: Getty Images

Nữ hoàng Anh xứng đáng nhận được sự kính trọng của cả thế giới thể thao. Không ai có thể quên khoảnh khắc Nữ hoàng rời điện Buckingham và lên trực thăng cùng Daniel Craig, người đóng vai James Bond, sau đó nhảy dù xuống Wembley trong lễ khai mạc Olympic 2012.

Người Mỹ nói rằng ngay cả Barck Obama cũng không dám làm điều đó, nhưng Nữ hoàng Anh, ở tuổi 86, đã làm. Sự hài hước, lòng dũng cảm của bà khiến tất cả phải ngưỡng mộ, trước khi bước vào kỳ Thế vận hội rực rỡ ở London. Như mới đây Jose Mourinho đã nói, “tôi không nghĩ có ai lại không mến phục người phụ nữ vĩ đại này”.

Trong 70 năm trị vì, Nữ hoàng Anh đã chứng kiến 67 trận chung kết Champions League, 70 trận chung kết Cúp FA, 20 kỳ Olympic và 17 World Cup.

Dĩ nhiên, người Anh cũng không bao giờ quên hình ảnh Nữ hoàng trong bộ trang phục màu vàng rồi trao chiếc Cúp Jules Rimet cho đội trưởng ĐT Anh Bobby Moore sau trận chung kết World Cup 1966.

Moore đã rất sợ bàn tay lấm lem bùn đất của mình sẽ làm bẩn chiếc găng tay trắng của Nữ hoàng, vì vậy cố lau sạch nó bằng mọi cách có thể trên đường tiến lên lễ đài. Nhưng ngay cả khi ông không làm điều đó, Nữ hoàng chắc chắn vẫn chìa tay ra và nở nụ cười với Moore. Bà biết các cầu thủ đã cống hiến như thế nào để có được vinh quang.

Và cũng chính vào giây phút ấy, bóng đá như được xức dầu để trở thành thứ tôn giáo tối thượng ở xứ sở sương mù. Nhận Cúp từ tay Nữ hoàng là một nghi lễ không thể thiếu (cho đến những năm cuối đời vì lý do sức khỏe), biến trận chung kết FA Cup hàng năm thành giấc mơ của mọi cầu thủ.

Vì vậy nhiều người đã ghen tỵ với Arsenal khi họ được mời đến điện Buckingham, diện kiến và dự tiệc trà với Nữ hoàng. Cho đến nhiều năm sau, Thiery Henry vẫn nói, “đó là trải nghiệm tuyệt vời mà không lời lẽ nào có thể diễn tả nổi”. Nếu như thời đại Victoria, thể thao còn trong giai đoạn phôi thai và phân chia giai cấp, thì trong thời đại Elizabeth II, nó được đưa lên tầm cao mới, nơi bất kỳ ai cũng được tôn vinh.

Vì những cống hiến trong bóng đá, Stanley Matthews, con trai một thợ cắt tóc, trở thành cầu thủ đầu tiên được Nữ hoàng phong tước Hiệp sỹ. Sau này Alex Ferguson, người xuất thân trong gia đình lao động ở Glasgow, Scotland hay Alf Ramsey, vốn con nhà làm nông, cũng nhận được vinh dự tương tự.

Không chỉ bóng đá, Nữ hoàng Anh còn phong tước cho tay đua F1 Lewis Hamilton sau khi anh cân bằng kỷ lục 7 lần vô địch của Michael Schumacher, Andy Murray, người 3 lần giành Grand Slam hay Clive Woodward, HLV bóng bầu dục huyền thoại đưa tuyển Anh đến chức vô địch World Cup 2003; đồng thời nêu cao nữ quyền với dòng chúc mừng các cô gái của ĐT nữ Anh vô địch Euro 2022, gọi họ là “tấm gương, nguồn cảm hứng cho phụ nữ hiện tại cũng như thế hệ tương lai”.

Nữ hoàng Anh là sợi chỉ vàng kết nối, tạo nên một thời đại thể thao và tôn vinh các giá trị mà thể thao mang lại.

MỚI - NÓNG