Người dân sống, mưu sinh trên sông Hậu đoạn qua huyện Kế Sách và huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) phản ánh, từ đầu tháng 4/2022 tới nay, tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo hoạt động đã gây sạt lở nghiêm trọng đê bao cồn, cuốn trôi nhiều ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân.
Người dân đã có kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra và có giải pháp khắc phục, hạn chế sạt lở do hoạt động của tàu cao tốc gây ra.
Trước phản ánh của người dân, Bộ GTVT khẳng định, việc duy trì hoạt động của tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo trong thời gian tới là rất cần thiết, để phát triển kinh tế, tạo điều kiện đi lại cho người dân, phát triển du lịch…
Theo Bộ GTVT, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, Bộ đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các địa phương tuyến tàu cao tốc hoạt động và doanh nghiệp khai thác kiểm tra, đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Qua kiểm tra, Cục Hàng hải cho biết, đã yêu cầu doanh nghiệp khai thác tàu cao tốc chủ động chạy thử qua khu vực Sóc Trăng với tốc độ và hướng tuyến khác nhau để đánh giá, hoàn thiện phương án khai thác, đảm bảo không ảnh hưởng tới người dân và đê bao cồn.
Tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo hoạt động trên sông Hậu. |
Doanh nghiệp khai thác tàu cao tốc trên cũng được yêu cầu phối hợp với địa phương cắm mốc quan trắc, theo dõi, thu thập số liệu phục vụ việc phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng để có giải pháp xử lý, khắc phục.
Bộ GTVT cũng cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Hàng hải giám sát hoạt động, khắc phục thiệt hại, xử lý nghiêm hoạt động của tàu vi phạm quy định gây sạt lở đê bao cồn, hư hỏng tải sản của bà con ngư dân.
Từ tháng 12/2019, tàu cao tốc tuyến Cần Thơ – Côn Đảo chính thức được đưa vào khai thác thương mại, thời gian di chuyển giữa 2 điểm xấp xỉ 4 tiếng đồng hồ. Hiện có 2 doanh nghiệp đang khai thác tàu cao tốc trên tuyến này, với mỗi ngày 2 chuyến chiều đi/về.