Nhà văn Bích Ngân: Nhà văn như thợ kim hoàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM có nhiều ý tưởng táo bạo trong việc xây dựng đội ngũ viết văn trẻ. Phóng viên Tiền Phong có cuộc phỏng vấn với nữ nhà văn về các hoạt động sôi nổi của Hội Nhà văn TPHCM hiện nay.
Nhà văn Bích Ngân: Nhà văn như thợ kim hoàn ảnh 1
Nhà văn Bích Ngân (phải) đại diện Hội Nhà văn TPHCM trao 100 triệu đồng quyên góp từ các nhà văn hỗ trợ lực lượng y tế ngay trong đại dịch COVID-19. Ảnh Tư liệu

Mọi người biết đến Bích Ngân là một nhà văn nữ đa năng, lại được đào tạo bài bản. Chị có thể cho biết cơ duyên nào đưa chị tới với nghiệp cầm bút?

Tôi được sinh ra ở Cà Mau vào năm 1960. Lúc đó chúng tôi ở vùng giải phóng, ba tôi đi kháng chiến lâu lâu về nhà thì “tòi”ra một đứa con. Mẹ tôi cũng tham gia kháng chiến. Công việc của ba tôi là làm văn nghệ, sáng tác kịch- bút danh Nguyễn Hải Tùng, nguyên Trưởng đoàn Văn công Khu Tây Nam bộ.

Gia đình tôi có bốn chị em nhưng một mình tôi theo văn chương. Công việc học hành của tôi gian truân. Ban đầu tôi theo học trường con em cán bộ trong chiến khu nhưng sau đó tôi phải ra vùng địch kiểm soát để học lên cao.

Sau năm 1975, tôi khởi nghiệp là một nhà báo, làm việc tại báo Minh Hải, xông pha chống tiêu cực. Tôi bắt đầu viết truyện ngắn, hồi đó không có máy chữ nên tôi toàn viết tay, gửi lên tờ Văn Nghệ TPHCM và các tờ báo khác. Sau đó, tôi ra học tại Trường Viết văn Nguyễn Du cùng nhiều bạn văn chương nổi tiếng và bước vào con đường văn chương chuyên nghiệp.

Chị yêu thích nhà văn nào nhất?

Tôi rất ngưỡng mộ Nam Cao. Văn chương của ông như từ trong vô thức đã ảnh hưởng đến bản thân tôi. Có lẽ một phần là do Nam Cao miêu tả nội tâm rất hay.

Theo chị thì những phẩm chất nào là cần thiết đối với một nhà văn?

Có một mẫu số chung: Người thành công là người cực kỳ đam mê, cực kỳ nhẫn nại, lao động như người thợ kim hoàn. Ngoài năng khiếu được nuôi dưỡng, bồi đắp thành tài năng, tài năng đó phải được chuẩn bị kỹ càng để có thể đi được đường dài. Có những tài năng không đi được đường dài.

Một nữ nhà văn đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM như chị chắc hẳn có nhiều thử thách?

Tôi là nữ nhà văn đầu tiên trong lịch sử 41 năm giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM (Khóa 2020-2025). Tôi mới làm hơn 1 năm thôi, công việc rất nhiều. Tôi thường tự động viên mình rằng ba tôi cũng là một nghệ sĩ nhưng vẫn làm quản lý tốt, vậy tại sao tôi không noi gương ba tôi để hoàn thành tốt công việc ở Hội Nhà văn TPHCM? Không việc gì là không làm được nếu chúng ta cố gắng và nhận được sự hỗ trợ của đồng nghiệp, bạn bè.

Nhiệm kỳ của chị bắt đầu cùng đại dịch COVID-19. Mọi hoạt động văn học nghệ thuật đều bị ảnh hưởng, nhưng có vẻ như chị lại tất bật hơn ngày thường?

Người dân thành phố trải qua những thời khắc sinh tử vô cùng khó khăn. Mỗi buổi sáng ra tôi lại mở facebook, điện thoại và thăm hỏi mọi người xem có ai bị COVID-19 hay không, và với vai trò Chủ tịch Hội Nhà văn, tôi nhận được nhiều tin tức các nhà văn phải nhập viện điều trị và một số không bao giờ trở về. Nhưng chính thời điểm gian khó đó, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức nhiều đợt quyên góp, ủng hộ vật chất lẫn tinh thần cho các bệnh viện dã chiến, giúp đỡ các nhà văn khó khăn. Chỉ trong 3 ngày kêu gọi, các nhà văn TPHCM đa số là nghèo nhưng đóng góp được 100 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình nạn nhân COVID-19 và các bệnh viện dã chiến.

Chúng tôi cũng tâm niệm, sứ mệnh của nhà văn là phải viết, chiến thắng bằng ngòi bút. Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức các cuộc thi sáng tác ngay trong đại dịch và hiện nay các tác phẩm dự thi được tuyển chọn in ấn, phát hành rộng rãi. Chúng tôi không đầu hàng nghịch cảnh mà đã biến nó thành động lực sáng tác.

“Chúng tôi cũng tâm niệm, sứ mệnh của nhà văn là phải viết, chiến thắng bằng ngòi bút. Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức các cuộc thi sáng tác ngay trong đại dịch và hiện nay các tác phẩm dự thi được tuyển chọn in ấn, phát hành rộng rãi. Chúng tôi không đầu hàng nghịch cảnh mà đã biến nó thành động lực sáng tác”.

Nhà văn Bích Ngân

Thời kỳ “Hậu COVID-19”, các nhà văn TPHCM đang làm gì?

Cá nhân tôi cùng với lãnh đạo và anh chị em sáng tác tại TPHCM muốn tạo ra một sinh khí mới cho văn chương nơi này. Trọng tâm của chúng tôi là xây dựng một đội ngũ viết trẻ trung, mới mẻ, giàu sức hút với độc giả.

Chúng tôi đã tổ chức in ấn một cuốn sách “bếp núc” văn chương là cuốn “Nhà văn nói về nghề”, tập hợp các bài viết và phát biểu của các nhà văn về công việc viết lách. Có lẽ Hội Nhà văn TPHCM là nơi đầu tiên in ấn một công trình như vậy. Mục đích của chúng tôi là giúp người đọc hiểu hơn về quá trình sáng tạo của nhà văn, giúp các nhà văn kinh nghiệm sáng tác, giúp nhà trường có tư liệu giảng dạy văn chương.

Chúng tôi cũng ra mắt trang Web của Hội Nhà văn TPHCM. Đây là lần đầu tiên một trang thông tin điện tử về văn chương tại TPHCM được nhà nước cấp ngân sách hoạt động. Các nhiệm kỳ trước, toàn là anh em trong hội tự bỏ tiền túi ra duy trì. Hàng triệu lượt truy cập đọc các tác phẩm. Chúng tôi cũng hoàn thành thư viện điện tử với hàng trăm chân dung tác giả văn học Việt Nam.

Nhà văn Bích Ngân: Nhà văn như thợ kim hoàn ảnh 2
Nhà văn đa năng Bích Ngân

TPHCM đã một thời là “đất hứa” của các nhà văn như Nguyễn Khải, Nguyễn Mạnh Tuấn, Chế Lan Viên… nơi nhiều nhà xuất bản sẵn sàng in ấn các tác phẩm mới mẻ và nhiều nhà văn trong cả nước tìm về làm việc. Phải chăng đang có sự chấn hưng văn học TPHCM vào thời điểm này?

Nói “chấn hưng văn học” là điều quá to tát, nhưng chúng tôi đang cố gắng vừa xây dựng nền móng vững chắc vừa trẻ hóa đội ngũ sáng tác. Hội Nhà văn TPHCM đang tổ chức 3 cuộc thi văn chương: “Những hy sinh thầm lặng”, “Thi Truyện ngắn hay” (có lẽ hơn 30 năm rồi mới tổ chức cuộc thi truyện ngắn hay) và cuộc thi “Bút ký đền ơn đáp nghĩa”.

Lần đầu tiên, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức được Hội đồng văn học dịch với mục tiêu cố gắng đưa tác phẩm ra nước ngoài.

Chúng tôi tổ chức các trại sáng tác, gần đây nhất là các nhà văn TPHCM ra Phú Yên sáng tác để tập hợp tác phẩm in thành cuốn sách “Đất trời Phú Yên” (Nxb Văn học). Cuốn sách được địa phương đánh giá rất cao. Sắp tới, chúng tôi còn nhiều dự án văn học hấp dẫn khác.

Với tư cách cá nhân, chị có những dự định sáng tác gì tới đây?

Tôi thích sáng tác kịch bản văn học từ thời còn là sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du. Một số kịch bản của tôi đã được dàn dựng biểu diễn và đạt giải thưởng cao. Tôi đang có cảm hứng sử thi và muốn đưa các nhân vật lịch sử có thật vào trong các vở kịch của mình.

Cám ơn nhà văn đã trả lời phỏng vấn!

MỚI - NÓNG