Bao giờ COVID là bệnh thông thường?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu (bệnh thông thường).

Về vấn đề này một số ý kiến chuyên gia cho rằng hiện nay tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam đạt cao, số bệnh nhân nặng và tử vong giảm nên có thể nhìn nhận COVID-19 như bệnh đặc hữu, tức bệnh truyền nhiễm thông thường.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng: “Đến thời điểm này cần coi COVID-19 là bệnh lí chuyên khoa và cần xử lí như các bệnh lí chuyên khoa khác. Việc này tương tự như khi bạn bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lí khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả”

“Theo tôi hiện chưa thể xem dịch bệnh COVID-19 là cúm mùa, vì ngay cả Trung Quốc cũng chưa dám xem như vậy dù họ đã tiêm vắc xin, dịch vẫn còn mạnh. Trong khi đó nguồn lực y tế của chúng ta còn hạn chế, nếu chủ quan không kiểm soát dịch sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều người tử vong” PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM

Tại tọa đàm “Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế” tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết thêm, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện nay, các bác sĩ đi làm hằng ngày như bình thường và không mặc đồ bảo hộ quá mức như trước đây nữa vì không còn đủ tiền để mua trang thiết bị. Một bộ bảo hộ lên đến 500.000-600.000 đồng. “Chúng tôi mặc đồ bảo hộ thông thường và cho anh em giữ, kiểm tra sức khỏe định kì để làm sao bảo đảm sự lây nhiễm chéo ít nhất. Đấy là những cách chúng tôi làm để dần dần biến COVID trở thành bệnh lí chuyên khoa”, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông tin.

Bao giờ COVID là bệnh thông thường? ảnh 1

Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng đại dịch COVID-19 hiện vẫn còn khó đánh giá, quy luật của virus này lại khá đặc biệt và vẫn có các biến thể mới. Tuy nhiên, với tiến độ phủ vắc xin như hiện nay của Việt Nam, virus gây dịch COVID-19 có thể sẽ không hoàn toàn bị xóa sổ mà trở thành mầm bệnh đặc hữu như cúm mùa - là bệnh thông thường, như một bệnh chuyên khoa truyền nhiễm khác, khi đủ điều kiện chuyển dịch sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

“Cơ bản hiện nay, người dân có thể tự test và tự theo dõi sức khỏe. Người bệnh chỉ cần nhập viện khi triệu chứng trở nặng và nguy hiểm. Số ca mắc trong cộng đồng có thể rất cao và con số công bố chính thức chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Do vậy, chúng ta xác định sống chung với dịch và tập trung chăm sóc y tế cho những người bệnh có triệu chứng hoặc diễn biến nặng. Dần dần chúng ta coi COVID-19 như bệnh đặc hữu, như cúm, sởi…”, PGS.TS Huy Nga nói.

Miễn dịch cộng đồng chưa cao

Một chuyên gia dịch tễ cho rằng chưa thể chắc chắn việc kiểm soát đã thật sự ổn định về tỉ lệ mắc mới. Nguyên tắc muốn đưa về bệnh thông thường, lưu hành hằng năm thì phải ổn định về số ca mắc nhưng ca mắc COVID-19 hiện vẫn tăng nhanh và rất thất thường, khó đoán. Theo chuyên gia này, miễn dịch cộng đồng trong nước ở thời điểm này chưa thể đạt vì miễn dịch cộng đồng gồm miễn dịch mắc phải và miễn dịch do tiêm chủng. “Nếu so sánh với các nước Tây Âu có quan điểm coi COVID-19 như bệnh đặc hữu sẽ thấy, dù Việt Nam tỉ lệ tiêm chủng tốt nhưng vẫn chưa cao bằng họ. Hơn nữa, các quốc gia này ngoài việc tiêm chủng, họ đã trải qua 3-4 đợt dịch COVID-19 lớn, như vậy tỉ lệ dân số mắc cũng đã rất cao. Trong khi ở Việt Nam tỉ lệ này còn thấp, nghĩa là miễn dịch cộng đồng chưa cao”, chuyên gia cho hay.

Về vấn đề này PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta. Một số quốc gia có nền y học tiên tiến, tỉ lệ tiêm vắc xin cao, số người mắc đã lên đến 30-40% dân số khi trải qua vài làn sóng dịch cộng với nguồn lực y tế tốt nên họ không còn lo lắng nhiều nữa, như Anh, Thụy Điển, Mỹ… Tại TPHCM, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, tình hình tạm ổn vì tỉ lệ tiêm vắc xin cao, số người mắc bệnh trong đợt dịch vừa qua khá nhiều nhưng còn hạn chế về trang thiết bị, cơ sở y tế nên cũng không nên chủ quan. Với nhiều địa phương tỉ lệ mắc chưa cao cần cẩn thận với biến chủng Omicron vì nếu chủ quan dịch sẽ bùng phát mạnh, dẫn tới tăng số ca nặng, tử vong vì quá tải y tế.

MỚI - NÓNG