Theo công bố mới nhất, 8 quận có cấp độ dịch ở cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao) là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Tổng số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 37.522, trong đó số cộng đồng 13.539 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 23.983 ca.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) có 48 bệnh nhân COVID-19 tử vong trong số 1.200 F0 điều trị tại đây. Đáng chú ý, 100% bệnh nhân COVID-19 tử vong ở bệnh viện này đều có bệnh lý nền; 96% chưa tiêm vắc xin và 82% ở độ tuổi trên 70. Thông tin được lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn báo cáo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Cao Hưng Thái trong cuộc kiểm tra mới đây.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thái Hà |
Trong hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19 nhập viện Thanh Nhàn, có 946 người đã ra viện, 89 ca phải chuyển viện. Bệnh viện Thanh Nhàn được Sở Y tế Hà Nội phân công điều trị F0 thuộc tầng 3. Khu điều trị cách ly được phân làm 3 khu riêng biệt: khu dành riêng cho người bệnh nặng nguy kịch 250 giường; khu cho người bệnh trung bình hoặc có bệnh lý nền nặng (50 giường bệnh); khu cho người bệnh nghi nhiễm theo đề án xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực vùng.
Bệnh viện cũng đã chuẩn bị hệ thống ô xy cho 250 giường ICU; các loại máy thở; xây dựng danh mục thuốc và dự trù số lượng thuốc phục vụ công tác điều trị. Bệnh viện còn phụ trách 7 bệnh viện tầng 2; 7 Trung tâm y tế, chỉ đạo công tác chuyên môn, kiểm tra, giám sát, điều tiết bệnh nhân trong công tác chuyển tuyến…
Kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và xét nghiệm SARS-CoV-2, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại Bệnh viện Gia Lâm, Phó Cục trưởng Cao Hưng Thái đề nghị Bệnh viện Gia Lâm tiếp tục thực hiện các giải pháp chống dịch, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn sinh học phòng xét nghiệm; bố trí nhân lực hợp lý đảm bảo công tác chống dịch lâu dài, tính toán đảm bảo nguồn cung cấp ô xy… Bệnh viện thực hiện kết nối khám chữa bệnh từ xa đối với các bệnh viện tuyến trên; thực hiện đặt lịch khám, triển khai quản lý theo dõi bệnh nhân mạn tính…
Đây là bệnh viện được giao điều trị F0 thuộc tầng 2 với quy mô 500 giường bệnh. Từ ngày 23/7 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 891 F0, trong đó chỉ có 1 trường hợp tử vong, hơn 60 bệnh nhân được phát hiện tăng nặng chuyển tầng và được vận chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị an toàn.
Đang vận hành với phương thức bệnh viện tách đôi, Bệnh viện Gia Lâm vừa thu dung điều trị 150 F0 vừa khám chữa bệnh thông thường. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tham gia công tác quản lý y tế tại khu cách ly Tứ Hiệp - Thanh Trì và Khu cách ly Học viện Nông nghiệp - Gia Lâm với trên 5.000 người có nguy cơ được theo dõi và phát hiện kịp thời diễn biến bệnh và vận chuyển đến nơi thu dung điều trị an toàn.
Bác sĩ Trần Bùi Quang Dương, Giám đốc Bệnh viện Gia Lâm cho biết, bệnh viện bám sát hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, do đó trong 2 tháng qua không có tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, phải chuyển lên tầng 3.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết 2 bệnh viện này còn gặp nhiều khó khăn trong trang thiết bị, kinh phí đầu tư cho Trung tâm hồi sức tích cực vùng; việc thanh quyết toán điều trị cho người bệnh mắc COVID-19…
Đoàn Công tác đề nghị Bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo trang thiết bị, phương tiện phòng hộ, nhân lực cho khu điều trị hồi sức tích cực; phân tích chuyên sâu các ca tử vong để tìm ra các giải pháp giảm thiểu tử vong. Bệnh viện đảm bảo thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực theo định hướng của Bộ Y tế để bảo đảm cho điều trị tuyến cuối của thành phố.
“Mục tiêu cuối cùng của các biện pháp là giảm bệnh nhân nặng, giảm tử vong, do đó các bệnh viện tiếp tục cùng hỗ trợ lẫn nhau trong công tác chống dịch để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ nhân dân”, TS. Cao Hưng Thái nói.