Tranh chấp đất đai, trường học bị quấy rối

Sân của Trường Tiểu học An Phú Tân B được trồng đầy chuối khiến học sinh không có nơi vui chơi
Sân của Trường Tiểu học An Phú Tân B được trồng đầy chuối khiến học sinh không có nơi vui chơi
TP - Gần hai năm qua, Trường Tiểu học An Phú Tân B, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh liên tục bị một hộ dân quấy phá, tạo sức ép để địa phương sớm giải quyết vấn đề đất đai. 

Có trường nhưng phải đi khai giảng nhờ địa điểm

Theo phản ánh của phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học An Phú Tân B (gồm 7 lớp với hơn 100 học sinh), thời gian gần đây các em học sinh phải nghỉ học vì bị bà Võ Thị Thu Ba (59 tuổi, ấp An Trại, xã An Phú Tân) cùng con trai rải thuốc trừ sâu, tạt nhớt, vứt vỏ chai vỡ hoặc vứt trứng thối vào khu vực phòng học và sân trường.

Đợt khai giảng năm nay, trường không thể tổ chức lễ khai giảng mà phải đến điểm phụ khác để làm lễ. Nguyên nhân là đợt nghỉ hè vừa rồi bà Thu Ba cùng con trai trồng hàng trăm cây chuối khắp sân trường” - một phụ huynh bức xúc nói.

Giáo viên của trường cho biết, nhà trường không thể tổ chức sinh hoạt dưới cờ hay dạy các môn thể dục cho học sinh vì sân trường không còn chỗ, giờ ra chơi các em cũng không có không gian vì sân trường đầy cây chuối và không còn bóng mát.

“Đỉnh điểm là một năm trước, ngôi trường này bị “khủng bố” với tần suất 1 tuần 1 lần. Những lần như thế, các giáo viên trong trường dọn dẹp sạch sẽ rồi mới tiếp tục dạy học. Thậm chí, mới đây cổng trường còn bị bà Ba khóa lại. Chúng tôi phải gọi công an xuống lập biên bản và phá ổ khóa” - một giáo viên phản ánh.

Ông Đoàn Văn Vẹn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phú Tân B bức xúc: “Bà Thu Ba từng đổ keo dán sắt vào ổ khóa của các phòng học, công an huyện phải tới lập biên bản rồi cắt ổ khóa.

Cuối năm 2018, trường bị đổ thuốc trừ sâu, phải cho học sinh nghỉ học 1 tuần để dọn dẹp và cho mùi thuốc bay đi hết và vừa qua trường phải rất vất vả để có thể giảng dạy cho học sinh. Tôi mong cơ quan chức năng sớm giải quyết việc này để thầy trò có thể yên tâm đến trường”.

Quấy rối để gây sức ép?

Trình bày với phóng viên, bà Võ Thị Thu Ba (người được cho là trực tiếp gây ra những vụ “khủng bố” trên) thừa nhận những hành động của mình là không đúng và cho biết đầu tháng 9 vừa qua đã có cam kết với ngành chức năng là sẽ không tái diễn.

“Tôi chỉ muốn dùng những cách đó để huyện giải quyết việc đất đai cho tôi” - bà Ba nói.

Theo bà Ba, năm 1987, vợ chồng bà có mua một mảnh vườn hơn 6.000m2 rồi trồng các loại trái cây ăn trái. Năm 2011, bà bất ngờ thấy có người tới cưa cây, dọn vườn, bà mới được biết đất của mình đã bị nhà nước thu hồi hơn 4.800m2 để xây trường tiểu học.

Khi hỏi, địa phương mới đưa ra Quyết định thu hồi đất. Sau đó, bà biết chồng của bà (ông Nguyễn Thành Tân) là người đứng tên sở hữu đất đã đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng để vay tiền trước đó mà bà không hay. Sau khi không có khả năng trả nợ, ông Tân mới bán phần đất trên cho nhà nước để lấy tiền trang trải.

Bà Thu Ba đặt vấn đề, tại sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bị chồng đem thế chấp ngân hàng nhưng huyện vẫn ra quyết định thu hồi đất? Phần đất của vợ chồng bà đang canh tác ổn định hàng chục năm qua không hề nằm trong diện quy hoạch để làm bất cứ dự án nào.

Vậy tại sao nhà nước lại thu hồi? “Chồng tôi làm ăn gì tôi không biết, nhưng đất là tài sản chung của hai vợ chồng. Ông nhận tiền bán đất hơn cả tỷ đồng mà vợ con không hề hay biết vậy là đúng hay sai?” - bà Ba bức xúc.

Cho rằng UBND huyện thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường không đúng quy định, gần chục năm trước, bà Ba đã có khiếu nại và được hứa hẹn sẽ giải quyết. Sau nhiều lần khiếu nại không có kết quả, khoảng 2 năm nay bà và con trai mới có những hành vi “khủng bố” trường học để tạo sức ép lên UBND huyện.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Út Em - Phó chánh Văn phòng Cấp ủy - HĐND - UBND huyện Cầu Kè cho biết, chồng bà Ba trước là Chủ tịch xã An Phú Tân, sau đó là Phó trưởng Phòng Nông nghiệp của huyện rồi Chủ tịch Hội Nông dân huyện và hiện giờ là nhân viên của Phòng Nông nghiệp.

Trong những lần làm việc, chỉ có ông Tân ký vào các văn bản, tiền bồi hoàn cũng đã trả cho ông Tân, ông ấy cũng thừa nhận không đưa tiền về cho vợ con. “Huyện đã làm việc trực tiếp nhiều lần với bà Ba và đã chỉ đạo thanh tra huyện thanh tra toàn diện vụ việc, nay mai sẽ có kết luận thanh tra” - ông Em nói.

MỚI - NÓNG