Phục dựng mô hình con tàu đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

TPO - Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, trong thời gian tới, Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM) phục dựng mô hình tàu Amiral La Touche De Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Văn Ba) ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911.

Ngày 11/10, phát biểu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 45 năm thành lập (1979-2024), ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cho biết trong thời gian tới, Sở phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM) xây dựng dự án mở rộng không gian hoạt động tại bảo tàng. Trong đó, bảo tàng sẽ phục dựng con tàu Amiral La Touche De Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Văn Ba) ra đi tìm đường cứu nước.

Phục dựng mô hình con tàu đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ảnh 1
Hình ảnh con tàu Amiral La Touche De Tréville.

Theo ông Thuận, dự án mở rộng không gian hoạt động tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM) được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó ở giai đoạn 1 là công việc cải tạo cảnh quan, xây dựng không gian hiện hữu, phục dựng tàu Amiral La Touche De Tréville theo tỷ lệ 1:1. Đặc biệt căn bếp nơi làm việc của Bác trên tàu được phục dựng theo đúng theo nguyên bản.

Giai đoạn 2, dự án tiếp tục mở rộng diện tích với việc thiết kế và mở rộng không gian trưng bày với những hiện vật gắn với cuộc đời làm cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phục dựng mô hình con tàu đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ảnh 2
Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TPHCM) là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TPHCM) nằm trong hệ thống các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Bảo tàng được đặt trong ngôi nhà cổ (từng là trụ sở của hãng vận tải Messageries Maritimes tại Sài Gòn trước đây) trên Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước năm xưa.

Đây cũng là nơi nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt bảo tàng hiện còn có nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, những tình cảm sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân miền Nam và tình cảm kính yêu của nhân dân miền Nam với Bác Hồ.

Phục dựng mô hình con tàu đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ảnh 3
Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM).

Được chính thức mở cửa từ 1985, Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM) đã trở thành trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng, điểm hẹn thân thiết của người dân và du khách quốc tế tại TPHCM.

Hàng năm bảo tàng đã đón hàng triệu lượt khách. Ngoài ra, bảo tàng cũng là nơi tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, xuất bản các ấn phẩm, chiếu phim tư liệu, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiều trường học, tổ chức đoàn thể cũng chọn Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM) để tổ chức các hoạt động phong trào sinh hoạt truyền thống như cuộc họp mặt, học tập, vui chơi, kết nạp Đảng, Đoàn, Đội... Nơi đây cũng thường chọn để tổ chức kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước và thành phố, tổ chức các chương trình Văn hóa - Nghệ thuật mang ý nghĩa chính trị to lớn.

Con tàu Amiral La Touche De Tréville (Còn được gọi là tàu Đô đốc Latouche-Tréville) được đóng mới vào năm 1903 và hạ thủy năm 1904 tại Nantes (Pháp), tàu trực thuộc công ty Vận tải đường biển Chargeurs Réunis (Pháp) và hoạt động vận tải trên khắp thế giới.

Ngày 2/6/1911 tàu đã đến cảng Nhà Rồng, ngày 3/6/1911 đã có người thanh niên tên Văn Ba đến xin làm phụ bếp trên tàu và được nhận việc. Ngày 5/6/1911 con tàu Amiral La Touche De Tréville đã rời Việt Nam, đưa theo người thanh niên đó đi khắp thế giới để tìm con đường cứu nước.

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
TP - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu từng đánh giá Đà Nẵng là địa phương điển hình của đổi mới sáng tạo, luôn tìm cách để du khách trải nghiệm, thụ hưởng cảnh quan, đắm chìm trong các sự kiện, lễ hội nhiều nhất. Thành phố bước vào mùa mưa lạnh cuối năm với thời tiết nhiều bất lợi nhưng vẫn không “ngủ vùi trong chăn” mà liên tục tung ra sản phẩm, thổi luồng khí ấm cho du lịch Đà Nẵng.