Đổi màu hoa theo ý muốn
“Bốn ngày nữa sẽ có điều ngạc nhiên thú vị dành cho em!” - lời hẹn của người bạn lớn tuổi Nguyễn Công Hóa (SN 1953) khiến tôi tò mò, nhấp nhổm không yên bởi anh nổi tiếng là phù thủy lắm phép màu. Vì háo hức, tôi đã đến nhà anh sớm hơn hàng tiếng đồng hồ so với giờ hẹn và không khỏi ngỡ ngàng trước những đóa hoa tuyệt đẹp với nhiều màu lạ chưa từng thấy được đặt trên bàn sa lông. “Không thể tin được!” - tôi thảng thốt kêu lên khi phát hiện hai đóa hồng đen tuyền đầy bí ẩn trong bình pha lê. Quên phép lịch sự, tôi đẩy cửa bước vào và say sưa chụp những đóa hồng vốn chỉ có trong truyền thuyết.
Bắt quả tang kẻ xâm nhập tư gia bất hợp pháp, anh Hóa vờ nhấc máy gọi công an rồi hào hứng hỏi cảm tưởng của tôi về bình hoa lạ. “Tuyệt lắm! anh trồng được cả hoa hồng đen kia à?” - tôi hỏi.
“Thế giới chưa ai trồng được thì anh làm gì có cái tài đó, nhưng anh đã nghiên cứu biến đổi màu hoa ngay trên cành để mỗi cánh hoa mỏng manh được phối trộn hài hòa với vài ba màu khác nhau hoặc mang những đường viền mềm mại, duyên dáng như tranh vẽ. Nhờ vậy, hoa hồng Đà Lạt với vài chục sắc màu truyền thống có thể biến đổi thành cả ngàn màu sắc khác nhau, đặc biệt là những màu lạ như đen, xanh, tím, socola… Hoa đổi màu của anh 10 ngày mới tàn, nghĩa là tươi lâu hơn hoa bình thường tới 2 - 3 ngày”- anh nói.
Đến thăm vườn hồng nở hoa suốt bốn mùa của anh Hóa, bạn có thể chọn và đánh dấu những cành hoa có kiểu dáng ưng ý nhất, sau đó nói tên màu hoa mà bạn thích. Bốn ngày sau bạn sẽ có những cành hoa tươi với sắc màu độc đáo, lạ lẫm đúng như mơ ước để làm đẹp không gian sinh hoạt của mình hoặc tặng bạn bè, người thân. Vì nụ, cành, lá và đài hoa vẫn xanh thắm đầy sức sống, hương hoa thoang thoảng dịu dàng, cánh hoa mềm mại, đường viền và gân hoa nổi rõ, sắc sảo như hoa trong tự nhiên nên nếu không nói ra sẽ chẳng ai biết đây là hoa đổi màu.
Cha đẻ của loại hoa mới lạ ở Việt Nam cho biết: Ngày đầu tiên phải phá vỡ cấu trúc, làm mất màu thật của đóa hoa đang căng tràn nhựa sống trên cành. Ngày thứ hai, bơm hóa chất vào hoa nhưng cành vẫn tươi nhờ nhựa sống vốn có trong cây.
Ngày thứ ba, cắt cành hoa đưa vào phòng thí nghiệm để bơm thêm hóa chất nhuộm màu vào. Ngày thứ tư, cho hoa vào phòng lạnh với nhiệt độ thích hợp trong khoảng thời gian nhất định để ổn định sắc tố, màu hoa lan tỏa đều khắp các cánh hoa và sẽ dần rực lên sống động, tự nhiên.
“Một lần tình cờ nhìn thấy trên internet đóa hoa hồng mang 7 sắc màu sặc sỡ trên mỗi cánh hoa của nhà nghiên cứu người Nhật, anh hết sức ngạc nhiên và thích thú dẫu đóa hoa đó trông hơi bị rối. Ngay lập tức anh muốn tìm cách biến đổi màu của hoa hồng Đà Lạt; điều quan trọng là tạo ra những sắc hoa lạ lẫm nhưng thật nền nã, hài hòa. Sau hơn một năm nghiên cứu với lượng hóa chất khá lớn, đắt đỏ nhập từ Nhật và làm hư hại vô số cành hoa, anh mới hoàn thiện được qui trình biến đổi sắc hoa theo ý muốn” - anh Hóa nói.
Hai kỷ lục Việt Nam về hoa ướp
Năm 2004, anh Hóa được bạn bè sống ở Nhật cho biết nước này đã sử dụng công nghệ ướp để giữ hoa đẹp và bền trong nhiều năm, giá trị kinh tế rất cao. Mặc dù chỉ học lớp 12, không có chuyên môn gì về sinh học nhưng anh Hóa vẫn say mê tìm hiểu thông tin trên internet, sách báo rồi mạo hiểm cầm cố đất đai vay hàng trăm triệu đồng lập phòng thí nghiệm, mua những hóa chất của Nhật về mày mò nghiên cứu. Anh thường thức tới 2 - 3 giờ sáng để đánh vật với những trang tài liệu, những mẫu hóa chất làm khô, tạo màu, ủ hương…
Nghệ nhân Nguyễn Công Hóa ở làng hoa Vạn Thành. |
Đến giữa năm 2006, ngỡ đã làm chủ được công nghệ, anh Hóa vay thêm của bạn bè 50 triệu đồng để ướp 3.000 cái hoa. Nào ngờ, hoa ướp chưa đến độ chín nên chỉ một tháng sau toàn bộ sản phẩm bị hỏng. Nợ chồng lên nợ, có nguy cơ mất nhà, mất đất; tóc rụng nhiều đến hói đầu, vóc dáng tiều tụy; vợ chồng mâu thuẫn đến mức suýt bỏ nhau. Bị nhiều người cho là gàn dở nhưng anh vẫn không bỏ cuộc và đến cuối năm đó sản phẩm hoa hồng ướp của anh được hoàn thiện, xuất sang các nước Nhật, Anh, Hàn Quốc… với giá từ 2 - 2,5 USD/hoa.
Hồi tưởng về những ngày tháng gian truân đó anh nói: Sống tại làng hoa mình thấm thía nỗi khổ của nông dân khi bị thương lái ép giá. Nhiều khi chỉ bán được 300 - 400 đồng/hoa, không đủ bù tiền phân tro, công chăm sóc. Hoa thì đẹp nhưng chóng tàn nên mình muốn tìm cách lưu giữ lâu dài khoảnh khắc đẹp nhất của một đời hoa; đồng thời thay đổi số phận người làm trồng hoa. Cũng nhờ trải qua hàng chục năm luyện võ (anh là võ sư hồng đai lục đẳng Vovinam từng đoạt nhiều huy chương trong và ngoài nước - PV) nên mình đã tôi luyện được ý chí kiên cường và sự bền bỉ, dẻo dai, không đầu hàng nghịch cảnh.
Năm 2009, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam tiến hành thẩm định và xác lập kỷ lục Người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật ướp hoa tươi cho nghệ nhân Nguyễn Công Hóa. Thời gian ướp hoa kéo dài tới 12 ngày và qua nhiều công đoạn phức tạp nhưng bù lại hoa có độ bền 5 - 6 năm; nếu sử dụng để ghép tranh rồi lồng kính thì có thể bền màu hơn 10 năm và điều đặc biệt là hoa luôn giữ được nét tươi tắn, tự nhiên như vừa hái ngoài vườn. Không chỉ hoa hồng, anh còn ướp thành công 16 loài hoa khác (mỗi loài theo công thức khác nhau) bao gồm hoa sứ, địa lan, bibi, cẩm tú cầu, cúc ngàn sao… cùng các loại lá, quả để làm phụ kiện cho các lẵng hoa, tranh hoa nghệ thuật.
1.000 đóa hoa ướp của nghệ nhân này đã được dùng để trang trí bức tranh sơn dầu khổ lớn (dài 2,4, cao 1,75cm) nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là bức tranh hoa tươi ướp lớn nhất với số lượng hoa nhiều nhất. Hoa tươi ướp cũng là chất liệu chính để anh Hóa cùng các cộng sự sáng tác hàng trăm bức tranh độc đáo được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, mỗi tác phẩm giá từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng.
Đam mê tìm kiếm sắc màu mới cho hoa tươi ướp, năm 2011 anh Hóa có thêm bước đột phá khi tạo ra những đóa hoa ướp có 2 màu phối trộn với nhau hết sức hài hòa, lạ mắt khiến hoa càng tươi thắm, có hồn hơn. Vì kỹ thuật ướp hoa 2 màu rất khó, ngay cả ở những nước có công nghệ tiên tiến cũng không mấy ai làm được nên đối tác Nhật Bản đã đặt hàng anh Hóa với số lượng không hạn chế.
“Tổng đạo diễn Festiaval hoa Đà Lạt lần thứ 4 Nguyễn Vũ Hoàng cho biết đã đề nghị nghệ nhân Hóa làm số lượng lớn loài hoa hồng đen mới lạ, độc đáo này để tặng khách mời tại Festival hoa Đà Lạt 2012". |