Phú Quốc: Hết thời 'điện đóm phập phù'

Phú Quốc: Hết thời 'điện đóm phập phù'
TP - Người dân Phú Quốc đang sống trong niềm hân hoan lớn khi tuyến cáp điện ngầm xuyên biển đưa điện lưới quốc gia ra đảo đang gấp rút hoàn thành. Vậy là ước mơ bao đời của cư dân đảo ngọc sắp thành hiện thực.

> Áp dụng công nghệ rải và chôn cáp đồng thời
> Đảo ngọc Phú Quốc chờ đón điện quốc gia xuyên biển

Tàu chuyên dụng của nhà thầu Prysmian Powerlink SRL đang thi công rải cáp ngầm
Tàu chuyên dụng của nhà thầu Prysmian Powerlink SRL đang thi công rải cáp ngầm.

Dự án cáp điện ngầm xuyên biển 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) làm chủ đầu tư là tuyến cáp điện ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á với chiều dài 58.400m, tổng vốn đầu tư gần 2.336 tỉ đồng.

Giải cơn khát điện

Từ năm 2002 đến nay, EVN SPC đã đầu tư 226,8 tỉ đồng để cấp điện cho đảo Phú Quốc bằng nguồn điện phát từ máy dầu diesel. Tuy nhiên, giá dầu cao, khả năng cung cấp điện hạn chế, chi phí sửa chữa, bảo trì lớn… nên giá điện bán trên đảo lên tới 5.060 đồng/kWh, giá điện sản xuất kinh doanh, dịch vụ là 7.992 đồng/kWh (chưa tính VAT). Thậm chí ở hai xã Gành Dầu và Bãi Thơm, người dân phải mua điện bán lại của người khác với giá 20.000- 25.000đồng/kWh.

Chính vì vậy, Dự án cáp điện ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc được người dân Phú Quốc mong đợi và kỳ vọng sẽ giúp họ có được nguồn điện sử dụng ổn định như đất liền với mức chi phí cũng tương đương.

Phát biểu tại lễ khởi công phần kéo cáp ngầm của dự án hôm 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định: “Khi dự án hoàn thành, người dân trên đảo Phú Quốc sẽ không phải trả tiền điện với mức giá trên 5.000 đồng/kWh như hiện nay mà giá điện ở đây sẽ giảm xuống ngang bằng với đất liền vào khoảng 1.500 đồng/kWh”.

Đây thực sự là niềm vui lớn với người dân đảo ngọc và tình trạng “điện đóm phập phù” tồn tại bao năm qua tới đây sẽ không còn. Không chỉ vậy, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, dự án cáp điện ngầm đưa điện ra Phú Quốc còn giúp ngành điện bớt đi một khoản bù lỗ khổng lồ, ước khoảng 200 - 300 tỉ đồng mỗi năm, cho việc cấp điện bằng máy dầu diesel ở Phú Quốc.

Cú hích quan trọng

Theo EVN SPC, các đơn vị thi công đã hoàn thành 100% các hạng mục trên bờ phía Hà Tiên và đảo Phú Quốc để sẵn sàng khi đấu nối hai bên đầu cáp ngầm, đưa hệ thống điện ở Phú Quốc hòa vào lưới điện quốc gia.

Hiện tại phần rải cáp ngầm được được nhà thầu Prysmian Powerlink SRL (Italia) thực hiện rất khẩn trương. Theo cam kết của nhà thầu này, công việc rải cáp dưới đáy biển và lắp đặt đấu nối sẽ hoàn thành vào ngày 13/1/2014.

Về kỹ thuật rải cáp điện ngầm dưới đáy biển được nhà thầu Prysmian Powerlink SRL thực hiện bằng phương pháp rải và chôn cáp đồng thời. Độ sâu chôn cáp bình quân là 1,5m so mặt đáy biển. Quá trình thực hiện rải và chôn cáp được thực hiện hoàn toàn tự động tuân thủ chế độ giám sát, kiểm soát, điều khiển nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Thành Duy, Tổng giám đốc EVN SPC cho biết: “Dự kiến việc triển khai thi công Dự án sẽ hoàn thành sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp điện ổn định cho Phú Quốc trong bối cảnh nhu cầu tăng rất cao mà nguồn phát diesel không đáp ứng được”. Ngoài ra, dự án cũng sẽ cấp điện mới cho cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới và nhiều khu vực khác chưa có điện như xã Gành Dầu, Bãi Thơm...

Ông Lê Văn Thi - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói rằng, Dự án cáp ngầm 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc không những cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho Phú Quốc mà còn góp phần cải thiện môi trường, nâng cao sức cạnh tranh cho huyện đảo này.

“Chắc chắn dự án này sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ du lịch… những lĩnh vực mà Phú Quốc đang có lợi thế lớn và nhu cầu sử dụng điện nhiều. Dự án cũng là tiền đề quan trọng để Phú Quốc sớm trở thành một đặc khu kinh tế quan trọng và là khu du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước”- ông Thi khẳng định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG