Phu nhân Tri phủ cuối cùng phủ Tương Dương

Căn nhà sàn cổ, từng là nơi sinh sống của Tri phủ Tương Dương
Căn nhà sàn cổ, từng là nơi sinh sống của Tri phủ Tương Dương
TP - Thiếu nữ miền sơn cước nghèo khổ trở thành phu nhân của Tri Phủ Tương Dương trong một cuộc đua nhan sắc, cuối cùng trở lại làm thường dân. Năm nay tròn 101 tuổi, cụ Lữ Thị Quyết sống quãng đời bình dị, lặng lẽ tại miền rừng Đôn Phục, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Bước qua hủ tục “Môn đăng hộ đối”

Căn nhà sàn nép mình trên sườn đồi ở bản Phục (xã Đôn Phục), nơi cụ Lữ Thị Quyết, phu nhân của Tri phủ cuối cùng phủ Tương Dương và con trai đang tá túc, là căn nhà cổ trăm tuổi, có từ thời Tri phủ Lang Vi Năng đương chức. Đời người, dù là quan, là dân, cũng như gió thoảng mây bay. Trong căn nhà trăm tuổi hiếm hoi còn sót lại chốn thâm sơn cùng cốc, hiện hữu một nhân vật khá đặc biệt, người đã chứng kiến những thăng trầm, trở mình của bản mường miền Tây xứ Nghệ.

Phu nhân Tri phủ cuối cùng phủ Tương Dương ảnh 1 Cụ Lữ Thị Quyết (101 tuổi), phu nhân của Tri phủ Lang Vi Năng
Mộc mạc, khiêm nhường như chính căn nhà của mình, cụ Lữ Thị Quyết dù tuổi đã cao nhưng vẫn có nét rắn chắc, bền bỉ như cây lim, cây táu cổ thụ giữa đại ngàn. Tuổi này, đã bên kia dốc núi, chót vót như đỉnh Phu-Xai-Lai-Leng bên dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ, người một thời cai quản “hậu cung” phủ Tương Dương dần trở về trạng thái tĩnh lặng, chẳng màng đến thế sự. Tôi có may mắn được ngồi với hậu duệ dòng họ Lang Vi đình đám, oanh liệt một thời, ông Lang Vi Tịnh và Lang Vi Nguyệt, hai người con trai của vợ chồng Tri phủ Lang Vi Năng.

Thấy tôi muốn được tận mắt xem món đồ cổ về gia tộc, ông Lang Vi Tịnh thoăn thoắt bám cột gỗ leo tót lên xà nhà, lôi xuống chiếc bao tải úa màu. Không có tiền mua rương, két sắt, các con Tri phủ Năng đành cất giữ những thứ quí báu trong chiếc bao tải cũ kỹ, rách nát. Bàn tay ông run run mân mê những đạo chế, sắc phong triều Nguyễn, vuốt ve từng nếp gấp. “Mưa gió bão bùng, chiến tranh, may anh em tôi còn giữ được từng này văn thư cổ. Trong những tháng năm lưu lạc, các vật phẩm quí như ấn tín bằng đồng, đôi hạc, đôi rùa đồng đen…chúng tôi gửi nhờ nhà người quen, sau thất lạc hết không tìm lại được”, ông Lang Vi Tịnh (SN 1941), con trai của Tri phủ Lang Vi Năng mân mê từng trang giấy.

“Bên cạnh phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước và tinh thần quật khởi trong phong trào cách mạng, nhân dân bản Phục còn nhiệt tình tham gia và quyên góp nhiều của cải, vật chất phục vụ kháng chiến như tiền, vàng…, góp phần tích cực trong việc xây dựng ngân khố Quốc gia, tiêu biểu có cụ Lang Vi Năng”. 

Lịch sử Đảng bộ xã Đôn Phục,1963-2018

Huyền tích dòng họ Lang Vi thường được hậu duệ truyền tụng, kể cho nhau nghe: “Bảy đời về trước có một vị thổ quan, người dân gọi là quan Kẹm chạy loạn đến Mường Hốc, nay là xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông thì bị sát hại. Một số người thân di tản xuống Mường Hệch (nay thuộc xã Đôn Phục) để định cư. Dần dà, dòng họ phát triển đông đúc, thịnh vượng. Đến thế hệ thứ 3 của dòng họ có cụ Lang Vi Bằng từng làm quan. Thế kỷ XIX, khu vực biên giới Việt- Lào xuất hiện băng đảng “lục lâm thảo khấu” quấy nhiễu dân lành. Cầm quân đi đánh dẹp giặc Phò Khăm giành thắng lợi, yên dân, quan Bằng được triều Nguyễn phong làm Tri phủ Tương Dương, sau truyền ngôi lại cho Lang Vi Tài, Lang Vi Năng. Cụ Năng là Tri phủ cuối cùng phủ Tương Dương”.

Lữ Thị Quyết sinh ra và lớn lên tại bản Nà Khốm (xã Yên Na, huyện rẻo cao Tương Dương), trong gia đình nghèo. Bỏ tục lễ “môn đăng hộ đối”, Tri phủ Lang Vi Năng đưa 17 thiếu nữ theo xe ngựa rời phủ Tương Dương vào Huế, nhờ thầy xem tướng nhìn mặt, mong chọn cho mình một cô vợ tâm đầu ý hợp, gọi là “đậu xáo”. Trong cuộc đua nhan sắc ở Kinh thành, sơn nữ Lữ Thị Quyết tài sắc vẹn toàn đã vượt lên thiệt thòi về thân phận, trở thành phu nhân của Tri phủ Năng và suốt những tháng ngày nâng khăn sửa túi cho Tri phủ Năng, sinh hạ được 8 người con (5 trai, 3 gái). Năm 1945, Cách mạng tháng 8 thành công, Tri phủ Tương Dương “thoái ngôi” và một thời gian sau trở về bản Phục, Con Cuông. Tuy không còn làm quan nhưng cựu Tri phủ vẫn đóng góp nhiều công lao xây dựng quê hương, bản mường.

Cụ Lữ Thị Quyết khăn gói theo chồng hồi hương, trở lại làm thường dân, ngày ngày xuống suối mò tôm bắt cá, lên rừng phát nương làm rẫy, sống cuộc đời đạm bạc, bình dị như chưa từng là “đệ nhất phu nhân” phủ Tương Dương.

Ba đời trấn giữ phủ Tương Dương

Dòng họ Lang Vi ở Bản Phục một thời rạng danh ở miền Tây xứ Nghệ, trong đó có Tri phủ Vi Văn Bằng, Lang Vi Tài, Lang Vi Năng, ba đời trấn giữ phủ Tương Dương (gồm 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và một phần đất huyện Anh Sơn); Lang Vi Tiêu (Tri huyện); Lang Vi Tào - Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Tương Dương giai đoạn khởi nghĩa, Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Con Cuông giai đoạn (1949 - 1953), Lang Vi Hợi, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến. Riêng Tri phủ Lang Vi Năng từng được vua Lào Lạn Xạng sắc phong, khen tặng vì có công củng cố, xây dựng tình đoàn kết Việt – Lào.

Năm Khải Định thứ 6 (1921), Tri phủ Lang Vi Bằng có tấu chương xin hưu trí, chức quan Tri phủ được người anh họ là Lang Vi Tài kế thừa. Đến niên hiệu Bảo Đại thứ 10 (1934), chức Tri phủ lại được trao lại cho con trai của cụ Lang Vi Bằng là Lang Vi Năng. Kế tục sự nghiệp của cha cai quản dải đất phía Tây Nghệ An, Tri phủ Năng đóng góp nhiều công lao, giúp dân khai khẩn đất đai, giữ yên bờ cõi. Đạo chế ban hành ngày 28 tháng 12 năm Bảo Đại 15 (1939), Lang Vi Năng được thăng lên chức Phụng Thành đại phu, Hàn lâm viện Thị giảng Thổ tri phủ Nhị hạng: “Vâng trời dấy vận. Hoàng đế chế rằng, dùng người làm chính sự, nên theo điển lệ khảo công. Xét tài mà định vị, để biểu dương tài năng trị sự. Ngươi, Lang Vi Năng hiện là Thổ Tri phủ Tương Dương tam hạng, văn học đầy đủ, tài năng đáng khen. Vừa mưu lược, vừa siêng năng, vừa biết giữ mình, thuật chính sự cứ nên như thế. Lại thanh liêm, lại cẩn thận, lại chuyên cần, việc quan lấy đó làm đạo. Mẫn cán dốc kham mọi việc, sáng suốt giản tiện việc quan. Nay đặc biệt chuẩn cho thăng nhận Phụng Thành đại phu, Hàn lâm viện Thị giảng Thổ tri phủ Nhị hạng. Ban cho cáo mệnh, nên đem ý đức này như gió xuân làm mát cho nơi địa hạt. Lấy vẻ vang mà đạt thêm nhiều công tích nơi quan trường”.

Phu nhân Tri phủ cuối cùng phủ Tương Dương ảnh 2 Hai người con trai của Tri phủ Năng và những văn thư cổ về gia tộc Lang Vi
Hậu duệ dòng họ Lang Vi bản Đôn Phục đang lưu giữ được một số văn thư của triều đình Huế ban tặng tiền nhân: 4 văn bản chữ Hán sắc phong cho Tri phủ Lang Vi Bằng, Lang Vi Năng; 2 bằng khen song ngữ Hán - Pháp của Tri phủ Lang Vi Năng… Đặc biệt trong số này có hai đôi câu đối chữ Hán cùng với 6 đạo chế trên giấy Long đằng mang các niên hiệu Thành Thái, Khải Định và Bảo Đại. Gia tộc Lang Vi còn bảo quản được 2 tập chữ Thái cổ chép tay sao lại trên giấy dó, vỏ cây, ghi chép về sự tích bản mường, về những huyền tích xa xưa của người Thái nơi miền Tây xứ Nghệ. 
MỚI - NÓNG