> Học sinh, phụ huynh đi thi bị 'vây hãm'
Buổi sáng các em thi Văn, buổi chiều thi Toán. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, rất ít thí sinh bỏ thi (chỉ khoảng vài trăm em), lý do chủ yếu là các em đã đỗ vào một trong số các trường chuyên của các trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội.
Sau buổi thi môn Văn, nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi với trạng thái nhẹ nhõm. Em Hiền, thí sinh phòng thi số 9 hội đồng thi trường THPT Cao Bá Quát cho biết, cả hai câu đề văn em đều trúng tủ.
“Trong quá trình ôn, cô giáo hướng dẫn chúng cháu ưu tiên học kỹ một số tác phẩm, trong đó có Lặng lẽ Sa Pa và Tiểu đội xe không kính. Vì thế cháu học hai tác phẩm này rất kỹ. Các bạn khác trong phòng thi (đến từ nhiều trường THCS khác nhau trong khu vực Long Biên – Gia Lâm) cũng có vẻ rất thoải khi làm bài văn. Thời gian làm bài 2 tiếng nhưng hầu hết các bạn đều không dùng hết thời gian đó. Riêng cháu làm xong trước khi thu bài nửa tiếng”, em Hiền nói.
Không chỉ thí sinh khu vực Gia Lâm - Long Biên mới vui mừng vì trúng tủ đề văn.
Theo em Lê Phương Quỳnh, thí sinh thi tại hội đồng thi THPT Hà Nội - Amsterdam, trong quá trình ôn luyện tại một số lò luyện thi, em và các bạn cũng được thầy cô giáo luyện thi khoanh vùng những tác phẩm cần đặc biệt quan tâm như Lặng lẽ Sa Pa, Ánh trăng, Những ngôi sao xa xôi, Tiểu đội xe không kính…
Quỳnh chia sẻ: “Theo các thầy cô, đây là những tác phẩm từ khoảng 4 – 5 năm nay chưa được sử dụng để ra đề nên nhiều khả năng năm nay sẽ ra. Cháu chuẩn bị khá kỹ”.
Với môn Toán, nhiều thí sinh cho biết các em không làm được hết. "Rất ít bạn ra phòng thi Toán trước thời gian”, Mai - một thí sinh thi vào trường THPT Nhân Chính nói.
Tuy nhiên, Mai cũng như nhiều thí sinh khác lo ngại, đề năm nay dễ thì điểm chuẩn sẽ bị đẩy lên cao. Đây cũng là lý do khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
“Con tôi đăng ký dự thi NV1 vào trường THPT Phan Đình Phùng. Trường này được tuyển 645 chỉ tiêu, trong đó số thí sinh đăng ký vào NV1 là 1.353 cháu. Như vậy, muốn đỗ, điểm cháu phải cao hơn 700 cháu khác. Cháu bảo bạn nào cũng làm tốt”, chị Bình, một phụ huynh, nói.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, do tính cạnh tranh đối với mỗi thí sinh trong kỳ thi rất cao nên ý thức làm bài của các em đều rất tốt.
Cả thành phố không có trường hợp nào bị kỷ luật. Sau buổi thi tuyệt nhiên không thấy xuất hiện phao trong khu vực thi.
Tuy nhiên, để đảm bảo kỳ thi tuyệt đối nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cử 20 đoàn thanh tra, đảm bảo trong kỳ thi (từ khâu chuẩn bị đến khâu coi thi) tất cả trong số 159 hội đồng thi thanh tra của Sở đều có mặt.
Từ 22 đến 24-6, 6.905 thí sinh sẽ tiếp tục dự kỳ thi vào các trường chuyên. Hôm nay, tất cả thí sinh này sẽ tiếp tục dự thi môn điều kiện thứ 3 là môn Tiếng Anh.
Khác với Hà Nội, trong đề Văn của TPHCM, có câu hỏi mở yêu cầu nói lên suy nghĩ của mình về hiện tượng vô cảm và phong trào suy tôn thần tượng quá mức của giới trẻ ngày nay.
Câu hỏi này khiến thí sinh rất thích thú. Nhiều học sinh cho biết, các em gần như không suy nghĩ quá 5 phút để lấy được ví dụ sinh động và rất “thời sự” cho bài làm.
Đó là câu hỏi số 3 nêu hai tình huống và yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ bằng một đoạn văn ngắn.
Tình huống được đặt ra là một cô bé được mẹ chở đi đánh cầu lông, xe hai mẹ con bị va quệt đồ đạc văng tung tóe.
Trong khi người mẹ vội vàng gom lại, một vài người đi đường dừng lại phụ giúp thì người con đứng thờ ơ...
Và một cậu bé khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu yêu thích thì cậu nói vanh vách từ cách ăn mặc, sở thích, nhưng khi nói về nghề nghiệp của cha mẹ thì lại ấp úng.
Năm nay, TP HCM có hơn 50.600 thí sinh tại TP HCM bước vào kỳ thi lớp 10 công lập. Trong đó, có hơn 42.000 em vào lớp 10 thường và hơn 8.000 thí sinh thi vào lớp chuyên.
Hà Nội có hơn 75.000 thí sinh dự thi để chạy đua 51.200 suất vào hệ công lập và 16.000 hệ ngoài công lập. Như vậy, áp lực cuộc thi - cuộc đua này ở Hà Nội lớn hơn TPHCM.