Phóng viên Tiền phong xuất bản tờ tin 'Thanh Niên' tại chiến trường B

Phóng viên Tiền phong xuất bản tờ tin 'Thanh Niên' tại chiến trường B
TP - Với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, năm 1968, một nhóm phóng viên  Tiền phong đã vượt Trường Sơn vào hoạt động tại chiến trường B.
Phóng viên Tiền phong xuất bản tờ tin 'Thanh Niên' tại chiến trường B ảnh 1
Ảnh chụp trong hang núi vào mùa Xuân 1968, khi các PV lên đường đi B. Từ trái qua phải hàng sau: Khải Hoàn, Sơn Tùng, Phạm Hậu, Tâm Tâm. Hàng trước: Quang Huyền (đọc sách), Ái Nhi (đọc báo) và Mạnh Chuẩn (đeo đài) Ảnh tư liệu của Hoàng Thiết

Mặc cho địch càn quét đêm ngày, nhóm phóng viên Tiền phong vẫn bám sát các trận địa thu thập thông tin, viết bài, động viên bộ đội, kịp thời phản ánh diễn biến từ chiến trường.

Đầu năm 1968, cuộc chiến đấu giữa ta và địch trên chiến trường miền Nam ngày càng khốc liệt. Nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam, T.Ư Đoàn đã cử 56 cán bộ Đoàn đi hoạt động tại chiến trường B2 (gồm các tỉnh miền Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long...), trong đó có 4 phóng viên Tiền phong gồm: Nguyễn Phong Sơn (tức nhà văn Sơn Tùng), Nguyễn Tâm Tâm, Lưu Quang Huyền, Phạm Hậu và 3 phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong (TNTP) là Mạnh Chuẩn, Khải Hoàn, Ái Nhi.

Sau 5 tháng hành quân vượt Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn, nhóm phóng viên đã có mặt tại căn cứ của cơ quan T.Ư Cục miền Nam khi đó đóng quân tại Tây Ninh. Mặc dù sức khỏe nhiều người chưa hồi phục, vết thương chưa lành (phóng viên Lưu Quang Huyền bị thương trên đường Trường Sơn), bệnh sốt rét hoành hành, ăn uống thiếu thốn nhưng cả nhóm phóng viên trẻ vẫn lao vào công việc.

Phóng viên Tiền phong và TNTP được biên chế vào cùng một bộ phận do Sơn Tùng phụ trách trực tiếp có nhiệm vụ xuất bản tờ tin “Thanh niên”- cơ quan của Hội LHTN Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Người thì ít mà công việc thì ngập đầu, nên một phóng viên phải kiêm rất nhiều việc từ viết bài, biên tập đến đi nhà in, đọc mo rát...Vất vả nhất là những chuyến đi công tác đến các trận địa, bám theo bộ đội đi chống càn. Nhiều trận địa ở xa căn cứ hàng trăm cây số, phóng viên phải đi từ 1-2 tháng mới về, len lỏi theo đường giao liên khi vượt sông khi băng rừng đi ngày đi đêm.

Bản tin “Thanh Niên” tiếp tục được xuất bản với nhiều cải tiến về nội dung và hình thức. Hồi đầu báo ra nửa tháng 1 kỳ, khổ 30cm x 40cm, hai màu đỏ và đen hoặc đỏ, tím. Vấn đề gay cấn nhất lúc đó là nội dung tờ báo làm sao phải phản ánh được phong trào, trong khi chiến trường chia cắt ác liệt, để lấy được một tin, bài không chỉ mất mồ hôi mà còn phải đổi bằng máu.

Phóng viên Tiền phong xuất bản tờ tin 'Thanh Niên' tại chiến trường B ảnh 2

Trang nhất của một tờ tin “Thanh niên” còn được lưu giữ. Ảnh: Tuấn Minh

Phóng viên Lưu Quang Huyền được cử đi theo sư đoàn 9 có biệt danh “Sư đoàn thép” để viết bài bất ngờ bị sốt cao trên đường nhưng vẫn bám theo đội hình, cứ bớt sốt lại cuốn võng tiếp tục hành quân.

Tháng 4/1971, Mỹ-Ngụy dồn sức mở trận càn Đông Dương, dùng hỏa lực rất mạnh đánh vào vùng căn cứ của ta tại Tây Ninh. Phóng viên Sơn Tùng bị thương nặng trong trận càn ác liệt này.

Báo ngày càng phát triển và được đưa theo đường giao liên đến nhiều chiến trường, đến với vùng giải phóng và một phần nhỏ theo đường bí mật cũng đến được tay trí thức trẻ và học sinh, sinh viên Sài Gòn. Báo cũng đã đến với các bệnh viện dã chiến, các cơ quan thuộc T.Ư Cục miền Nam. Số lượng phát hành mỗi số từ 300 đến 500 tờ.

Nhóm biên tập viên nhận được khá nhiều thư động viên, góp ý, tin bài của bộ đội gửi về. Viết bài không có nhuận bút nhưng bộ đội vẫn rất hăng hái. Từ yêu cầu và nguyện vọng của bộ đội, nhiều chuyên mục đã ra đời và được đổi mới. Bên cạnh phần xã luận, những thông tin chính thống từ miền Bắc, báo còn có cả trang thơ, văn, nhạc, tranh ảnh và dành nhiều “đất” cho tin tức từ hậu phương.

Nhiều bài thơ của bộ đội gửi về đã được đăng tải. Nhiều nhà thơ tên tuổi như Giang Nam, Hoài Vũ, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã viết bài cho báo, gửi các sáng tác về tòa soạn ở chiến trường. Phong trào “5 xung phong” của thanh niên miền Nam được đăng tải liên tục.

Nhiều chiến công vang dội của bộ đội ta, nhiều trận đánh ác liệt đã được các phóng viên phản ánh kịp thời. Do phải di chuyển thường xuyên, phóng viên vừa viết bài xong nhiều khi phải cuộn lại cho vào ba lô lên đường hành quân hoặc chuyển ngay vào nhà in.

Tờ tin “Thanh Niên” phát hành liên tục từ năm 1968 cho đến sau ngày 30/4/1975 thì ngừng do có sự sắp xếp lại của Đoàn Thanh niên và Hội LHTN ở hai miền Nam Bắc và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

MỚI - NÓNG