Phòng trà âm nhạc khát khao chờ tiếng hát

0:00 / 0:00
0:00
Nhạc jazz TPHCM, bao giờ cho đến ngày xưa? (Ảnh chụp trước ngày giãn cách xã hội - Ảnh: Trần Nguyễn Anh)
Nhạc jazz TPHCM, bao giờ cho đến ngày xưa? (Ảnh chụp trước ngày giãn cách xã hội - Ảnh: Trần Nguyễn Anh)
TP - Nhiều tháng trôi qua, vương quốc của âm nhạc phòng trà vẫn im vắng tiếng đàn tiếng hát vì đại dịch COVID-19. Ngày trở lại của các nghệ sĩ lẫn khán giả vẫn còn bỏ ngỏ…

Nơi hé mở, chỗ hẹn hò

Guitar Café là một tụ điểm của các bạn yêu ghi ta và dòng nhạc nhẹ nhàng sâu lắng. Quán nhạc này thông báo sẽ trở lại trong vài ngày tới đây: “Khởi động tháng 11 bằng một đêm diễn chưa bao giờ có” với đêm diễn của ca sĩ Phương Kat. Đêm diễn dự kiến sẽ tổ chức vào tối thứ 6, ngày 5/11/2021 phục vụ khách đã tiêm 2 mũi vắc xin, khai báo y tế qua mã QR. Tuy vậy, những quán nhạc sớm mở trở lại như Guitar Café là rất ít tại TPHCM vào thời điểm đầu tháng 11/2021.

Phòng trà âm nhạc khát khao chờ tiếng hát ảnh 1

Phòng trà ca nhạc vẫn vắng lặng chờ được phép hoạt động trở lại. (Tư liệu của phòng trà Acoustic)

Ca sĩ Tây Phong, chàng trai tốt nghiệp Nhạc viện TPHCM đa tài vừa hát vừa đóng kịch đồng thời là chủ một quán nhạc ở đường Lê Văn Sĩ, quận 3. Trong đợt dịch vừa qua, do lên thu dọn quán không về kịp, Tây Phong “bị phong tỏa” trong quán nhạc suốt 4 tháng liền. Chàng trai này vốn ăn chay trường nên đã sống bằng rau củ quả do phường cấp và tự xoay xở. Tây Phong nói: “Hiện giờ đã hết giãn cách, nhưng quán em chưa mở lại được vì không có nhân viên. Các bạn nhân viên về quê chưa lên”.

Phòng trà Chợ Gạo, điểm biểu diễn nhạc Việt Nam hàng đầu tại TPHCM hiện nay, là nơi biểu diễn của Lam Trường, Mỹ Linh và nhiều nghệ sĩ khác. Chợ Gạo chỉ đưa ra một lời hẹn hò: “Những ngày này Sài Gòn như được “thở” trở lại, cảm giác hy vọng ngày chúng ta lại được cùng nhau nghe nhạc sẽ sớm đến thôi”. Hẹn ngày gặp lại nhau với bao bồi hồi: “Xa nhau nhớ lắm, nhớ nhất là những lúc khán giả và ca sĩ cùng hát với nhau thật thân tình. Đợi Chợ Gạo một chút xíu nữa nhen. Thương mến!”.

Vượt lên những mất mát

Ca sĩ Lan Thảo, giọng ca phòng trà kỳ cựu của đất Sài Thành, hát nhạc ngoại rất bốc lửa, từng nhiều năm là ca sĩ chính của ban nhạc Sinco. Chị cho biết: “Hiện giờ Lan Thảo chưa nhận được lịch diễn nào cả. Thành phố đã từng bước mở cửa trở lại từ đầu tháng 10/2021, nhưng riêng lĩnh vực âm nhạc vẫn còn cửa đóng then cài”.

Trong những ngày cao điểm của dịch bệnh COVID-19, ca sĩ Lan Thảo chia sẻ nhiều tin tức rất buồn về sự ra đi của giới nghệ sĩ phòng trà. Cô viết: “Người quen mất nhiều lắm rồi. Mà giờ người nào mất thấy cũng hiu quạnh quá. Không người thân bạn bè gặp mặt tiễn đưa lần cuối. Vĩnh biệt đồng nghiệp”. Có thể kể đến anh Bá - nghệ sĩ trống kỳ cựu, anh Trung Thành Sago nghệ sĩ ghi ta, ca sĩ Đình Hùng… Nỗi buồn cũng nhân lên khi quán trả mặt bằng không trụ nổi vì đại dịch: “Người hát đã mất mà quán cũng không còn” - cô than thở.

Trong những ngày này, ca sĩ Lan Thảo đã có thể rời khỏi nhà và tìm chỗ uống cà phê một mình, nhớ về các đồng nghiệp và sân khấu. Cô nói với phóng viên: “Tiếng là các quán xá được mở cửa, nhưng chỉ mở tới 21 giờ thì lĩnh vực âm nhạc chúng tôi vẫn phải đợi và đợi thôi”.

Ca sĩ Mạnh Tuấn, một giọng ca phòng trà đang lên nhưng bỗng dưng thất nghiệp vì đại dịch thế kỷ. Mạnh Tuấn vốn có công ăn việc làm ổn định, nhưng bỏ hết để đi hát phòng trà. Suốt hai năm qua, thời gian diễn ít mà thời gian giãn cách ở nhà hát một mình thì nhiều. Mạnh Tuấn nói: “Em cảm tưởng như em sắp bị trầm cảm đến nơi! Em cố gắng để tìm những niềm vui và động lực để chờ ngày trở lại sân khấu!”.

Khó khăn vẫn còn

Đại dịch COVID-19 đã được khống chế tại TPHCM, thành phố dần mở lại các dịch vụ cơ bản, người dân đã có thể ăn hủ tiếu, uống cà phê trong quán xá, giữ khoảng cách tối đa. Nhưng những đêm nhạc có khán giả vẫn là một điều mong ước.

Nhã Phượng là ca sĩ tại phòng trà Đồng Dao. Cô nói: “Hai vợ chồng tôi đều làm việc tại phòng trà, chồng chơi đàn ghi ta, vợ làm ca sĩ. Dịch bệnh kéo dài, sân khấu đóng cửa, chúng tôi chỉ có thể diễn các chương trình không khán giả, phục vụ miễn phí trên mạng xã hội”.

Phòng trà Đồng Dao, nơi Nhã Phượng làm việc vẫn treo thông báo: “Do tình hình COVID-19, phòng trà Đồng Dao ngưng hoạt động từ ngày 3/5/2021 cho đến khi có thông báo mới để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và chung tay chống dịch”. Hiện phòng trà Đồng Dao chưa có thông báo thời gian trở lại phục vụ khán giả.

Danh ca Thùy Dương, một giọng ca nổi tiếng tại phòng trà Ân Nam, Đồng Dao cũng cho biết: “Hiện giờ Thùy Dương cũng chưa nhận được lời mời đi hát trở lại!”.

Đập đi, xây lại

Vài hôm nay, quán nhạc rock Yoko bar sôi động hơn hẳn. Mọi người thu dọn quán xá, sắp đặt trống đàn, âm thanh. Chủ quán Yoko, ca sĩ Tố Phương nói: “Chưa có thông báo về việc cho diễn trở lại anh ơi! Hiện chúng em mời các nghệ sĩ lên thử âm thanh, hát vài bài cho đỡ nhớ sân khấu thôi. Quán chưa phục vụ khán giả!”.

Một tụ điểm nhạc rock rất đông sinh viên và các bạn trẻ là quán Acoustic ở phố Ngô Thời Nhiệm cũng trang hoàng đẹp đẽ với thông báo: “Acoustic đang dọn dẹp, sửa sang và bảo trì hệ thống để quay trở lại sau 6 tháng ngưng hoạt động do dịch bệnh. Chúng tôi sẽ thông tin đến các bạn ngày trở lại một cách sớm nhất”.

Nhưng cũng có những sự im lặng tưởng như vô tận. Cô Hồ Đắc Anh Thi, chủ quán Cà phê CeMoa, một tụ điểm ca nhạc sang trọng mà danh ca Tuấn Ngọc khi từ Mỹ về cũng ghé giao lưu đã phải đóng cửa. Cô nói: “Dịch bệnh kéo dài, kinh doanh thua lỗ, đành phải đóng cửa thôi nhà báo ạ”. Nghệ sĩ Đào Minh Pha, sáng lập Sài Gòn Jazz Club (vốn sinh hoạt tại địa chỉ này) nghe “hung tin” đã thốt lên: “Câu lạc bộ Jazz của chúng ta không biết sẽ đi đâu về đâu!”.

Phòng trà nổi tiếng của cặp nghệ sĩ Cẩm Vân, Khắc Triệu cũng đóng cửa dài hạn. Một địa chỉ âm nhạc nổi tiếng là Saxnart Jazz Club của vợ chồng nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và Kiều Đàm Linh đóng cửa sau hàng chục năm hoạt động. Chị Linh nói: “Chúng tôi mở phòng trà nhạc Jazz không phải để kinh doanh, thu chi hàng năm chỉ hòa vốn thôi, nhưng mục đích là tạo ra điểm giao lưu giữa các nghệ sĩ và khán giả, làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của người dân và du khách. Đại dịch kéo dài, mỗi tháng phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng, chúng tôi buộc phải đóng cửa”.11/2021

Chị Kiều Đàm Linh cho biết, chị và nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn sẽ quay trở lại với một dự án khác: “Trong năm 2022, chúng tôi sẽ hoạt động trở lại, nhưng có thể sẽ phải tìm một địa điểm khác với chi phí thấp hơn. Chúng tôi rất mong muốn các phòng trà nói chung, trong đó có Saxnart Jazz Club, sẽ được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn trong thời gian tới để phục vụ khán giả và du khách”.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.