Ba cá nhân được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng và truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là ông Nguyễn Hữu Phước (còn gọi là Năm Phước), Thuyền trưởng Tàu 69, Đoàn 125 - nay là Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân; ông Phạm Xuân Sanh (bí danh Quách Sanh), nguyên Đội trưởng Đội 179, Đoàn 126 Đặc công Hải quân - nay là Đội 3, Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân và liệt sĩ Đồng Quốc Bình, nguyên chiến sĩ Hàng hải, Trung đoàn 171 - nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; lãnh đạo, đại biểu các cơ quan trung ương, địa phương; đại biểu các cơ quan, đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân…
Mưu trí, dũng cảm
Ông Nguyễn Hữu Phước sinh năm 1932; quê xã Long Thạch, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu; nhập ngũ tháng 5/1948, tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Trong suốt quá trình chiến đấu, thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước vượt qua nhiều gian khổ, hiểm nguy, lập được nhiều thành tích xuất sắc, đã tham gia 8 chuyến tàu vận tải chi viện vũ khí và đưa đón cán bộ vào chiến trường miền Nam.
Một trong những chiến công tiêu biểu nhất là trận chiến đấu đêm 31/12/1966. Trên cương vị thuyền trưởng chỉ huy Tàu 69, ông Phước cùng 18 thành viên, xuất phát ngày 15/4/1966 từ bến K15 Đồ Sơn - Hải Phòng, vận chuyển hơn 61,000 tấn vũ khí vào chiến trường Nam giao cho Đoàn 962 của Quân khu 9, tại Bến Vàm Lũng, thuộc xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, an toàn tuyệt đối.
Nhưng ngay trong đêm ngày 31/12/1966, khi Tàu 69 hoàn thành nhiệm vụ trở ra miền Bắc, vừa ra khỏi bến Vàm Lũng khoảng 50km, thì tàu bị lộ, địch phát hiện đánh phá ác liệt. Cuộc chiến đấu giữa Tàu 69 với 6 tàu cao tốc và 2 máy bay địch diễn ra nhiều giờ trên biển. Với cương vị là Thuyền trưởng, Nguyễn Hữu Phước đã mưu trí, quyết đoán chỉ huy Tàu 69 vừa quay lại bến, vừa nổ súng chiến đấu bắn chìm 1 tàu cao tốc, bắn bị thương 5 chiếc tàu khác của địch, buộc chúng phải rút chạy. Cuộc bao vây, truy sát của địch bị thất bại hoàn toàn, Tàu 69 đã nghi binh lừa địch về vị trí ém quân an toàn.
Cùng với chiến công đó, năm 1964 thực hiện vận chuyển vũ khí chuyến thứ 6, Tàu 69 của Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước đã đưa đón 4 cán bộ cách mạng từ Bắc vào Nam kháng chiến, trong đó có bà Bảy Dân (bí danh Bảy Nga, là vợ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) cùng ông Nguyễn Thiện Thành là bố đẻ của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và đã vượt qua vòng vây và sự kiểm soát gắt gao của địch, vào đến bến Vàm Lũng - Cà Mau an toàn.
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Thiện Nhân xúc động nói: “Lần nào đến thăm cô Bảy Dân, chúng tôi cũng nhắc đến chuyến tàu không số năm đó. Nhờ sự quan tâm của các cấp, hôm nay 2 chú Năm Phước, Quách Sanh và liệt sĩ Đồng Quốc Bình được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là sự ghi nhận, tuy muộn, nhưng xứng đáng với sự đóng góp của các chú và cũng là sự cổ vũ cho rất nhiều sĩ quan, chiến sĩ đã chiến đấu thời chống Mỹ. Lúc cha tôi còn sống vẫn nhắc tới chuyến đi năm đó, vì sau 3 lần mới tới được vị trí tập kết vì cả 3 lần ra biển đều gặp tàu địch phải quay lại. Sau ngày ba tôi mất, tôi luôn thôi thúc đi tìm người thuyền trưởng đã chở ba tôi vào Nam, nhân duyên đã cho tôi gặp được chú Năm Phước tại Cần Thơ. Tôi tin rằng giờ phút này, anh linh anh hùng liệt sĩ Đồng Quốc Bình cũng ở đây chứng kiến buổi lễ trang trọng này, và tôi tin rằng ba tôi cũng đang ở đây chia vui với chú Năm Phước...”.
10 năm luồn sâu, đánh hiểm
Ông Phạm Xuân Sanh sinh năm 1941; quê ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; tham gia cách mạng tháng 5/1959, là cán bộ ngành Thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình; tình nguyện nhập ngũ tháng 2/1964.
Ông Sanh đã chiến đấu bí mật sâu trong hậu cứ của địch tại chiến trường miền Nam 10 năm (1966-1975). Trực tiếp tham gia chiến đấu 21 trận, cùng tập thể Đội đánh sập 10 cầu, đánh chìm 1 pháo hạm Mỹ, 6 hải thuyền ngụy, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Bản thân 7 lần bị thương, nhưng vẫn kiên cường bám đơn vị chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất.
Trong số thành tích xuất sắc tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của ông Sanh thì thành tích đặc biệt nhất là trận đánh cầu Giao Thủy sáng ngày 19/5/1972. Kết quả trận này, đã đánh sập trụ cầu số 05, văng 02 nhịp cầu cùng 32 lính công binh đối phương và một số máy móc xuống sông Thu Bồn, ta an toàn tuyệt đối. Hành động chỉ huy và trực tiếp chiến đấu của Phạm Xuân Sanh là cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù, dũng cảm, táo bạo, chỉ huy quyết đoán, chính xác, hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc.
Thắng lợi trong trận đánh trên, đã thực hiện đúng ý định chiến thuật, chiến dịch và chiến lược của mặt trận 44 Quảng Đà, làm nức lòng nhân dân, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ toàn miền và bộ đội Đặc công Hải quân, tạo thế và lực mặt trận hăng hái tiến công tiêu diệt kẻ thù, cổ vũ lực lượng đặc công nước trên các hướng thi đua tiêu diệt địch; đồng thời thắng lợi của trận đánh đã phát triển nét độc đáo nghệ thuật chiến tranh du kích đánh giặc giữ nước của ông cha và chiến đấu của đặc công ta trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Mãi mãi tuổi 20
Liệt sỹ Đồng Quốc Bình sinh năm 1945; quê xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Năm 1963, nhập ngũ vào đơn vị Tàu 122, Trung đoàn 171 (nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân), thuộc Khu Tuần phòng 1.
Sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, ngày 5/8/1964, Mỹ bất ngờ đưa tàu chiến và máy bay mở cuộc tấn công đánh phá hầu hết các căn cứ Hải quân ta trên suốt dải ven biển miền Bắc.
Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh là căn cứ hải quân được coi là mục tiêu quan trọng nhất Mỹ tập trung đánh phá. Lúc 14 giờ 40 phút, ngày 5/8/1964, hàng chục máy bay phản lực của địch chia thành nhiều tốp lao xuống đánh vào khu vực tàu ta đang neo đậu ở Cửa Lục, làm một số tàu và lực lượng pháo cao xạ của ta bị thiệt hại nặng. Trong trận chiến đấu này, binh nhất Đồng Quốc Bình làm nhiệm vụ chuyển đạn lên mâm pháo và sẵn sàng nhiệm vụ khác thay thế khi khẩu đội có người hy sinh.
Đợt oanh tạc lần thứ nhất, Đồng Quốc Bình bị thương ở chân. Đợt oanh tạc thứ hai, anh bị thương nặng vào bụng đến lòi ruột nhưng vẫn nén đau đỡ từng băng đạn cho đồng đội. Khi một loạt đạn của địch bắn trúng hòm đạn trên tàu bốc cháy, anh vẫn cố nhoài người dùng sinh lực còn lại đẩy băng đạn ra xa khỏi đám cháy để tránh thương vong cho đồng đội. Được đưa ra mạn phải tàu băng bó nhưng Đồng Quốc Bình vẫn gắng sức tham gia chiến đấu và ra đi mãi mãi ở tuổi 20 sau khi trận chiến hôm đó kết thúc…
Khi nghe tin Đồng Quốc Bình anh dũng hy sinh, nhiều đơn vị đã đặt tên cho chi đoàn của mình là Chi đoàn Đồng Quốc Bình. Phong trào noi gương Đồng Quốc Bình lan tỏa trên toàn miền Bắc, đặc biệt là Quân chủng Hải quân, thành phố Hải Phòng - quê hương Đồng Quốc Bình và tỉnh Quảng Ninh - nơi Đồng Quốc Bình chiến đấu anh dũng hy sinh. Thành phố Hải Phòng quyết định đặt tên một phường mang tên Đồng Quốc Bình, thuộc Quận Ngô Quyền.