T.S Nguyễn Tiến Dĩnh |
Đẩy mạnh kiểm soát quyền lực
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. So với Quy định 205 thì Quy định 114 vừa được ban hành có những điểm gì mới nổi bật, thưa ông?
Quy định 114 của Bộ Chính trị là sự tiếp nối Quy định 205 được ban hành vào năm 2019 trong nhiệm kỳ khóa XII của Đảng. So với Quy định 205, Quy định 114 vừa được ban hành có những điểm mới, góp phần hoàn thiện hơn trong việc kiểm soát quyền lực nói chung, nhằm đảm bảo mục tiêu ở đâu có quyền lực thì ở đó phải được kiểm soát.
Có thể thấy, Quy định 114 của Bộ Chính trị có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng hơn. Quy định 205 trước đây chỉ nói đến kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Còn quy định lần này có đề cập đến việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, với phạm vi rộng hơn. Bên cạnh đó, các cơ chế, giải pháp cũng được quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn.
Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra vào giữa tháng 5/2023. Ảnh: TTXVN |
Như vậy, việc bổ sung quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ xuất phát từ tình hình thực tiễn đặt ra trong thời gian qua?
Đúng là như vậy. Vừa qua, Đảng ta đã đẩy mạnh thêm một bước về công tác phòng chống tham nhũng và gần đây bổ sung thêm vấn đề tiêu cực. Như vậy là các hành vi được nhận diện dần và quy định được hoàn thiện dần. Trước kia chỉ xác định công tác kiểm soát quyền lực trong chạy chức, chạy quyền, nhưng nhận thấy nó không chỉ dừng lại ở hành vi đó, mà còn có nhiều hành vi tiêu cực, tham nhũng khác.
Trên thực tế, trong công tác cán bộ dễ nảy sinh rất nhiều vấn đề và đã được chỉ rõ trong Quy định 114 vừa mới ban hành. Qua đó góp phần hoàn thiện về mặt pháp luật Nhà nước và quy định của Đảng để thực hiện cho tốt các giải pháp kiểm soát quyền lực, không để lộng quyền, lạm quyền. Điều này rất phù hợp, bởi khi có quyền lực dễ dẫn đến lạm quyền và lộng quyền, không thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Chính vì thế mới cần phải có sự kiểm soát, giám sát, nếu không sẽ rất gay go. Đây chính là một bước tiến mới để kiểm soát quyền lực tốt hơn.
“Việc chỉ ra đầy đủ các hành vi vi phạm trong công tác cán bộ lần này giúp nhận diện rõ ràng hơn; quá trình thực hiện sẽ dễ dàng hơn, việc ngăn chặn, phòng chống hiệu quả hơn và sẽ rõ hơn trong quá trình xử lý vi phạm”.
TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Nhận diện các hành vi
Quy định 114 đã chỉ rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Ông có thể phân tích sâu hơn nội dung này?
Quy định vừa được Bộ Chính trị ban hành đã dành hẳn 1 chương, đề cập đến ba nhóm hành vi cụ thể là: Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; hành vi chạy chức, chạy quyền; và các hành vi tiêu cực khác.
Như trong nhóm hành vi đầu tiên, Quy định 114 đã chỉ rõ 8 hành vi cụ thể, như: Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình; hay hành vi để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ; rồi hành vi cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ…
Hay với nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền, Quy định 114 đề cập cụ thể đến các hành vi như trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; hành vi tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi…
Bên cạnh đó, các hành vi tiêu cực khác cũng được chỉ ra, điển hình như gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự; hành vi thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý…
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, Quy định 114 của Bộ Chính trị đã đưa ra yêu cầu cụ thể trong việc không bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo ở 13 ngành. Ông thấy sao về điều này?
Về vấn đề trách nhiệm, Quy định 114 của Bộ Chính trị đã đưa ra yêu cầu cụ thể về việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.
Bộ Chính trị cũng nêu rõ, trong trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí. Còn đối với chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương; chức danh thuộc diện Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Quy định như vậy là rõ ràng, cụ thể hơn để qua đó phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả hơn. Hay như khái niệm “người có quan hệ gia đình” cũng được chỉ rõ hơn, đó là vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột…
Cảm ơn ông !