Khoảng 1/3 học sinh mắc tật khúc xạ là con số vừa được Bệnh viện Mắt Trung ương công bố trong một hội thảo bàn về việc phòng chống tật khúc xạ và cong vẹo cột sống trong trường học được tổ chức tuần qua.
Việc điều tra được thực hiện vào tháng 3/2009 với hơn 16.000 học sinh đủ các cấp học phổ thông của Hà Nội. Kết quả cho thấy có 5.195 học sinh có tật khúc xạ (32,42 phần trăm).
Trong đó hầu hết các em bị cận thị (4.838 học sinh). Tỉ lệ học sinh cận thị gia tăng đáng kể theo cấp học. Nếu như ở cấp tiểu học, chưa đến 20 phần trăm học sinh bị cận thị thì lên đến cấp THPT, một nửa số học sinh mắc tật khúc xạ này.
Theo bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, tình trạng học sinh cận thị phổ biến như hiện nay có sự tác động chủ yếu bởi các yếu tố liên quan tới điều kiện học tập của học sinh: Hệ thống chiếu sáng; kích thước bàn ghế; tư thế ngồi học; thời gian học dài, mắt điều tiết quá mức; thời gian nghỉ, thư giãn; thời gian sử dụng máy tính, đọc truyện...
Không chỉ khám mắt cho học sinh, những người tham gia thực hiện đề tài còn khảo sát thực trạng y tế học đường. Kết quả cho thấy điều kiện học tập của học sinh thủ đô thoạt trông tưởng như khá tốt (tất cả phòng học diện tích đạt yêu cầu, tất cả lớp học đều có bảng chống lóa) nhưng xem xét các điều kiện cụ thể lại không đạt yêu cầu.
Chẳng hạn, chỉ có 3/12 trường đạt yêu cầu về khoảng cách từ bàn đầu tới bảng; già nửa số trường có các phòng học đạt yêu cầu về hệ thống chiếu sáng; không một trường nào có sự phân loại về bàn ghế theo từng khối lớp học.v.v...
Điều kiện học tập tốt, cận thị vẫn gia tăng
Không chỉ là một trong những nước có tỉ lệ học sinh cận thị thuộc loại cao nhất của châu Á, nửa thế kỷ qua, tỉ lệ học sinh cận thị ở ta gia tăng với tốc độ chóng mặt (1964: 4,2 phần trăm; 1998: 16,2 phần trăm; 2009: 32,42 phần trăm).
Một bác sĩ tham gia đề tài trên chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi (6X) rất ít người bị cận trong khi điều kiện học tập thời chúng tôi rất tệ: phòng học thấp bé, chật chội, thiếu sáng, bàn ghế khấp khểnh...
Còn ngày nay, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế, Bộ Xây dựng ban hành rất nhiều chuẩn xung quanh một phòng học: thiết kế phòng học, ánh sáng, bàn ghế, cảnh quan môi trường... Trong đó có những chuẩn không ngừng được bổ sung, sửa đổi, thay thế để phù hợp hơn so với yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống. Điều kiện học tập của học sinh ngày một tốt hơn. Nhưng trong những trường học tốt nhất của Hà Nội tỉ lệ học sinh cận thị còn cao hơn các trường có điều kiện tồi hơn”.
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục thừa nhận, nhiều nơi hình thức tuy đạt chuẩn nhưng nội dung lại phá chuẩn, khả năng quan tâm của giáo viên tới từng cá thể học sinh hạn chế.
Chẳng hạn, có quy định về diện tích cho một phòng học nhưng chuẩn đó chỉ phù hợp với một lớp học có tối đa 35 học sinh trong khi phòng học thực tế phải chứa tới 50 - 60 học sinh! Từ đó sinh ra nhiều hệ lụy khác mà học sinh phải gánh chịu. Một phòng học lẽ ra chỉ có 5 dãy bàn thôi thì phải kê tới 7 dãy bàn. Lớp nào cũng đều được dùng bảng loại tốt nhưng khoảng cách bàn đầu với bảng quá gần, bàn cuối lại cách bảng quá xa.
Hoặc Bộ GD&ĐT tuy có quy định về tiêu chuẩn bàn ghế nhưng còn chung chung và chưa phân chia độ cao thấp của bàn ghế theo lứa tuổi. Do đó một trường dù điều kiện cơ sở vật chất tốt đến mấy cũng chỉ có một cỡ bàn ghế cho học sinh của cả trường, dù các em chênh nhau từ 3 đến 5 tuổi.
Theo ông Phạm Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất, Thiết bị Dạy học & Đồ chơi Trẻ em (Bộ GD&ĐT), điều kiện học tập rất quan trọng trong việc phòng chống tật khúc xạ ở học sinh nhưng chưa đủ mà cần sự giám sát của giáo viên.
Các biện pháp phòng chống cận thị học đường Phòng học, góc học tập đủ ánh sáng. Ngồi học đúng tư thế: Thẳng lưng, đầu hơi cúi về phía trước và mắt cách sách vở khoảng 30 - 35 cm. Kích thước bàn ghế phù hợp với học sinh. Cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Ăn đủ chất và nên sử dụng thức ăn có nhiều Vitamin A (rau xanh, hoa quả có màu vàng đỏ, gan động vật, trứng). Bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương |