Phòng chống bệnh đậu mùa khỉ: Việt Nam đề nghị WHO, Nhật, Mỹ hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việt Nam đang đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật thêm quy trình chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ; WHO và CDC Mỹ hỗ trợ một lượng vắc xin. Trong khi đó, Nhật Bản đã sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam một số sinh phẩm phục vụ xét nghiệm.

Trước nguy cơ rất cao bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh đậu mùa khỉ tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành phố thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Hiện Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh.

Sẽ tập huấn cho các cơ sở y tế về điều trị

Phòng chống bệnh đậu mùa khỉ: Việt Nam đề nghị WHO, Nhật, Mỹ hỗ trợ ảnh 1

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉĐồ họa: AJLabs

Bộ Y tế thông tin, cần giám sát trong cộng đồng những trường hợp phát ban, nốt phỏng. Theo WHO, cơ bản các ca mắc là nam giới chiếm 98%, trong đó đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới tương đối cao. “Tuy nhiên, chúng tôi đang đề nghị WHO cập nhật thêm quy trình chẩn đoán vì chúng ta chưa có quy trình chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ trong phòng thí nghiệm. Chúng ta đang đợi nhận bộ mồi và trứng dương của WHO cung cấp”, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nói.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Đó là che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách li, tránh quan hệ tình dục. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh…

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, bày tỏ mong muốn WHO hỗ trợ một số đơn vị ở Việt Nam các hóa chất, sinh phẩm để dùng phát hiện trường hợp nghi ngờ và ca bệnh đầu mùa. “Chúng tôi mong muốn Bộ Y tế, WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) có khuyến cáo tạm thời dùng một số hóa chất, sinh phẩm dùng trong nghiên cứu, phòng xét nghiệm trong tình huống cần khẩn cấp, tạm thời để sàng lọc ca nhiễm”, ông Trung nói.

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, thông tin, ngay sau khi nhận thông tin bùng phát đậu mùa khỉ trên thế giới, Cục đã soạn thảo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. “Tuần tới, chúng tôi sẽ tiến hành tập huấn cho các cơ sở y tế. Đa số ca bệnh đều là những trường hợp nhẹ, một số trường hợp có biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não. Chúng tôi phân ra tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng”, ông Khoa thông tin.

TS Khoa đồng quan điểm với chuyên gia WHO về đường lây chính đậu mùa khỉ là do tiếp xúc trực tiếp và giọt bắn, nguy cơ lây ở cơ sở y tế khá cao, phải có phương án phòng hộ cho nhân viên y tế. “Về chẩn đoán, do Việt Nam chưa có bộ kít xét nghiệm đậu mùa khỉ, trước mắt dựa vào triệu chứng lâm sàng để sàng lọc. Sau này có các chẩn đoán cận lâm sàng đặc hiệu sẽ áp dụng”, ông cho hay.

Bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam, cho biết: “Hiện Nhật Bản đã sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam một số sinh phẩm nhất định, sẽ được chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM. Do khó trong việc chẩn đoán bệnh, ca bệnh lâm sàng không điển hình, vì vậy chúng ta cần truyền thông để các ca có triệu chứng chủ động đến cơ sở khám chữa bệnh sớm để bảo vệ mình và cộng đồng”.

Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh tại cửa khẩu

Phát biểu tại cuộc họp khẩn trực tuyến bàn về các biện pháp ứng phó bệnh đậu mùa khỉ, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định, bệnh đậu mùa khỉ khó lây, lây qua tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn lớn và không lây qua không khí. Thế giới chưa có thuốc đặc hiệu, vắc xin đặc biệt cho bệnh này. Việt Nam cũng không còn dự trữ vắc xin đậu mùa. Vì vậy, bà Hương đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành phố thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh, vậy ứng phó khi vào nhóm 2-3-4 thì như thế nào?

Về việc phân loại bệnh đậu mùa khỉ là bệnh nhóm A, hay B, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Y tế dự phòng họp với các đơn vị đề xuất sớm. Hiện bệnh đậu mùa chung đang ở nhóm A.

“Việt Nam chưa có ca bệnh song phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng… khi có kịch bản, xử lý nhanh và sẵn sàng ứng phó”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói. Về năng lực xét nghiệm, theo bà Hương, hiện đang chờ hỗ trợ về sinh phẩm xét nghiệm từ WHO, tuy nhiên theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, chúng ta có thể dùng sinh phẩm trong phòng thí nghiệm để có thể chẩn đoán bệnh trong trường hợp khẩn cấp. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị nhanh chóng hoàn thiện quy trình xét nghiệm chẩn đoán đậu mùa khỉ vì không có hướng dẫn, không thể chẩn đoán ca mắc.

Bà Hương đề xuất WHO, CDC Mỹ hỗ trợ một lượng vắc xin nhất định để có thể tiêm cho nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trong trường hợp xuất hiện tại Việt Nam. Về thuốc kháng virus nếu có, Việt Nam cũng mong muốn nhận được hỗ trợ.

MỚI - NÓNG