Phòng biệt giam tử tù cần đảm bảo những yêu cầu gì?

Trại tạm giam T16 Bộ Công an.
Trại tạm giam T16 Bộ Công an.
TPO - Buồng giam người bị kết án tử hình được xây dựng kiên cố theo mẫu thống nhất của Bộ Công an, đảm bảo đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ theo dõi, giám sát. Giám thị trại giam tổ chức tiếp nhận, kiểm tra đồ tiếp tế, đồ vật chặt chẽ và có ký nhận cụ thể.

Quản lý nghiêm ngặt

Liên quan tới vụ 2 tử tù Lê Văn Thọ (SN 1980, quê tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (SN 1989, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) đục tường, đu dây trốn trại tại trại giam T16 Bộ Công an ba ngày trước, trao đổi với Tiền Phong ngày 14/9, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trại giam nơi giam giữ người bị kết án tử hình phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về việc quản lý, giam giữ theo Luật thi hành án hình sự 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo hướng dẫn tại Thông tư 39/2012/TT-BCA quy định về quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình như sau: Trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình.

Buồng giam người bị kết án tử hình phải được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.

Sau khi tòa án đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì giám thị trại tạm giam phải làm thủ tục điều chuyển ngay người bị kết án tử hình vào buồng giam tại khu vực giam người bị kết án tử hình.

Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày (nếu người bị kết án tử hình là nữ thì phải bố trí cán bộ quản giáo nữ phụ trách).

Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24 giờ); mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá 15 phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá nhân.

Trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của giám thị trại tạm giam. Khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.

Giám thị trại tạm giam phải tổ chức tiếp nhận, kiểm tra chặt chẽ đồ tiếp tế, đồ vật, thư để phát hiện thu giữ, xử lý đồ vật cấm theo quy định. Nếu đồ tiếp tế, đồ vật, thư được phép nhận và gửi theo quy định thì phải giao lại đầy đủ cho người nhận và phải ghi vào sổ theo dõi có ký nhận cụ thể.

Luật sư Thơm cho rằng, hành vi bỏ trốn khỏi nơi giam, giữ của 2 đối tượng Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình đã phạm tội "Trốn khỏi nơi giam, giữ" quy định tại điều 311 Bộ luật Hình sự.

Phòng biệt giam tử tù cần đảm bảo những yêu cầu gì? ảnh 1 Hai tử tù Thọ - Tình. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp.

Truy nã tử tù vượt ngục

Ngày 14/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Thọ (tức Thọ sứt, SN 1980, quê huyện Thanh Hà, Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (SN 1989, quê huyện Quốc Oai, Hà Nội) để điều tra về tội "Trốn khỏi nơi tạm giam giữ quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự, đồng thời phát lệnh truy nã đặc biệt trên toàn quốc đối với 2 đối tượng này.

Theo cơ quan CSĐT, Thọ và Tình trốn trại tạm giam T16 Bộ Công an, trụ sở ở xã Mỹ Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) ngày 11/9.

Thọ có nhiều tiền án về các tội giết người, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, đưa hối lộ, trộm cắp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tình có 1 tiền án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tháng 5/2017, TAND tỉnh Hà Nam đã tuyên phạt Lê Văn Thọ mức án tử hình cho các tội danh mua bán trái phép chất ma tuý, giết người và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, mặc dù là bị án đang chấp hành án phạt tù có thời hạn tại trại tạm giam Nam Hà, Bộ Công an nhưng Thọ vẫn gọi điện thuê và chỉ đạo các đối tượng ngoài xã hội thực hiện hành vi giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý.

Nguyễn Văn Tình bị TAND TP Hà Nội xử mức án tử hình trong một vụ buôn bán ma tuý vào tháng 4/2017.

Căn cứ quyết định khởi tố vụ án trốn khỏi nơi giam, giữ phạm, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội cũng vừa ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình. Theo đó, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc  UBND nơi gần nhất. Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội.

Điều 301. Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn

1. Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 311. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử

1. Người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a ) Có tổ chức;

b ) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.

MỚI - NÓNG