Phối hợp thu ngân sách nhà nước: Bước đi quan trọng tiến tới hình thành Kho bạc số

0:00 / 0:00
0:00
Phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa Kho bạc Nhà nước (KBNN) và các ngân hàng thương mại đã từng bước phát huy hiệu quả. Đây là bước đi cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, đồng thời hướng tới thực hiện mục tiêu Kho bạc số trong tương lai.

Số thu theo phương thức điện tử

Đến thời điểm hiện tại, số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chỉ chiếm tỷ lệ dưới 1%. Kết quả này có được là nhờ công tác phối hợp thu chặt chẽ giữa KBNN và các ngân hàng thương mại suốt thời gian qua. Nếu như trước đây chỉ có 5 ngân hàng thương mại nhà nước kí kết với KBNN thì từ tháng 5/2020 đến nay đã có thêm 4 ngân hàng thương mại tham gia chương trình phối hợp thu. Việc mở rộng hợp tác góp phần không nhỏ trong việc phát triển và đa dạng hóa phương thức thu ngân sách của KBNN nhằm tăng cường cải cách hành chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Các hoạt động thu ngân sách nhà nước, thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, qua tài khoản của người nộp thuế, nộp phạt tại các ngân hàng thương mại hoặc nộp trực tiếp tại điểm giao dịch của 5 ngân hàng thương mại gồm: VietinBank, Agribank, BIDV, Vietcombank và MB chi nhánh Thái Nguyên. Theo nhận xét của đơn vị này, công tác phối hợp thu đã giúp KBNN một mặt giảm tải công việc, nhờ vậy có điều kiện tăng thêm nhân lực cho các hoạt động nghiệp vụ, mặt khác giúp giảm bớt áp lực bảo đảm an ninh, an toàn khi vận chuyển, bảo quản tiền mặt.

Phối hợp thu ngân sách nhà nước: Bước đi quan trọng tiến tới hình thành Kho bạc số ảnh 1

Qua gần 2 năm mở rộng chương trình phối hợp thu nhằm tiến tới mục tiêu Kho bạc "không tiền mặt", đến nay, những lợi ích mà chương trình mang lại đã rất rõ ràng. Khẳng định quan điểm của KBNN là “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, Phó Tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ nhấn mạnh, sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên. Theo đó, việc hợp tác giữa KBNN và ngân hàng thương mại sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho người nộp thuế (mở rộng không gian làm thủ tục nộp thuế, thời gian nộp thuế; người nộp thuế được cung cấp thêm các dịch vụ nộp đa dạng, văn minh, hiện đại với quy trình thu nộp đơn giản, thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp), góp phần thực hiện các dịch vụ công, thủ tục hải quan, thông quan nhanh chóng.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa KBNN và ngân hàng thương mại cũng giúp cho toàn bộ khoản thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng sẽ được ghi nhận trực tiếp ngay vào hệ thống các tài khoản của KBNN tại ngân hàng, bảo đảm tập trung kịp thời vào ngân sách nhà nước và thông tin về khoản thu được truyền sang Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và thuận lợi.

Đối với KBNN, ngoài việc tập trung nhanh, kịp thời hơn các khoản thu vào ngân sách nhà nước, không phải qua các khâu trung gian, công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước với các ngân hàng còn giúp giảm thiểu khối lượng công việc thu ngân sách nhà nước tại KBNN, tạo điều kiện cho Kho bạc Nhà nước tiếp tục tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Đặc biệt, kết quả hợp tác giữa KBNN và các ngân hàng thương mại cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao năng suất lao động của xã hội và góp phần số hóa nền kinh tế.

Tiếp tục cải tiến quy trình thủ tục

Có thể nói, công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa KBNN, cơ quan Thuế, Hải quan với các ngân hàng thương mại là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, mang tính đột phá của công tác thu ngân sách nhà nước trên nền tảng công nghệ thông tin theo nguyên tắc thuận tiện, chính xác, kịp thời và hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và mang lại lợi ích cho các bên.

Để thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 hình thành Kho bạc điện tử, kho bạc “3 không” (không tiền mặt, không hồ sơ chứng từ giấy, không khách hàng giao dịch), thời gian tới, công tác ủy nhiệm thu sẽ được KBNN tiếp tục mở rộng với các ngân hàng thương mại phối hợp thu trên từng địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, giảm thời gian giao dịch nộp tiền xuống khoảng 5 phút/giao dịch...

Để làm được điều đó, KBNN, cơ quan Thuế, Hải quan và các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục trong quy trình phối hợp thu ngân sách nhà nước để phát hiện những thủ tục không hợp lý, cải tiến theo hướng đơn giản hóa, dễ hiểu nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Trao đổi thông tin kịp thời trong việc giải quyết mọi vướng mắc để việc thực hiện quy chế phối hợp thu ngân sách nhà nước đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả cơ quan thuế, KBNN, các ngân hàng thương mại và người nộp thuế.

Phối hợp thu ngân sách nhà nước: Bước đi quan trọng tiến tới hình thành Kho bạc số ảnh 2

Phó Tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ khẳng định, KBNN mong muốn và sẵn sàng hợp tác với các ngân hàng thương mại có nhu cầu và sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, nhân lực để thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử với KBNN.

MỚI - NÓNG
Bí thư Vĩnh Phúc: Xử lý các điểm nóng vi phạm đất đai
Bí thư Vĩnh Phúc: Xử lý các điểm nóng vi phạm đất đai
TPO - Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tham mưu cho tỉnh các giải pháp khắc phục, xử lý các vi phạm đất đai, nhất là các điểm nóng, vụ việc phức tạp liên quan đến vi phạm đất đai như tại Công ty Kim Long; khu hồ Đại Lải; xã Ngọc Thanh (Phúc Yên); thị trấn Tam Đảo…
Lý do vốn FDI 'chảy' vào TPHCM chững lại
Lý do vốn FDI 'chảy' vào TPHCM chững lại
TPO - Theo nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, những năm gần đây TPHCM có tình trạng thiếu đất cho công nghiệp công nghệ cao, kể cả với ngành cơ khí. Do đó, khả năng thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những năm gần đây cũng chậm lại, đồng thời cũng đang thiếu một số dự án lớn để tạo điều kiện cho thành phố bứt phá.