Tại buổi làm việc với Ngân hàng Xây dựng và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An chiều 18/12, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc tái cơ cấu giai đoạn một (từ 2011-2015), hệ thống ngân hàng đã đạt một số kết quả. Đến nay, các tổ chức tín dụng đang hoạt động tích cực và có nhiều biện pháp triển khai quyết liệt tiếp theo.
Riêng 3 ngân hàng mua bắt buộc (OceanBank, GPBank, VNCB) và Ngân hàng Đông Á (bị kiểm soát đặc biệt) vẫn đang huy động, cho vay và hoạt động tất cả các nghiệp vụ ngân hàng. Hiện nay, theo ông Tú dù còn nhiều tồn tại, khó khăn nhưng bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành đã được thay đổi, kiện toàn và củng cố một bước; thanh khoản được cải thiện, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Với Ngân hàng Xây Dựng, Phó thống đốc Đào Minh Tú đề nghị nhà băng này phối hợp với Vietcombank sớm xây dựng hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu, đảm bảo khả thi. Đồng thời, CB tiếp tục thực hiện chủ trương củng cố, ổn định, khắc phục khó khăn để phát triển.
Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai giai đoạn 2 tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo quyết định của Chính phủ. Phó thống đốc Đào Minh Tú thông tin, khi triển khai đề án này, trên nền tảng những kết quả của giai đoạn một, nhà quản lý tích cực xây dựng các đề án phê duyệt cho từng ngân hàng, kể cả các ngân hàng lành mạnh cũng như các nhà băng còn có những khó khăn.
Theo Phó thống đốc Tú, với đề án trên, những ngân hàng lớn phải lớn hơn, mạnh hơn nữa để vươn ra khu vực. Còn những nhà băng vẫn nằm trong dạng yếu kém thì sẽ tiếp tục huy động, cho vay và tích cực xử lý tồn tại trước đây trong sự kiểm soát của nhà nước, để phát triển ổn định.
"Nói chung, chủ trương và quan điểm của Chính phủ là tái cơ cấu phải dựa trên 2 nguyên tắc. Thứ nhất là ổn định hệ thống. Thứ hai là bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền một cách hợp pháp, chính đáng", ông nhấn mạnh.
Năm 2018 được ông Tú nhìn nhận sẽ là năm quan trọng với ngành ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước triển khai các quy định về xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. Việc thực thi Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng một cách hiệu quả sẽ tạo ra một cơ chế đồng bộ giúp xử lý nhanh chóng, dứt điểm các khoản nợ xấu, khơi thông dòng vốn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang hoạt động tốt, chỉ có một số nhà băng còn tồn tại một vài vấn đề. Vì thế Phó thống đốc mong người dân yên tâm, tin tưởng vào đường lối chính sách của Nhà nước, tránh nghe tin đồn, rút tiền trước hạn để tránh thiệt hại.
"Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền", Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định và khuyến cáo người dân nên an tâm với chính sách vì tất cả người gửi tiền tại các ngân hàng từ vốn nhà nước, cổ phần đến Quỹ tín dụng nhân dân đều được đảm bảo quyền lợi chính đáng.
"Đây cũng là chỉ đạo, chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ để đảm bảo cho quyền lợi chính đáng của người dân gửi tiền tại các ngân hàng", Phó thống đốc nói và nhấn mạnh, hoạt động ngân hàng ổn định hay không là do người dân quyết định, đồng thời mỗi thành viên quan hệ ngân hàng, gửi tiền, vay tiền quyết định.