Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: 'Võ Tòng' đả hổ

Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: 'Võ Tòng' đả hổ
Không phải những quan hành chính làm bóng đá, ông PCT phụ trách tài chính bước vào VFF trước hết là tình yêu, đam mê sau đó mới tính những gì mình hưởng.

Có gang, có thép

Nếu tính độ trì với VFF, trừ Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Phạm Ngọc Viễn, ông Lê Hùng Dũng gần như không có đối thủ. Hồi VFF khóa III tổng kết nhiệm kỳ, ông Dũng còn sắm vai Trưởng ban vận động tài chính đã ôm cả tập hồ sơ nặng vài cân để giải trình trước đại hội, chứng tỏ ông không có lem nhem tiền bạc. Đấy là cái chất của ông bầu không dùng bóng đá, VFF làm “vựa lúa” hốt riêng vào túi cá nhân.

Ông Dũng có hậu thuẫn kinh tế vững vàng, nên nói ông chọn VFF, chọn bóng đá làm thú vui cũng chẳng sai. Bởi vậy, nhiệm kỳ khóa IV, một “tay chơi” như ông Dũng đứng ngoài, VFF lập tức long đong tài chính. Người ta đã nhớ ngay đến vị Chủ tịch Hội đồng quản trị SJC khi chiếc ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính được sáng lập ở khóa V. Tất nhiên, với uy tín của mình, chỉ một bài tranh cử ngắn gọn, ông Dũng lập tức thuyết phục tất cả và đắc cử.

Quả thật, vắt qua 2 nhiệm kỳ giữ ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, bằng cách này cách khác, ông Dũng giúp VFF sáng sủa, ăn lên làm ra. Tiền vẫn đổ vào bóng đá, đổ vào VFF, kể cả thời điểm khó khăn nhất. Thời ông Dũng làm tài chính cho VFF, V-League có tài trợ ổn định, thậm chí cao ngất ngưởng như bản hợp đồng giá trị 30 tỷ đồng mà Eximbank rót vào V-League. Chưa bàn đến việc Eximbank là “mái nhà” của ông Dũng, nhưng việc kiếm được 30 tỷ đồng/mùa, đấy không phải dễ thuyết phục. Còn cấp đội tuyển, sự trở lại của ông lớn kiểu Nike hay hàng loạt tập đoàn lớn của Nhật Bản, có thời VFF chỉ nằm mơ đến cái logo… cũng còn khó.

Ông Dũng giúp tài chính của VFF sáng sủa hơn là điều rõ ràng. Đó là cái công và xứng đáng với việc chọn mặt gửi vàng vào ông Dũng. Thậm chí nếu gặp vận, có lẽ chuyện tiền bạc của VFF còn sáng láng hơn nhiều nếu phi vụ vươn tay khỏi bóng đá, đầu tư tiền bạc vào cổ phiếu, ngân hàng không bị trắc trở ở phía đối tác đầu tư. Tóm lại, chỉ dừng ở tuyên bố “trách nhiệm là kiếm được nhiều tiền cho VFF”, ông Dũng đã không làm muối mặt những người tin tưởng điền tên ông vào lá phiếu.

Trò chơi, trời cho

Phàm đã là rường cột VFF, lại xem bóng đá là đam mê, ông Dũng cũng thể hiện bản lĩnh và vai vế của mình ở VFF. Sự kiện bầu Kiên là ví dụ, VFF chết lặng trước “quả bom” của bầu Kiên tung ra trong lễ tổng kết, chỉ có ông Phó tài chính là đủ bản lĩnh vượt qua sự tê tái, đối diện với ông bầu Hà Nội ACB. Không rào trước, đón sau mà đi thẳng vào vấn đề, chứ chẳng phải những đòn đá xéo, phản kích nhau khi mặt không chạm mặt.

Sự khác biệt quan hành chính làm bóng đá và quan bóng đá đi lên từ chủ trương xã hội hóa là chỗ ấy. Ông Dũng có cái thế không bị “há miệng mắc quai”, cho nên, phê là phê thẳng. Như cách ông Phó tài chính đã đốp lại ông Phó Tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi về quy định chuẩn chuyên nghiệp rằng: “Đừng mang AFC làm con ngáo ộp dọa bóng đá Việt Nam”, hay việc sòng phẳng: “Anh Tuấn, anh Khôi không làm tốt thì thay”. Chẳng ai có được sự quyết liệt, sòng phẳng như vậy, nếu người ta không ngán và không bị lệ thuộc vào những quyền lợi e ấp bên cạnh.

Góc độ công việc và bản lĩnh, ít người thấy cá tính ở ông Dũng thay đổi, dẫu là những khoảng thời gian rất khác nhau khi bước chân vào VFF. Nhưng ông Trời hiếm khi cho ai tất cả, vẹn toàn. Ông Dũng có mãnh lực vượt ra khỏi góc độ một tài phiệt đại diện kiếm tiền cho bóng đá. Chỉ có điều, bước ra khỏi lãnh địa của mình, ông Phó phụ trách tài chính chưa đủ tài lẫn sự hậu thuẫn để dọn dẹp sạch sẽ những vết gợn ở bóng đá Việt Nam, thậm chí chính tại VFF.

Trò chơi-trời cho. Có thể ví von, ông Dũng ở VFF và làm bóng đá giống như trạng thái của Võ Tòng khi liêu xiêu bước chân lên đồi Cảnh Dương. Võ Tòng khi ấy đã say mềm, biết đồi Cảnh Dương có hổ dữ mà vẫn bước lên. Ông Dũng không biết có quật ngã được “hổ bóng đá” hay không, nhưng rõ ràng ông vẫn bước lên khi đang “say”. Và ở đời, có ai được cho tất cả bao giờ đâu?

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.