Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội: Có thời điểm phân vân giữa lương 2,5 triệu và 10 triệu

Chị Chu Hồng Minh, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội
Chị Chu Hồng Minh, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội
TPO - Theo Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh, bản thân chị là một thủ khoa xuất sắc được tuyển dụng vào Thành đoàn Hà Nội đã 14 năm. Chị đã từng băn khoăn việc lựa chọn mức lương 2,5 triệu đồng và mức lương bên ngoài 10 triệu đồng/tháng.

Chiều 1/9, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, bà Chu Hồng Minh - Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội cho biết, năm 2020 là năm thứ 18 liên tiếp, Thành phố Hà Nội tổ chức tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. Theo đó, có 88 thủ khoa sẽ được tuyên dương đợt này.

Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, thành phố đã có nghị quyết về khuyến khích, trọng dụng nhân tài, trong đó ưu tiên tuyển dụng thủ khoa xuất sắc.

Theo ông Hoa, với các sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn, nếu ngành học phù hợp với vị trí việc làm ở các cơ quan đơn vị của thành phố cần tuyển có thể đăng ký dự tuyển.

“Việc tuyển dụng này khác với tuyển dụng sinh viên bình thường. Chỉ qua một cuộc sát hạch để kiểm tra kiến thức về quản lý nhà nước, về chuyên ngành được đào tạo, cộng với vị trí việc làm thành phố cần tuyển. Theo quy định nếu qua 50 điểm thì được. Khi đạt được rồi thì thành phố sẽ ban hành quyết định tuyển dụng theo các vị trí việc làm”, ông Hoa nói.

Theo ông Hoa, theo chế độ chính sách thu hút nhân tài của thành phố, các trường hợp thủ khoa xuất sắc được tuyển dụng sẽ được ưu tiên hỗ trợ một lần 20 tháng lương tối thiểu. Sau 2 năm làm việc tại các cơ quan đơn vị sẽ được ưu tiên đi đào tạo sau đại học ở trong nước. Toàn bộ chi phí học thành phố sẽ có Quỹ chi trả. Sau khi học xong thì phải cam kết làm việc cho thành phố trong 7 năm.

“Tuy nhiên, 18 năm vừa qua tuyên dương được 1.819 thủ khoa xuất sắc, toàn thành phố tuyển dụng được 186 thủ khoa, xấp xỉ khoảng 10%”, ông Hoa nói.

Theo ông Hoa, lý do là một số em thuộc lực lượng công an, quân đội, phân công công việc theo ngành. Một số có nguyện vọng tiếp tục học lên, đi du học.

“Mức lương của các em thủ khoa xuất sắc khi được tuyển dụng vào công chức, viên chức của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thì cũng hưởng lương theo ngạch bậc, theo quy định của nhà nước”, ông Hoa nói, đồng thời cho biết, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều thủ khoa không muốn làm việc tại các cơ quan của thành phố.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết, bản thân chị từng là một thủ khoa xuất sắc, được tôn vinh năm 2006, đến nay đã làm việc tại Thành đoàn được 14 năm.

Chị Minh cho rằng, việc thu hút thủ khoa gặp nhiều khó khăn khách quan, như việc được đào tạo nhiều chuyên ngành, có những người chưa ra trường đã có công việc ở các đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước; nhiều người được giữ lại làm giảng viên; được tuyển dụng vào các cơ quan T.Ư…

“Như trong 88 thủ khoa của năm nay chỉ có 30 bạn là có nhu cầu được công tác tại các cơ quan nhà nước. 21 bạn đã có kế hoạch học cao hơn, 17 bạn có học bổng du học; nhiều bạn đã được giữ lại trường…”, chị Minh nói.

Chia sẻ về mức thu nhập, chị Minh cho biết, bản thân khi về công tác tại Thành đoàn đã phải băn khoăn giữa lựa chọn mức lương 2,5 triệu và mức lương 10 triệu ở bên ngoài.

“Cá nhân tôi suy nghĩ rằng, mình phải lựa chọn một cách sáng suốt. Môi trường nào là môi trường tốt nhất, có thể phát huy tốt nhất những tố chất và thế mạnh của mình thì lựa chọn. Với các thủ khoa, trước mắt có thể các bạn lựa chọn thu nhập hàng tháng cao nhất, đó cũng là sự lựa chọn cần tôn trọng. Nhưng cái gì cũng có hai mặt, môi trường nhà nước có sự ổn định, thu nhập không cao nhưng có cơ hội rèn luyện, phát triển, trưởng thành”, chị Minh nói.

MỚI - NÓNG