Trước hết, thử điểm lại những thành quả của điện ảnh Việt bị dồn ứ sau cả năm do COVID-19. Ngày 2/4, phim Song song mở đầu tháng Tư “kịch tính”. Phim có sự góp mặt của Nhã Phương, Trương Thế Vinh… triển khai lý thuyết về “hiệu ứng cánh bướm” đã được Hollywood khai thác rất thành công. Khi hai dòng thời gian quá khứ và hiện tại đụng nhau sẽ dẫn đến một loạt tai nạn kỳ bí và thảm khốc. Phim xoay quanh gia đình của Trang (Nhã Phương) khi dọn về nhà mới. Qua chiếc TV cũ, Trang bỗng liên lạc được với Phong là chủ nhà cũ từ 20 năm trước và vô tình cứu sống cậu. Nhưng rồi dần dần, Trang nhận thấy cuộc sống gia đình cô không còn bình thường như trước. Tuy không phải cạnh tranh với phim đồng hương nào, nhưng cùng thời điểm Song song ra mắt, có ba phim ngoại khác rất nặng ký.
Tiếp đó, 9/4 là ngày ra mắt của Vô diện sát nhân. Trong phim, bác sĩ Phương Anh (Phương Anh Đào) liên tục bị giết trong mơ bởi một kẻ sát nhân không mặt mũi khiến cuộc sống của cô bị xáo trộn. Chưa hết, tên sát nhân không mặt hình như còn bước ra đời thực và cô phải trốn chạy nếu không muốn chết một cách đau đớn. Phim của đạo diễn Đinh Công Hiếu hé lộ những cảnh giết người máu me kinh hoàng sẽ đủ sức lôi kéo khán giả thay vì đến với hai phim ngoại phát hành cùng thời điểm?
Ngày 16/4 có hai phim Việt đều dán mác 16+ cùng ra mắt là Lật mặt 5: 48h (đã thành thương hiệu của nhà làm phim kỳ cựu Lý Hải) và Kiều (dự án đầy tham vọng của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Mai Thu Huyền). Kiều bắt đầu từ đoạn đời nhiều biến cố của Thúy Kiều khi bị bán vào lầu xanh, gặp và yêu Thúc Sinh… Phim có sự tham gia của các diễn viên: Trình Mỹ Duyên, Cao Thái Hà, Lê Anh Huy, NSND Lê Khanh, ca sĩ Phương Thanh, diễn viên Hiếu Hiền, Long Đẹp Trai...
Nhân vật chính của Lật mặt 5: 48h là võ sĩ Hiền. Sau khi bị chấn thương trong một trận đấu, Hiền cùng vợ và con gái về quê thăm người bạn, bất ngờ bị cuốn vào một âm mưu của tay anh chị ở miền Tây sông nước. Thành công về doanh thu của những phần phim trước là bước đà thuận lợi cho phần này. Tuy phải giáp mặt Kiều, song hai phim thuộc hai dòng khác nhau nên có thể sẽ có đối tượng khán giả riêng?!
Ngày 21/4 dự kiến Rừng thế mạng ra rạp, phim lấy cảm hứng từ một số sự kiện có thật tại cung đường thám hiểm đẹp chết người Tà Năng - Phan Dũng. Nhân vật chính bị lạc và phải tìm mọi cách giành giật sự sống trước tự nhiên và cả những hiện tượng siêu nhiên. Đây là phim điện ảnh đề tài sinh tồn đầu tiên của Việt Nam, do bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân thực hiện. Tham gia diễn xuất có: Huỳnh Thanh Trực, Trần Phong, Thùy Anh, Thùy Dương, Lê Quang Vinh, Nguyễn Phước Lộc, NSƯT Hữu Châu, Kiều Trinh, Bích Hằng, Hưng Võ…
Dịp nghỉ lễ 30/4 là cao điểm cạnh tranh giữa các phim Việt đủ thể loại. Sẽ không có phim ngoại nào dịp này. Thiên thần hộ mệnh khai thác truyền thuyết Thái Lan về búp bê Kumathong áp dụng vào bối cảnh hào nhoáng của công nghiệp giải trí. Các ca sĩ trẻ bày cho nhau cách tiến thân nhờ cúng bái Kumathong cho đến khi một người trong số họ bị tai nạn chết. Liệu đây có phải quả bom phòng vé của Victor Vũ sau những Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh?
1990 chắc sẽ là phim thu hút khán giả nữ thuộc thế hệ 9X trước tiên. Ba cô gái trong phim đều sinh 1990. Mỗi người một tính cách, một lối sống, nhưng đều phải đương đầu với một biến cố trước ngưỡng cửa tuổi băm. Phim hội tụ ba người đẹp Ninh Dương Lan Ngọc, Nhã Phương và Diễm My.
Nữ nhân vật chính trong Bóng đè đương nhiên sẽ liên tục bị bóng đè. Liệu nữ quỷ tóc tai xõa xượi với hàm răng nhọn hoắt có đủ sức hâm nóng phòng vé? Phim của đạo diễn Lê Văn Kiệt - người làm nên thành công của Hai Phượng. Diễn viên nhí Mai Cát Vy trong Hai Phượng cũng tiếp tục xuất hiện trong phim này.
Trạng Tí phiêu lưu ký - phim gây chú ý quanh vấn đề tác quyền với họa sĩ Lê Linh sẽ là đối thủ đáng gờm trong dịp nghỉ lễ. Vì đây là dịp trẻ em - đối tượng khán giả của phim thay vì đến trường sẽ đến rạp. Phim kể lại hành trình tìm cha của Tí trước khi thành ông trạng trẻ tuổi.
Chìa khóa trăm tỉ với Thu Trang, Kiều Minh Tuấn dựa theo kịch bản gốc Key of life của Nhật. Không biết phiên bản nội “Việt hóa” cảnh phòng tắm công cộng của Nhật thế nào? Phim gốc theo mô típ “hồn Trương Ba da Hàng Thịt” từng rất thành công tại Nhật và Hàn.
Không có chuyện tất cả đều thắng
Danh sách 10 phim kể trên cùng ngày khởi chiếu rất có thể sẽ còn thay đổi khi các nhà làm phim đang cân nhắc thời điểm chào đời đứa con tinh thần gây tốn kém khá nhiều về vật chất sau nhiều lần hoãn chiếu. Mai Thu Huyền từng chia sẻ với báo chí, đã chi 70-80% ngân sách cho truyền thông để ra mắt Kiều sau Tết tầm nửa tháng. Khi phim hoãn chiếu coi như số tiền đó bị mất vì phải truyền thông lại từ đầu.
Việc các phim đổ xô ra rạp ngoài áp lực kinh phí còn do nguy cơ COVID-19 vẫn đang rình rập. Nên tất cả phải tranh thủ chiếu phim khi an ninh phòng dịch vẫn được đảm bảo. Bình luận sự kiện hi hữu trong lịch sử phim Việt, nhà sản xuất Hoàng Quân nhấn mạnh khía cạnh “bi kịch”: “Sẽ không bao giờ có câu chuyện tất cả các phim đều thắng. Thực tế là sẽ có những cái chết ngay từ trước khi phim công chiếu (tức là chưa bàn đến chất lượng hay dở của phim). Khi mà các rạp có quá nhiều sản phẩm được trưng bày trên một không gian bị giới hạn về số lượng khán giả, số lượng suất chiếu, giờ vàng, số lượng banner quảng cáo”. Anh cũng khẳng định thời điểm này quyết định ra mắt hay hoãn đều không liên quan tới sự tự tin hay không về chất lượng phim. Theo anh, việc quyết định thời điểm chiếu phù hợp cũng tạo điều kiện cho khán giả dễ dàng chọn lựa một suất chiếu để xem bộ phim mình quan tâm.
Quan sát “thế cờ” tháng Tư có thể thấy vẫn có khoảng thời gian giãn cách đáng kể giữa các buổi ra mắt để các phim thu hồi vốn và có khi cả lãi. Nhưng vấn đề khiến các nhà sản xuất đau đầu là kiểu chiếu sneak-show nở rộ thời gian gần đây. Mang tiếng chiếu “chiêu đãi” trước buổi ra mắt chính thức nhưng nhiều khi lịch chiếu thử dày đặc chẳng khác gì chính thức lại được bán với giá vé cao hơn - đó là cơ hội các rạp khó bỏ qua, nhất là sau tình trạng đóng băng như vừa qua. Rất có thể một số phim sẽ “lách luật” để chen lên chiếu trước, làm ảnh hưởng tới các phim khác.