> 'Ngôi nhà trong hẻm' tham dự Cánh Diều Vàng
Phim kinh dị “Ngôi nhà trong hẻm” dự Cánh diều 2011. |
Tư nhân lên ngôi?
Cánh diều 2011 hội tụ 12 phim điện ảnh. Mùi cỏ cháy (Hữu Mười), Tâm hồn mẹ (Nhuệ Giang) đến từ Cty TNHH một thành viên Hãng phim Truyện VN; còn lại là phim tư nhân: Hãng BHD góp hai phim Hotboy nổi loạn và câu chuyện về chàng Cười, cô gái điếm và con vịt; Lệ phí tình yêu. Hãng Thiên Ngân: Lời nguyền huyết ngải (Bùi Thạc Chuyên) và Long ruồi (Charlie Nguyễn).
Vũ điệu đường cong của Cinebox-WE Entertaiment; Đó hay đây của đạo diễn Síu Phạm sống tại Thụy Sĩ, (hãng Hkfilm); Hello cô Ba của Cty CP đầu tư giải trí Phước Sang, Lệnh xóa sổ của Cty TNHH Hoàng Trần phim; Ngôi nhà trong hẻm của Cty TNHH sáng tạo Crea TV; Sài Gòn Yo- hãng Chánh Phương.
Tiêu chí giải thưởng: Đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.
Dư luận quan tâm liệu các thành viên Hội sẵn sàng thay đổi, tiếp nhận dòng phim tư nhân một cách công bằng? Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nói, LHP Việt Nam có tính định hướng cao hơn, còn giải thưởng của Hội không nhất thiết, tiêu chí hàng đầu vẫn là đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo.
Khung điểm chấm của giám khảo: Cánh diều vàng 9,1 đến 10; Cánh diều bạc từ 8,1 đến 9; Bằng khen điểm từ 7,1 đến 8,0. Giám khảo sau khi tranh luận, sẽ chấm và bỏ phiếu kín. Điểm chênh lệch giữa các thành viên không quá 3 điểm, cho điểm tối thiểu 5.
Tiêu chí giải thưởng không bắt buộc thành phần sáng tạo chính của phim (đạo diễn, biên kịch, nam/nữ diễn viên chính) phải là hội viên Hội Điện ảnh.
Phim kinh dị “Lời nguyền huyết ngải”. |
BGK trong vòng bảo mật
Trong cuộc họp báo sáng 1-3, rất ít thành viên giám khảo có mặt. BTC không công bố toàn bộ danh sách giám khảo, giải thích rằng do yêu cầu của chính những người cầm cân nảy mực. Vài năm qua, sau khi công bố giải thưởng, giám khảo chịu áp lực không nhỏ trước phản ứng của dư luận.
Thậm chí, nhiều người cay đắng tuyên bố không bao giờ ngồi “ghế nóng” nữa. Bên lề, nhà quay phim, đạo diễn NSƯT Đinh Anh Dũng- vừa ngồi ghế giám khảo phim truyện nhựa tại LHP Việt Nam- cũng than mệt mỏi, dù trước đó anh có vẻ quyết tâm ngồi ghế này.
BTC chỉ công bố danh tính các trưởng BGK: NSND Bùi Đình Hạc Phim điện ảnh; NSƯT Nguyễn Vinh Sơn- Phim ngắn; nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát- phim tài liệu- khoa học; NSND Ngô Mạnh Lân- phim hoạt hình; NSƯT Nguyễn Hữu Phần- phim Truyền hình; TS Trần Thanh Hiệp- Công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh; nhà báo Đinh Trọng Tuấn- trưởng BGK giải Báo chí-Phê bình điện ảnh.
Riêng BGK phim truyền hình bắt đầu xem và chấm từ tuần trước, bởi họ phải xem hết 19 phim truyền hình với tổng số 597 tập.
Còn nhớ khi Mùi cỏ cháy, Hotboy nổi loạn và Vũ điệu đam mê cùng nhận Bông sen Bạc ở LHP Việt Nam, dư luận xì xào kết quả này còn ưu ái bộ phim nhà nước, chưa thật sòng phẳng: BGK Phim truyện nhựa do đạo diễn Lưu Trọng Ninh làm chủ tịch được cho là chịu sức ép không nhỏ khi công bố kết quả cuối.
Ở Cánh diều, trước chất vấn của báo chí, ông Đặng Xuân Hải khẳng định: “Tiêu chí chọn BGK không chịu áp lực từ Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Hội hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Vẫn biết “giám khảo nào, giải thưởng ấy”, công chúng luôn chờ đợi sự công tâm.
Trực tiếp lễ trao giải Cánh diều 2011 Vẫn Trịnh Lê Văn làm đạo diễn, chương trình kết hợp trao giải Cánh diều 2011 với nghi thức kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam, diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị, trực tiếp từ 20h tối 17-3 trên VTV2. BTC hứa rút kinh nghiệm những điểm chưa được của đêm trao giải năm trước. Hội cũng dành nghi thức trang trọng tôn vinh hai đạo diễn được giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005: NSND Bùi Đình Hạc và Đặng Nhật Minh. |
Xem phim miễn phí Trong khuôn khổ Ngày điện ảnh Việt Nam và giải Cánh diều 2011, khán giả có cơ hội xem phim miễn phí ở tất cả 63 tỉnh thành. Tại Hà Nội, khán giả nhận vé mời phim dự giải tại Hội Điện ảnh Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo từ 6-3. Phim chiếu ở 3 rạp: CLB Hội Điện ảnh, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, rạp Tháng Tám từ 9 đến 15-3. Riêng CLB Hội Điện ảnh chiếu thêm phim tài liệu dự Cánh diều và phim chào mừng Ngày điện ảnh 15-3. Ngoài chiếu phim, Hội Điện ảnh tổ chức hội thảo “Một thập kỷ Điện ảnh Việt Nam-Nhìn nhận và đánh giá” ngày 8-3. |
Hotboy ở Berlin
Đoạt đồng giải Bông sen bạc tại LHPVN lần thứ 17 (cùng với Mùi cỏ cháy và Vũ điệu đam mê ), đương nhiên Hotboy nổi loạn là một trong những ứng viên giải Cánh diều năm nay. Hồi tháng hai, Hotboy nổi loạn tham dự LHP Berlin thứ 62 hạng mục Panorama. Blogger Hoài Thu, một người Việt thành đạt định cư ở Đức, mô tả không khí ra mắt của Hotboy: “Bộ phim được dịch ra tiếng Anh là Lost in paradise. Trước đó, phim VN chiếu ở Berlin chủ yếu chỉ có khán giả Việt. Lần này hai rạp chiếu cùng lúc đông nghẹt người. Suất chiếu hai ngày đều hết vé. Trong rạp, thấy người Đức nhiều hơn người Việt. Còn trước đó khi chúng tôi đứng xếp hàng mua vé ở Potsdamer Platz thấy người mua vé xem phim này không chỉ người Đức mà còn nói tiếng Pháp, Anh , Tây Ban Nha, Nga”. Trong khi đó, Vietnam+ trích dịch bài trên báo Hollywood Reporter đưa tin về LHP Berlin, có bài chê bộ phim của Vũ Ngọc Đãng “tẻ nhạt, sáo rỗng”. Cụ thể, nhà báo David Rooney viết: “Đạo diễn và cộng sự đã có cách tiếp cận quá ủy mị với những tình tiết mà trong đó cảm xúc được diễn đạt theo lối sướt mướt khó hiểu. Cách kể chuyện của Hotboy nổi loạn không hấp dẫn khán giả để họ bỏ thời gian xem phim trừ những khán giả ngây thơ nhất”. Nhà báo này cho rằng cách tạo xung đột của Vũ Ngọc Đãng sáo mòn và là “phiên bản của phim Helly Kitty trong dòng phim đồng tính sầu cảm”. |