Tại cuộc hội thảo “Làm sao để thu hút 10 triệu lượt khán giả mỗi khi ra mắt phim mới?”, đạo diễn Choo Chang min và nhà sản xuất Won Dong Yeon đã chia sẻ kinh nghiệm làm phim Hoàng đế giả mạo nói riêng cũng như nền điện ảnh Hàn Quốc nói chung nhân Liên hoan phim Hàn Quốc diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6 đến 8-12.
“Hoàng đế giả mạo” đã đạt được những con số ấn tượng như 15 giải thưởng tại liên hoan phim Daejong 2012 hồi tháng 10 vừa qua, đạt kỷ lục 10 triệu lượt người xem sau 5 tuần ra mắt. Tuy nhiên, khi xem phim, một số khán giả hết sức bất ngờ vì phim được xây dựng rất nhẹ nhàng, hài hước mà không hề có yếu tố sốc, sex nào, vậy đâu là bí quyết làm nên thành công của bộ phim bom tấn này?
Nhà sản xuất Won Dong Yeon: Trước tiên phim phải hay và thú vị. Năm 2012 là năm vô cùng quan trọng đối với người dân Hàn Quốc vì có cuộc bầu cử tổng thống. Khi làm phim năm 2011, chúng tôi không hề nghĩ tới vấn đề này.
Thế nhưng khi phim ra mắt lại ngẫu nhiên trùng với sự kiện này. Có lẽ vì thông điệp trong phim có nhiều điểm trùng hợp với bối cảnh hiện nay khi người dân Hàn Quốc đang trong quá trình tìm kiếm một vị lãnh đạo anh minh, sáng suốt.
Đạo diễn Choo Chang min: Tôi biết tỉ lệ xem phim ngoài rạp của người Việt Nam là 1phim/người/ năm. Tỉ lệ này ở Hàn Quốc là 3 phim/ người. Trong những năm gần đây, tỉ lệ xem phim rạp của người Hàn Quốc tăng nhiều, một phần do sự mở rộng thị trường điện ảnh trên toàn thế giới.
Tôi hy vọng thị trường phim Việt Nam mở rộng, số người xem sẽ tăng. Tính đến giờ phút này, tôi xin vui mừng thông báo, bộ phim Hoàng đế giả mạo đã đạt 12 triệu lượt người xem, chứ không còn là 10 triệu lượt nữa.
Nhà sản xuất Won Dong Yeon và Đạo diễn Choo Chang min tại Hà Nội. |
Bộ phim “Hoàng đế giả mạo” được quảng bá như thế nào để đạt được kết quả đáng ngưỡng mộ như vậy đối với một bộ phim điện ảnh về đề tài lịch sử?
Nhà sản xuất Won Dong Yeon: Theo tôi, điều thu hút khán giả Hàn Quốc đến rạp không phải vì diễn viên. Họ không quan tâm tới sự có mặt của diễn viên chính, mà vì nội dung bộ phim.
Trên thực tế, nam tài tử Lee Byung Hun, người đóng hai vai trong bộ phim này được mời tham gia vì sự phù hợp với nhân vật, chứ không phải vì sự nổi tiếng.
Chúng tôi đã phải sang Mỹ để mời anh đóng bộ phim này vì lúc đó anh ấy đang quay phim ở Mỹ. Sau bộ phim này, anh ấy mới được nhiều người biết đến hơn.
Hiện nay, hầu như người Hàn Quốc nào cũng sở hữu một máy tính cá nhân và điện thoại thông minh. Chính vì thế, chúng tôi đã tận dụng tối đa ưu thế của việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông.
Ngoài ra, trước khi ra rạp chính thức, chúng tôi đã chiếu thử phim trước đó một tháng. Một yếu tố cũng quan trọng không kém là quảng bá trên Internet như facebook, twitter… cũng được tận dụng triệt để.
Thành phần khán giả khó tính là các nhà báo cũng được mời đến xem và họ đã dành những lời khen ngợi.
Nói tóm lại, ba phương pháp quảng bá để dẫn tới thành công nhất cho một bộ phim đã được chúng tôi kết hợp gồm: truyền thông tới từng khán giả, nhà báo và mạng xã hội.
Mục tiêu đặt ra khi làm phim này là gì? Phim lịch sử có phải là phim ăn khách ở Hàn Quốc không?
Nhà sản xuất Won Dong Yeon: Ngay từ khi bắt tay vào làm phim, chúng tôi đã đặt mục tiêu đạt 5 triệu khán giả so với con số 10 tỉ won (10 triệu USD) đầu tư làm phim.
Đến nay ở Hàn Quốc có khoảng 7 phim bom tấn thu hút 10 triệu khán giả, phim Hoàng đế giả mạo đứng thứ tư. Đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên về lịch sử hút khách đến vậy.
Đạo diễn Choo Chang min: Để làm phim lịch sử, việc tái tạo cung vua là kỳ công nhất, tốn kém nhất nên chúng tôi phải xác định là phải làm sao để thu lại được tiền. Chúng tôi đã cố gắng để có một quá trình làm phim tốt. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa kịch bản, đạo diễn và diễn viên.
Trong bộ ba làm nên thành công cho bộ phim: kịch bản, đạo diễn và diễn viên, đâu là yếu tố then chốt?
Nhà sản xuất Won Dong Yeon: Kịch bản là yếu tố quyết định nhất. Ở Hàn Quốc, kịch bản được hoàn thiện ở mức cao nhất. Tác giả viết kịch bản ở Hàn Quốc có chế độ đãi ngộ rất cao. Có hẳn một hiệp hội bảo vệ quyền lợi những nhà viết kịch.
Năm ngoái, hiệp hội những người viết kịch bản đã đạt được thỏa thuận chung, trong đó có qui định rõ tác giả được hưởng bao nhiêu phần trăm từ doanh thu của phim và các hoạt động sinh lời liên quan.
Là một bộ phim về đề tài lịch sử, nhưng bộ phim chỉ bám vào chính sử chỉ bằng mấy dòng chữ ở cuối phim. Phần hư cấu trong phim Hoàng đế giả mạo rất nhiều và có bị phản ứng?
Đạo diễn Choo Chang min: Phim được xây dựng từ một nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng để cuốn hút khán giả, chúng tôi phải điện ảnh hóa và chuyển tải được thông điệp: kẻ yếu và người mạnh trong xã hội và mong muốn có một vị lãnh đạo anh minh, sáng suốt. Thực tế chúng tôi có nhận sự chỉ trích từ các nhà lịch sử, nhưng khán giả thì hoan nghênh.
Bộ phim có gặp khó khăn ở khâu kiểm duyệt không?
Đạo diễn Choo Chang min: Kiểm duyệt phim Hàn Quốc khá thoáng, chính vì vậy nội dung phim ra rạp ở Hàn Quốc khá phong phú .Tuy nhiên, các bộ phim có đề cập đến chính trị cũng sẽ bị kiểm duyệt, rất may bộ phim của tôi không gặp rắc rối nào trong quá trình kiểm duyệt.
Nhà sản xuất Won Dong Yeon: Chính phủ Hàn Quốc không chỉ thị cho chúng tôi phải làm phim như thế nào. Chúng tôi chỉ gặp khó khăn duy nhất là những cảnh quay trong cung vua Gwanghae, mà trong lịch sử, cung vua bị cháy trụi. Chúng tôi đành phải mượn bối cảnh cố cung còn lưu giữ đến hiện nay để quay, nên cũng bị chỉ trích là không đúng sự thật lịch sử lắm.
Đã từng sang Việt Nam và gặp gỡ các nhà điện ảnh Việt Nam, các ông đánh giá về khả năng hợp tác giữa hai nền điện ảnh Việt- Hàn như thế nào?
Nhà sản xuất Won Dong Yeon: Trước đây, tôi đã được xem một số bộ phim của Việt Nam như Xích lô, Mùi đu đủ, nhưng về sau mới biết đó là của đạo diễn Trần Anh Hùng, người Việt sống tại Pháp.
Về khả năng hợp tác của hai nền điện ảnh, tôi nghĩ rằng cần phải có thời gian để xem xét thị hiếu của khán giả mỗi nước, vì thường có sự khác nhau.
Chẳng hạn, khi mang bộ phim bom tấn Hoàng đế giả mạo sang chiếu ở VN, tôi rất tự tin là phim này sẽ hút khách ở VN, nhưng thực tế, doanh thu lại rất khiêm tốn.
Xin cảm ơn hai ông.
Hoàng đế giả mạo (MASQUERADE) là bộ phim lịch sử đầu tay của đạo diễn Choo Chang-min, vừa công chiếu tại thị trường Hàn Quốc vào giữa tháng 9, sau 5 tuần MASQUERADE đã đạt kỷ lục 10 triệu người xem, trở thành 1 trong những bộ phim ăn khách nhất lịch sử xứ sở kim chi. Hoàng đế giả mạo lấy bối cảnh vào thế kỷ 16 tại Hàn Quốc dưới triều đại Joseon. Lo sợ bị ám sát, vua Gwanghae sai thủ hạ đi khắp đất nước để tìm người giống hệt mình làm nhân vật thế mạng. Trớ trêu thay, sau khi lựa chọn anh chàng ăn xin Heo Gyun vào cung thì nỗi sợ hãi của nhà vua biến thành sự thật. Gwanghae bị đầu độc và khó hồi phục trong một thời gian dài. Không còn cách nào khác, Heo Gyun phải giả mạo vị trí của Gwanghae để xử lý công việc triều chính. Theo thời gian, Heo Gyun bắt đầu xây dựng nhiều chính sách cải tiến khiến đất nước ngày càng hưng thịnh. Nhưng cũng từ lúc này, thân phận của anh dần bị lộ… |