Ông Thưởng bị nhầm với NSƯT Trần Nhượng. Ảnh: Duy Chiến. |
Đầu tháng sáu, ông Thưởng vào Nam thăm người thân chữa bệnh tại Bệnh viện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước). Đang loay hoay tìm phòng điều trị, có đám đông y tá, người nhà bệnh nhân nhìn chằm chặp ông. Họ chỉ trỏ, rì rầm bàn luận. Một y tá trẻ đến bên, nói to: “Cháu chào bác phó chủ tịch ạ”. Người khác nhao nhao: “Chào nghệ sĩ Trần Nhượng mới đúng”. Có thanh niên lấy cuốn sổ đề nghị ký lưu niệm.
Ông Thưởng hốt hoảng thanh minh: “Tớ không phải lãnh đạo cũng chẳng phải nghệ sĩ đâu. Tớ đến thăm bệnh nhân thôi mà”. Đám đông không nghe, nhất quyết mời lên phòng giám đốc bệnh viện, chẳng mấy khi gặp được nghệ sĩ nổi tiếng. Ông Thưởng đánh bài chuồn.
Kể lại chuyện trên với chúng tôi tại tư gia số 47, phố Nguyễn Thái Học, phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn, ông Thưởng tâm sự: Phim Chủ tịch tỉnh phát sóng hằng tuần trên VTV1 từ tháng 6-2011, ông rất thích xem bởi những sự kiện, tình huống bóc trần mảng tối trong hàng ngũ cán bộ, quan chức tha hóa.
Các kiểu chạy chức, chạy quyền, chạy dự án được khắc họa rõ nét trong 38 tập phim. Nhất là nhân vật Viện (NSƯT Trần Nhượng đóng), nhăm nhe ghế chủ tịch, là người mở đầu cho cuộc đua chạy chức. Để đạt mục đích, ông ta không từ thủ đoạn nào. Cứ đến khi xuất hiện nhân vật này, vợ ông liền tắt tivi, vì...ghét.
Ông giận vợ, bỏ về quê chơi vài ngày, mấy anh bạn ngày xưa làm cán bộ huyện Văn Quan, Lạng Sơn bỗng nhiên giở chứng đón tiếp nhiệt tình vì thấy ông giống nghệ sĩ Trần Nhượng trong vai phó chủ tịch tỉnh. Họ bảo, chẳng mấy khi được gặp “phó chủ tịch”, nên săn lùng gà rừng về làm thịt, múc rượu trong chum ra uống. Dân làng kéo đến, um một góc rừng. Đổi lại, ông Thưởng phải trả lễ bằng cách uống rượu “tráo chén” với từng người một.
Ông Thưởng từng làm Đội trưởng đội xe Tỉnh ủy Lạng Sơn, có thời gian lái xe cho Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Tanh. “Gần các sếp nên mình cũng nhiễm chất đĩnh đạc, diện mạo khoan thai, đầu tóc bóng bẩy” - ông lý giải về diện mạo của mình, có thể vì thế, nom ông giống nhân vật phó chủ tịch Viện trong Chủ tịch tỉnh?