Phiên tòa xét xử trực tuyến sẽ được tổ chức thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao cùng các Bộ Công an, Quốc phòng và Tư pháp vừa ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết hướng dẫn mở phiên tòa trực tuyến. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2022.

Bị cáo là người dưới 18 tuổi phải bố trí người đại diện hợp pháp

Theo thông tư, thành phần tham gia phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu trung tâm, bắt buộc có Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa, kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án; có đương sự, bị hại; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; người bào chữa, người tham gia tố tụng khác (nếu có) được Tòa án triệu tập.

Đối với vụ án hình sự mà điểm cầu thành phần được đặt tại cơ sở giam giữ thì thành phần tham gia gồm: bị cáo, người bào chữa; người phiên dịch, cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ và Kiểm sát viên, công chức khác thuộc Viện kiểm sát. Trường hợp bị cáo là người dưới 18 tuổi thì bố trí người đại diện hợp pháp.

Thông tư quy định, phòng xử án phải được trang bị hệ thống trực tuyến như: hệ thống chiếu sáng; hệ thống đường truyền và thiết bị mạng; hệ thống âm thanh; thiết bị hiển thị hình ảnh tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần phiên tòa trực tuyến; máy chiếu vật thể dùng để trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa...

Phiên tòa trực tuyến chỉ được kết nối tối đa không quá 3 điểm cầu, trong đó, phiên tòa dân sự, hành chính phải bảo đảm không gian tại điểm cầu lịch sự, nghiêm túc, yên tĩnh; phiên tòa hình sự yêu cầu phải bố trí bục khai báo cho bị cáo bảo đảm phù hợp.

Phiên tòa xét xử trực tuyến sẽ được tổ chức thế nào? ảnh 1
Một phiên tòa trực tuyến tại Bắc Giang với 3 điểm cầu.

Khi viện kiểm sát đồng ý mở phiên tòa trực tuyến mà xét thấy cần thiết phải cử người tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần thì phải ghi rõ họ, tên của người được cử. Kiểm sát viên được cử tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần giúp việc cho kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại điểm cầu trung tâm.

Cơ sở giam giữ trong 3 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử trực tuyến mà xét thấy không thể trích xuất bị cáo đến địa điểm do tòa án quyết định thì cở sở giam giữ phải có văn bản đề nghị tòa xem xét, cho phép tổ chức điểm cầu thành phần tại cơ sở giam giữ của mình.

Trách nhiệm của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến vụ án hình sự, dân sự, hành chính có đương sự, bị hại là đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước phải bảo đảm điều kiện kỹ thuật, công nghệ, không gian tổ chức.

Tình huống tạm dừng, hoãn phiên tòa trực tuyến

Quá trình diễn ra phiên tòa trực tuyến mà hệ thống trực tuyến bị gián đoạn do lỗi kết nối đường truyền, mất điện hoặc sự cố khác làm phiên tòa không thể tiếp tục được thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa.

Trường hợp đến ngày mở lại phiên tòa mà vẫn không thể tổ chức được thì tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Đồng thời, xem xét, quyết định việc mở lại phiên tòa theo hình thức trực tuyến hoặc theo hình thức thông thường.

Đối với vụ án hình sự, tại phiên tòa người tham gia tố tụng đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét có thể dẫn đến thay đổi tội danh, thêm tội danh, thêm đối tượng, phải trưng cầu giám định... mà tại phiên tòa không thể bổ sung thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.

MỚI - NÓNG