Phiên tòa trực tuyến nên áp dụng trong các vụ việc nào?

0:00 / 0:00
0:00
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp
TPO - Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, xét xử trực tiếp là nguyên tắc tư pháp được quy định ở mọi quốc gia. Thế nhưng đã có rất nhiều nước trên thế giới trong khi có quy định xét xử trực tiếp nhưng vẫn làm trực tuyến.

Ghi âm, ghi hình có âm thanh

Chiều 21/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đề nghị của TAND tối cao về tổ chức phiên toà trực tuyến. Theo Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ, sự phát triển rất nhanh của CNTT đã mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự biến đổi không ngừng của kỷ nguyên công nghiệp, thời đại kỹ thuật số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hiệu quả hoạt động của tòa án.

"Thực tiễn quốc tế cho thấy, các nước có nền KHCN phát triển và nền tư pháp tiến bộ như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…đã chú trọng tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động tư pháp. Từ cung cấp dịch vụ hành chính tư pháp trực tuyến đến xét xử trực tuyến đều được các quốc gia này thực hiện một cách thường xuyên và dần thay thế hoạt động tố tụng truyền thống", ông Tuệ cho hay.

Tại Việt Nam, ông Tuệ cho biết, hiện các đạo luật về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

“Thực tiễn thời gian qua, một số tòa án khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử vụ án xâm hại tình dục, vụ án tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly, hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử”, ông Tuệ cho hay.

Về điểm cầu thành phần, số lượng điểm cầu thành phần trong một phiên tòa trực tuyến trước mắt tối đa không quá ba điểm cầu. Thành phần tham gia tại điểm cầu này gồm bị cáo, người làm chứng, các bên đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật (nếu không tham gia tại điểm cầu trung tâm).

“Tất cả các phiên tòa trực tuyến phải được Tòa án tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh để lưu trữ cùng hồ sơ vụ án phục vụ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, thanh tra, kiểm tra”, ông Tuệ nhấn mạnh.

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến. Về thẩm quyền cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đa số ý kiến cũng tán thành với đề xuất TAND Tối cao.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, nội dung cho phép TAND tổ chức tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội (tại kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021).

Phiên tòa trực tuyến nên áp dụng trong các vụ việc nào? ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ

Hành chính có thể áp dụng, hình sự cần hạn chế?

Sau khi tham khảo ý kiến Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, ông đặc biệt lưu ý đến ý kiến của Hiệp hội Luật sư Đức khi cho rằng, xét xử trực tuyến có thể áp dụng trong các phiên toà hành chính, dân sự, nhưng trong tố tụng hình sự thì cần hạn chế.

“Họ không giải thích lý do, như theo nhận thức của tôi, vì động chạm đến quyền con người, khi xét xử không được phép sai số. Với dân sự, hành chính, kinh tế…có thể tham khảo ý kiến hai bên, còn riêng hình sự cần hạn chế”, ông Thịnh nêu.

Cùng quan điểm, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh quan điểm, những gì liên quan đến quyền con người cần phải hết sức thận trọng và đòi hỏi sự chính xác, khách quan. Do vậy, theo ông Tiến không phải vụ án nào, khâu nào cũng có thể xử theo hình thức trực tuyến.

“Thực tiễn chúng tôi thấy rằng, việc này phù hợp với án dân sự, hành chính. Với các vụ án hình sự thì phù hợp với các vụ án theo thủ tục rút gọn, bắt quả tang, chứng cứ rõ ràng…”, ông Tiến nói.

Phó Viện trưởng cũng cho biết, vừa qua ông cũng đã tham dự phiên tòa trực tuyến từ Singapore. “Do điều kiện dịch COVID-19, việc đi lại khó khăn, tốn kém, chúng tôi tham dự phiên tòa liên quan đến khoản tiền của Phan Sào Nam gửi trong ngân hàng ở Singapore”, ông Tiến nói và cho biết, qua đó đã thu hồi được số tiền hàng triệu đô la của Phan Sào Nam gửi trong ngân hàng của Singapore.

Tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, xét xử trực tiếp là nguyên tắc tư pháp được quy định ở mọi quốc gia. Thế nhưng đã có rất nhiều nước trên thế giới trong khi có quy định xét xử trực tiếp nhưng họ vẫn làm trực tuyến.

“Việc đảm bảo quyền con người thì trực tiếp hay trực tuyến thì đều phải làm cho đúng. Như vậy, trực tiếp hay trực tuyến thì không có gì trái nhau cả”, ông Bình nói và cho biết, trước sau gì chúng ta cũng phải có thêm hình thức xét xử theo hình thức trực tuyến, vấn đề là áp dụng vào thời điểm nào thôi. Trước nhiều ý kiến đưa ra, ông Bình đề nghị sớm báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương, để trình Quốc hội ra nghị quyết.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng ý rất cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến và thế giới đã làm rồi. Nhưng theo ông Vương Đình Huệ, luật hiện hành quy định “việc xét xử bằng lời nói và phải được tiến hành tại phòng xử án”, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích là “không ổn”.

Nhấn mạnh đây là vấn đề liên quan đến Hiến pháp, quyền của công dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương, sau đó trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

“Tốt nhất là đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội, còn muốn ra Nghị quyết riêng thì trình Quốc hội càng sớm càng tốt”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

“Phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không nhất thiết phải có mặt tập trung tại một phòng xử án, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi và tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể và vào cùng một thời điểm”, ông Nguyễn Trí Tuệ.

MỚI - NÓNG